Quy mô hút tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước sắp đạt đỉnh?
Việc giảm hút ròng tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước những ngày gần đây là tín hiệu cho thấy quy mô của đợt hút ròng hiện tại có thể sớm đạt đến mức đỉnh điểm.Kể từ ngày 11/3, NHNN bắt đầu hút tiền trên thị trường mở thông qua kênh tín phiếu. Quy mô phát hành tín phiếu tính đến ngày 26/3 là khoảng 155,6 nghìn tỷ đồng. Tất cả các tín phiếu NHNN đang lưu hành đều có kỳ hạn 28 ngày, lãi suất bình quân là 1,5%/năm.Đa số các phiên chào thầu tín phiếu NHNN đều có sự tham gia khá đông đảo của các ngân hàng thương mại, bình quân số thành viên tham gia khoảng 12.Trong hai phiên phát hành cuối tuần trước, số thành viên tham gia/trúng thầu đã giảm chỉ còn khoảng 6-7 thành viên, lãi suất tín phiếu cũng tăng lên khoảng 1,7%/năm.Đến phiên ngày 26/3, NHNN chỉ phát hành 3,7 nghìn tỷ đồng cho 3 thành viên với lãi suất trúng thầu là 1,9%/năm.Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), điều này phát tín hiệu rằng quy mô của đợt hút ròng hiện tại có thể sớm đạt đến mức đỉnh điểm.Chuyên viên phân tích VDSC lưu ý là dù NHNN hút ròng liên tục nhưng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng vẫn đang ở mức rất thấp cho thấy thanh khoản vẫn dư thừa. Như vậy, sang tháng 4/2024, NHNN có thể sẽ cần phải tiếp tục duy trì số dư của kênh tín phiếu nhằm hạn chế việc tiền quay trở lại hệ thống.Mặt khác, việc hút tiền qua kênh tín phiếu có thể sẽ không đủ sức hạ nhiệt tỷ giá trong ngắn hạn. VDSC nhận thấy hiện có khá nhiều yếu tố hỗ trợ cho sức mạnh của đồng USD.Đầu tiên và quan trọng nhất chính là sự xoay chuyển kỳ vọng của thị trường đối với triển vọng cắt giảm lãi suất của Fed trong năm 2024 khi lạm phát của Mỹ sẽ không nhanh chóng giảm về mức mục tiêu 2%.Thứ hai là sự chuyển dịch trong chính sách của các ngân hàng trung ương khác đang tạo thêm động lực tăng giá cho đồng USD. Từ đầu năm đến nay, chỉ số DXY báo hiệu sức mạnh đồng USD đã tăng khoảng 2,8%.Nhiều nhà phân tích nhận định chỉ số DXY có thể sẽ kiểm định lại mức đỉnh cũ được thiết lập vào tháng 11/2023 sau đó giảm trở lại khi kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Fed được hiện thực hoá.Trong bối cảnh đồng USD neo ở mức cao, tiền đồng đã mất giá khoảng 2,1% trên thị trường chính thức trong quý I/2024. Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD/VND bình quân đang dần tiệm cận mức đỉnh cũ 24.867 đồng/USD vào tháng 11/2023.Báo cáo của VDSC cho rằng biên độ mất giá của tiền đồng có thể nới rộng lên mức 3% trong nửa đầu năm 2024. Tuy nhiên, sau đó tỷ giá sẽ sớm ổn định trở lại.Đồng tình với quan điểm này, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nhận định, lạm phát đã qua giai đoạn lạm phát cao đang giảm khá nhanh, lãi suất ở các nền kinh tế phát triển cũng đang trong xu hướng giảm dần.Sau khi lãi suất đồng USD và Euro tăng đỉnh điểm rồi chững lại từ cuối năm 2023, lãi suất có chiều hướng giảm dần từ giữa 2024.Võ Trí Thành nhấn mạnh VND sẽ chỉ mất giá tối đa 3% trong năm nay nhờ xu hướng giảm lãi suất từ các ngân hàng trung ương lớn, thậm chí trong nửa cuối năm có thể còn tăng lên. Đây là mức thấp nếu so sánh với các nền kinh tế khác trên thế giới.Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Shinhan, có 3 yếu tố giúp tỷ giá hạ nhiệt vào cuối năm. Đầu tiên là triển vọng cắt giảm lãi suất đồng thuận từ Fed và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới trong thời gian tới sau hành động của Ngân hàng trung ương Thuỵ Sỹ (SNB).Thứ hai, FDI và xuất khẩu của Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ hỗ trợ nguồn cung ngoại tệ. Thứ ba là tác động từ việc hút ròng thanh khoản của NHNN trong tháng 3/2024 và cơ chế điều hành linh hoạt tỷ giá kỳ hạn được thông qua.Liên quan đến chính sách ổn định tỷ giá, NHNN mới đây công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 5 Thông tư 02/2021/TT-NHNN hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối.Theo đó, cơ sở xác định tỷ giá kỳ hạn giữa VND với USD trong giao dịch kỳ hạn, giao dịch kỳ hạn trong giao dịch hoán đổi sẽ không quy định cụ thể tại thông tư mà được quy định tại quyết định do Thống đốc NHNN ban hành trong từng thời kỳ.Nội dung sửa đổi, bổ sung này sẽ giúp tăng tính linh hoạt, chủ động trong điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá trước những thay đổi điều kiện thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời phù hợp với nguyên tắc tương tự như tỷ giá trung tâm và biên độ tỷ giá cũng được quy định tại các quyết định do Thống đốc NHNN ban hành trong từng thời kỳ.