TP.HCM muốn lập doanh nghiệp chuyên phát triển nhà ở xã hội

Theo Theleader.vn

Thứ hai, 25/9/2023 - 9:36 (GMT+7)

Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị thành lập doanh nghiệp trực thuộc thành phố chuyên đầu tư, phát triển, quản lý nhà ở xã hội.

Sở Xây dựng TP.HCM nhìn nhận còn nhiều hạn chế trong việc phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khó khăn kéo dài khiến tiến độ dự án chậm, thậm chí không thực hiện được.

Dự án nhà ở xã hội Thủ Thiêm Green House đang được xây dựng tại thành phố Thủ Đức

Loại hình nhà ở xã hội chưa đa dạng, các căn hộ diện tích nhỏ 25-30m2 và giá 300-400 triệu đồng còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Nguồn vốn dài hạn để hỗ trợ các chủ đầu tư vay thực hiện dự án nhà ở xã hội, vốn cho các đối tượng hưởng chính sách mua nhà chưa ổn định.

Các bước thủ tục đầu tư nhà ở xã hội còn phức tạp như việc chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, chấp thuận đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất, ký quỹ như nhà ở thương mại… nên không thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Để tháo gỡ các khó khăn, Sở Xây dựng kiến nghị thành phố, trung ương cho phép thành lập doanh nghiệp chuyên biệt trực thuộc thành phố để đầu tư, phát triển, quản lý nhà ở xã hội.

Sở Xây dựng cũng kiến nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và cá nhân, hộ gia đình theo Nghị quyết 11/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đến hết năm 2025.

Đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn, thống nhất quy trình thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng theo hướng cắt giảm hoặc liên thông thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, chi phí thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng.

Cùng với đó là cơ chế khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá phù hợp, nhà ở cho thuê, nhằm tạo thêm nguồn cung về nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp.

Về nghĩa vụ nhà ở xã hội với các dự án nhà ở thương mại (quy mô 2-10ha), đơn vị này đề xuất cho phép UBND thành phố tự quyết định 3 hình thức thực hiện gồm dành quỹ đất 20% để xây nhà ở xã hội, chuyển giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20% tính theo giá đất mà chủ đầu tư cần thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước để làm nhà ở xã hội hoặc doanh nghiệp nộp tiền bằng với giá trị quỹ đất 20%.

Vừa qua, Sở Xây dựng đã kiến nghị UBND TP.HCM bổ sung 120 khu đất để phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, trong đó có 26 khu đất phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.

Giai đoạn 2016-2020, TP.HCM hoàn thành 19 dự án, gần 1,2 triệu m2, quy mô gần 15.000 căn nhà ở xã hội, đạt khoảng 75% kế hoạch; đưa vào sử dụng một dự án nhà lưu trú công nhân với diện tích đất gần 7ha, quy mô 1.449 phòng.

Giai đoạn 2021-2025, tính đến hết quý II/2023, TP.HCM mới đưa vào sử dụng được 2 dự án nhà ở xã hội, quy mô 623 căn; 7 dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân với gần 5.000 căn đang thi công.