TP.HCM sẽ thí điểm tín chỉ carbon

TheLEADER

Thứ hai, 22/4/2024 - 15:09 (GMT+7)

Nhiều cơ hội mở ra cho TP.HCM thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ phát thải khí nhà kính.

TP.HCM có thể định hướng trở thành trung tâm tài chính xanh quốc tế. Ảnh: Hoàng Anh

Theo Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, đầu tàu kinh tế của Việt Nam được lựa chọn là địa phương đầu tiên thí điểm cơ chế trao đổi tín chỉ carbon.

TP.HCM cũng sẽ triển khai nhiều dự án có tiềm năng tạo ra tín chỉ, có thể kể đến như nâng cấp hệ thống đèn đường thành đèn LED tiết kiệm điện, lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho các tài sản công và một số công trình tư nhân trên địa bàn thành phố, trang bị các thiết bị tiết kiệm điện cho một số tòa nhà.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, cho biết, trên địa bàn thành phố có nhiều doanh nghiệp đang có cường độ phát thải khí nhà kính cao và có nhu cầu bù đắp khí thải.

Chính vì vậy, việc triển khai cơ chế tín chỉ carbon tại TP.HCM mở ra nhiều cơ hội, không chỉ đáp ứng điều kiện của doanh nghiệp đang hoạt động mà còn là lợi thế để thu hút thêm dòng đầu tư mới, trong bối cảnh đầu tư bền vững đang trở thành xu thế trên toàn cầu.

Ông Thắng cho biết, trong năm 2024, Sở Tài nguyên và môi trường sẽ hoàn thiện đề án thí điểm cơ chế tài chính giảm phát thải theo hình thức trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon và trình UBND thành phố phê duyệt.

Trước đó, tại Diễn đàn kinh tế TP.HCM năm vừa qua, TS. Hồ Quốc Tuấn, Đại học Bristol, đánh giá, cơ chế tín chỉ carbon cũng như các hình thức tài chính xanh khác cần phải phát triển ở mức độ tương xứng với các dự án xanh đã, đang và sẽ tiếp tục được triển khai.

Cơ chế tài chính xanh nếu sớm được triển khai sẽ điều hướng dòng vốn tới các dự án bền vững, giúp sử dụng hiệu quả nguồn lực, đóng góp tích cực cả cho bài toán chống biến đổi khí hậu và bài toán tăng trưởng kinh tế.

Ông Tuấn nhận xét, TP.HCM vẫn giữ tham vọng trở thành trung tâm tài chính quốc tế và có thể cân nhắc định hướng trở thành trung tâm tài chính xanh của quốc tế và khu vực để thuận theo xu thế mới.

Nhiều việc cần làm

Tín chỉ carbon được Việt Nam xác định là phương án định giá khí thải, giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn mới trên thị trường quốc tế cũng như đóng góp vào thực hiện cam kết quốc gia tự nguyện (NDC) về mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho Việt Nam cũng như cho địa phương tiên phong thí điểm là TP.HCM là vẫn còn thiếu khung pháp lý cho tính toán, đánh giá, thẩm định carbon. Các công đoạn kiểm kê, báo cáo phát thải của doanh nghiệp Việt vẫn phải phụ thuộc nhiều vào tổ chức quốc tế.

Ông Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia biến đổi khí hậu, nhìn nhận, cơ chế tín chỉ carbon sẽ tạo ra thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng cho việc đo đếm phát thải carbon, các công nghệ đo đạc, đánh giá lượng phát thải ở doanh nghiệp vẫn chưa đồng bộ dù đã có chính sách thúc đẩy.

Để việc thí điểm cơ chế bù đắp carbon đạt hiệu quả, ông Thắng đề nghị có sự hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Tài chính cũng như các đơn vị liên quan. Bên cạnh đó, cần tăng cường tập huấn doanh nghiệp, cán bộ, công chức về thị trường carbon, hợp tác và học hỏi kinh nghiệm quốc tế.

Còn theo ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng kinh tế và thông tin biến đổi khí hậu, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và môi trường, doanh nghiệp cần phải có sự chủ động trong việc tìm hiểu quy định pháp luật, đồng thời tăng cường năng lực kiểm kê, giảm thải khí nhà kính để sẵn sàng tham gia các cơ chế tài chính carbon.