Thủ tướng yêu cầu can thiệp ngay để ổn định thị trường vàng

TheLEADER

Thứ sáu, 12/4/2024 - 13:43 (GMT+7)

Thủ tướng yêu cầu xử lý ngay tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định.

Thị trường vàng trong nước từ đầu năm tới nay biến động mạnh liên tục. Người dân đổ xô đi mua vàng.

Giá vàng miếng đã vượt đỉnh lên 85 triệu đồng/lượng vào sáng nay, tăng 15% so với cuối năm ngoái. Vàng nhẫn đạt đỉnh 78 triệu đồng/lượng vào hôm qua, tăng gần 24% so với cuối năm ngoái.

So với giá vàng thế giới, giá mỗi lượng vàng miếng trong nước hiện cao hơn khoảng 14 triệu đồng, vàng nhẫn khoảng 6-7 triệu đồng.

Tại thông báo kết luận ngày 11/4, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm Nghị định 24/2012, theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới, trong nước và sớm có giải pháp bình ổn thị trường.

Đây là văn bản chỉ đạo thứ ba của Thủ tướng trong vòng bốn tháng qua về các giải pháp quản lý thị trường vàng.

Theo thông báo mới, Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết; khuyến khích sản xuất và xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động.

Cơ quan quản lý điều hành chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời nguồn cung cho sản xuất vàng miếng, vàng trang sức mỹ nghệ, phù hợp với diễn biến thị trường, bảo đảm hoạt động, giao dịch trên thị trường được quản lý, kiểm soát chặt chẽ bằng các công cụ đã có, không ảnh hưởng đến tỷ giá, dự trữ ngoại hối nhà nước, không để xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá…

Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phải được tăng cường trong giám sát, điều hành thị trường vàng. Theo đó, các giao dịch mua, bán vàng phải có hóa đơn điện tử để tăng minh bạch. Các doanh nghiệp không thực hiện nghiêm quy định sẽ thu hồi ngay giấy phép hoạt động.

Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, phù hợp với thực tiễn, ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế, ảnh hưởng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Đồng thời nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước theo đúng quy định, bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Các cơ quan chức năng tiếp tục thanh, kiểm tra thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm như buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách găm hàng đẩy giá.

Giá vàng miếng vượt đỉnh lên 85 triệu đồng/lượng vào sáng nay, tăng 15% so với cuối năm ngoái. Ảnh: Hoàng Anh

Lý giải về sự chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, tại tọa đàm "Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững", GS.TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, mất cân đối cung cầu trong nước khiến giá vàng miếng tăng mạnh. Tức cung không có mà cầu có thực.

Mặc dù SJC và các nhãn hiệu vàng miếng khác có thể cùng chất lượng như nhau, người dân sẽ có xu hướng chọn vàng miếng SJC để tích lũy bởi đây là thương hiệu vàng quốc gia, đảm bảo an toàn nhất.

Trong khi đó, Việt Nam không có liên thông vàng, tức không có nhập khẩu vàng để cân bằng nếu giá vàng trong nước tăng cao, hay xuất khẩu vàng nếu giá trong nước xuống thấp.

Như vậy thị trường vàng trong nước và thế giới không được cân bằng dẫn đến tình trạng thế giới có thể tăng một chút thì trong nước tăng rất cao.

Đứng trước tình trạng đó, trong tình hình hiện nay, ông Cường cho rằng, rất cần có sự thay đổi về phương thức quản lý, sửa đổi quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP.

Chẳng hạn, bây giờ không nhất thiết phải độc quyền nhà nước về một thương hiệu vàng. Có lẽ vàng là một hàng hóa khá thông thường, mọi người đều có thể sử dụng và Nhà nước quản lý mặt hàng này rất dễ, không nhất thiết phải độc quyền.

Ông Cường cho rằng, có thể cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất vàng miếng để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Khi cung được tự do, được cạnh tranh bình đẳng, người dân tiếp cận vàng tích lũy sẽ dễ hơn, sẽ không còn tình trạng khan hiếm, giá vàng sẽ ổn định hơn.

Yếu tố nữa là cần có liên thông giữa thị trường trong nước và quốc tế.

Thị trường vàng là một thị trường liên thông quốc tế rất mạnh. Sự biến động của thị trường quốc tế ngày hôm nay thế này thì thị trường quốc gia khác biến động ngay lập tức.

Vậy thì cũng phải bỏ các công cụ để liên thông thị trường vàng trong nước với quốc tế, chẳng hạn như vấn đề xuất nhập khẩu. Tất nhiên, xuất nhập khẩu ở đây phải có phương thức quản lý phù hợp, GS.TS. Hoàng Văn Cường nhận định.

Theo đó, không phải cứ duy trì một cơ chế như trước đây là cấp phép, cấp quota theo dạng "xin-cho" mà có thể sử dụng các công cụ tài chính để điều tiết quan hệ xuất nhập khẩu đó. Tất nhiên phải quản lý để tránh tình trạng ồ ạt dùng ngoại tệ nhập vàng vào cho mục đích khác, làm mất cân đối ngoại tệ, mất khả năng điều hành tỉ giá.