Phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII

TheLEADER

Thứ ba, 2/4/2024 - 9:55 (GMT+7)

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã chính thức phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII.

Điện mặt trời tập trung sẽ chỉ được tính tới sau năm 2030. Ảnh: Hoàng Anh

Mục tiêu của kế hoạch hướng tới đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ, đảm bảo điện đi trước một bước.

Đồng thời, thực hiện chuyển dịch năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, góp phần hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Một trong những nội dung được giới đầu tư đặc biệt quan tâm là danh mục các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên tới năm 2030 đã được chi tiết hóa.

Theo đó, từ nay đến 2030, chủ lực vẫn là phát triển nhiệt điện than với tổng công suất khoảng 30GW, thủy điện khoảng 29,3GW, nhiệt điện LNG khoảng 22,4GW, nhiệt điện khí trong nước khoảng 15GW.

Các chỉ số trên vượt khoảng 10 lần so với nguồn điện đồng phát, khí lò cao cũng như thủy điện tích năng.

Về phần năng lượng tái tạo, chỉ tiêu công suất phân bổ cho các địa phương/vùng cũng thể hiện rõ cho giai đoạn đến năm 2030.

Đứng đầu là thủy điện nhỏ với tổng công suất gần 29GW, điện gió trên bờ gần 2,2GW, điện gió ngoài khơi 6GW, điện mặt trời mái nhà tăng thêm khoảng 2,6GW.

Như vậy, có nghĩa là từ nay tới năm 2030, sẽ không có “đất” cho điện mặt trời tập trung phát triển thêm.

Đáng chú ý, điện gió ngoài khơi mặc dù đặc biệt thu hút nhiều thương hiệu lớn cả trong và ngoài nước nhưng định mức dành cho các vùng cũng khá hạn chế so với chính đề xuất của địa phương trước đó.

Cụ thể, chỉ có 2,5GW dành cho Bắc Bộ, 2GW cho Nam Trung Bộ, 1GW cho Nam Bộ, 500MW cho Trung Trung Bộ.

Kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII cũng nêu chi tiết các loại hình nguồn điện sẽ vận hành giai đoạn đến 2030.

Điển hình gồm các dự án nhiệt điện khí trong nước như Ô Môn (II và IV), Dung Quất (I,II,III), Ô Môn III, Tua-bin khí hóa hơi Miền Trung (I, II), Tua-bin khí hóa hơi Quảng Trị.

Đây đều là các dự án trọng điểm ngành điện, sử dụng khí từ các mỏ Cá Voi Xanh, Lô B hay Báo Vàng.

Đặc biệt, dù cách đích vận hành chưa đầy 6 năm nhưng 13 dự án nhiệt điện LNG cho thấy phần lớn đều đang ở giai đoạn lập báo cáo khả thi như Bạc Liêu 3.200MW, Sơn Mỹ II (2.250MW), BOT Sơn Mỹ I 2.250MW, Quảng Ninh 1.500MW hay LNG Hải Lăng giai đoạn 1 (1.500MW).

Thậm chí, có dự án còn chưa rõ công việc đang thực hiện như LNG Quảng Trạch II (1.500MW) tại Quảng Bình, LNG Quỳnh Lập 1.500MW tại Nghệ An. Ngoài ra, ba dự án LNG cùng có công suất 1.500MW đang lựa chọn chủ đầu tư là Thái Bình, Nghi Sơn và Cà Ná.

Đối với nhiệt điện than sẽ vận hành trước năm 2030, ngoại trừ Vân Phong 1 tại Khánh Hòa đã vận hành, ghi nhận hai trường hợp đang ở trạng thái chuẩn bị hoặc đang thi công như Na Dương II, Quảng Trạch I và ba trường hợp không rõ trạng thái triển khai như Long Phú I, Vũng Áng II và An Khánh – Bắc Giang.

Như TheLEADER đã thông tin, năm dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông, thu xếp vốn thời gian qua cũng nhận được tối hậu thư từ kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII.

Theo đó, Bộ Công thương làm việc với các nhà đầu tư, cho phép kéo dài đến tháng 6/2024, nếu không triển khai được thì phải xem xét chấm dứt theo quy định.

Trong số này, mới nhất có trường hợp nhiệt điện Quảng Trị đón nhận đề nghị chuyển đổi sang điện khí từ T&T Group.

Với điện mặt trời, loại hình này được xem xét phát triển sau năm 2030 nếu thực hiện theo hình thức tự sản, tự tiêu.

Trong đó, đáng chú ý có điện mặt trời Dầu Tiếng tại Tây Ninh với công suất hơn 1GW do Xuân Cầu triển khai; điện mặt trời nổi KN Trị An tại Đồng Nai do Tập đoàn KN Cam Ranh đầu tư.

Tổng quan, bản kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII đã cụ thể, chi tiết hóa danh mục các dự án nguồn và lưới điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng như các mục tiêu bền vững, cam kết về phát thải của Chính phủ.

Tuy nhiên, liên quan tới các dự án điện thuộc dạng chuyển tiếp, trong đó có dự án Trung Nam - Thuận Nam của Trungnam Group, vẫn chưa được đề cập cụ thể.