Tăng trưởng vượt dự báo, các tổ chức tài chính lạc quan hơn về kinh tế Việt Nam

Theo DŨNG PHẠM

Chủ nhật, 28/7/2024 - 15:18 (GMT+7)

Số liệu tăng trưởng GDP đạt 6,9% vào quý II trên nền quý I mới đạt 5,7% là con số khá bất ngờ, khiến các tổ chức đánh giá lạc quan về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong năm nay.

Nền kinh tế Việt Nam đang chứng kiến sự phục hồi ấn tượng của tăng trưởng GDP và sự cải cách cơ cấu, góp phần củng cố khu vực ngân hàng và kích hoạt sự phục hồi của thị trường bất động sản.

Đây là nhận định mới nhất từ ông Hoàng Xuân Trung, Trưởng bộ phận Kinh doanh và giải pháp doanh nghiệp của Citibank Việt Nam, trong đánh giá của tổ chức này về triển vọng tăng trưởng và đầu tư của nền kinh tế Việt Nam.

Định chế tài chính này nhìn nhận nền kinh tế Việt Nam tiếp đà phục hồi mạnh mẽ, khi trước đó dự báo  tốc độ tăng trưởng GDP năm nay ở mức 6% và năm tới khoảng 6,3%.

Tăng trưởng GDP tiếp đà phục hồi mạnh mẽ. Ảnh: Citibank

Năm ngoái, GDP đạt 431 tỷ USD và con số này dự báo sẽ tăng lên 460 tỷ USD năm nay và 500 tỷ USD vào năm 2025, mức tăng trưởng tương đối cao. Cùng với đó, GDP đầu người đã vượt mức 4.300 USD và dự báo sẽ đạt 4.900 USD vào năm 2025.

Ngoài số dân 100 triệu dân - thể hiện tiềm năng đối với thị trường tiêu dùng nội địa - Việt Nam được đánh giá là có tầng lớp trung lưu và chi tiêu nội địa đang tăng trưởng nhanh.

Tuy nhiên, số liệu tăng trưởng GDP đạt 6,9% vào quý II năm nay trên nền quý I mới đạt 5,7% là con số khá bất ngờ đối với giới đầu tư. Citibank cho rằng sự gia tăng này chủ yếu nhờ vào ngành sản xuất và dịch vụ, cùng với cầu nội địa và chi tiêu được cải thiện.

Citibank nhận thấy những xung đột chính trị trên thế giới đã thúc đẩy sự chuyển đổi chuỗi cung ứng, mang lại lợi thế cho Việt Nam với vị trí chiến lược trong thu hút FDI.

Các nhà đầu tư từ Mỹ cũng đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực phụ kiện. Đài Loan và Hàn Quốc là hai trong số những đối tác đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, với nhiều dự án tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Nghệ An.

Mặc dù có những lo ngại về mức thuế tối thiểu toàn cầu 15%, khảo sát từ các doanh nghiệp Nhật Bản cho thấy thuế không phải là yếu tố chính ảnh hưởng đến quyết định đầu tư. Thay vào đó, các yếu tố khác như môi trường kinh doanh và tiềm năng thị trường đang thu hút các nhà đầu tư.

Với những tín hiệu tích cực, Citibank điều chỉnh dự đoán tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ 6% lên 6,4%, trong bối cảnh lạm phát và tỷ giá đều được kiểm soát trong vùng mục tiêu.

Đầu năm nay, Citibank đã chia sẻ quan điểm lạc quan về triển vọng vĩ mô tổng thể của Việt Nam khi nhấn mạnh rằng triển vọng tăng trưởng trung và dài hạn của kinh tế Việt Nam là vô cùng mạnh mẽ và những cánh cửa “cơ hội đặc biệt” đang mở ra cho đất nước.

Theo ông Helmi Arman, kinh tế trưởng về kinh tế Việt Nam của Citibank, nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ những thay đổi đang diễn ra trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và sản xuất công nghiệp.

Sau khi giảm nhẹ năm ngoái, Citibank đã dự báo sự phục hồi của thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất tăng mạnh mẽ, củng cố hơn nữa vị thế của Việt Nam như một công xưởng sản xuất quan trọng của thế giới.

Báo cáo giữa năm của Citibank về triển vọng kinh tế của Việt Nam đã khẳng định những dự đoán đầu năm. Ông Helmi Arman cho biết: “Vào đầu năm, chúng tôi đã dự đoán sự phục hồi mạnh mẽ của Việt Nam sau năm 2023 đầy thử thách. Tăng trưởng được thúc đẩy bởi lĩnh vực sản xuất tiếp tục tăng tốc và các ngành định hướng xuất khẩu phục hồi.”

Với kết quả tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng trong nửa đầu năm 2024, một định chế quốc tế khác là Ngân hàng HSBC cũng đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của năm nay lên 6,5% so với mức 6% dự báo trước đó.

Theo phân tích của HSBC, lĩnh vực gây ngạc nhiên nhất chính là sản xuất, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này cũng được phản ánh qua tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ của quý II, đạt 15% so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ tăng trưởng đầy thuyết phục, tăng trưởng đã bắt đầu có dấu hiệu lan rộng ra các ngành, lĩnh vực khác.

Công nghiệp và xây dựng phục hồi mạnh mẽ sẽ là động lực chính giúp cho mục tiêu tăng trưởng. Ảnh: Shinhan Securities

Đồng quan điểm về triển vọng phục hồi mạnh mẽ, báo cáo cập nhật vĩ mô mới đây nhất của Chứng khoán Shinhan đánh giá mức tăng trưởng ấn tượng của GDP trong quý II được hỗ trợ tích cực bởi sự phục hồi của khu vực sản xuất khi GDP của khu vực công nghiệp và xây dựng hồi phục.

Tổ chức này nhận định với việc lĩnh vực công nghiệp và xây dựng phục hồi mạnh mẽ sẽ là động lực chính giúp cho mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% được hoàn thành.

Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 6 có mức tăng trưởng 10,92% so với cùng kỳ củng cố vững chắc cho hoạt động sản xuất công nghiệp. Khảo sát cho thấy số đơn đặt hàng có dấu hiệu gia tăng trở lại khi các đối tác thương mại lớn của Việt Nam quay trở lại nhập khẩu sau quãng thời gian giảm bớt lượng hàng tồn kho còn tồn đọng.

Theo The Leader, 

https://theleader.vn/tang-truong-vuot-du-bao-cac-to-chuc-tai-chinh-lac-quan-hon-ve-kinh-te-viet-nam-1722082048350.htm