Nới hạn thu hồi đất cho sân bay Long Thành

TheLEADER

Thứ sáu, 27/10/2023 - 10:21 (GMT+7)

Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành chưa hoàn thành trong năm 2021 như kế hoạch ban đầu và cần kéo dài đến hết năm 2024.

Việc nới thời hạn được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 đang diễn ra.

Ông Thắng lý giải, do quá trình triển khai, một số nội dung của dự án có thay đổi so với chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 53/2017/QH14 nên Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua một số nội dung thay đổi trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của Luật Đầu tư công.

Ba chỉ tiêu của dự án đã có sự thay đổi so với một số chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 53 là giảm tổng mức đầu tư dự án; giảm diện tích đất thu hồi và điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, đồng thời bổ sung nội dung bố trí tái định cư các hộ dân do thu hồi đất để thực hiện đầu tư hai tuyến giao thông kết nối T1, T2 vào Khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn.

Nguyên nhân dẫn tới việc phải điều chỉnh là do Nghị quyết số 53 quy định thời gian thực hiện dự án hoàn thành trong năm 2021 nhưng tiến độ thực hiện dự án chưa đáp ứng yêu cầu.

Nguyên nhân tiến độ kéo dài là do trong hai năm 2020, 2021 dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, huyện Long Thành nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung nhiều lần phải thực hiện giãn cách xã hội nên việc phối hợp với người dân trong công tác đo đạc, kiểm đếm, lên phương án bồi thường đất gặp nhiều khó khăn, bị kéo dài.

Ngoài ra, dự án có quy mô khối lượng công việc thực hiện rất lớn, tính chất phức tạp do liên quan đến quyền lợi người dân nên đòi hỏi phải làm cẩn trọng, tỷ mỷ và phối hợp của nhiều ban, ngành liên quan. Nhiều hộ dân bị vướng mắc về giấy tờ đất, cần phải kéo dài thời gian xác minh và gặp nhiều khó khăn trong công tác đền bù.

Đối với các dự án có cấu phần xây dựng do ảnh hưởng bởi giá cả vật tư, vật liệu tăng cao; nguồn cung ứng sản xuất vật tư, vật liệu bị đứt gãy; lực lượng lao động khan hiểm sau giãn cách đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

Trong quá trình điều chỉnh dự án, UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị, bổ sung một nội dung ngoài báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt, dẫn đến phải giải trình nhiều lần với Hội đồng thẩm định nhà nước, làm kéo dài quá trình điều chỉnh dự án.

Còn lý do kéo dài thời gian giải ngân vốn, tờ trình của Chính phủ nêu do số vốn chưa thực hiện trong giai đoạn đầu tư công trung hạn 2016 – 2020 và giai đoạn 2021 - 2025 đã bị hủy nên cần được cấp có thẩm quyền kéo dài thời gian bố trí vốn để hoàn thành dự án.

Do đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân số vốn thuộc kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025 đến hết 31/12/2024 để tiếp tục thực hiện, hoàn thành dự án và hoàn trả ngân sách địa phương số vốn đã ứng trước.

Sau khi Quốc hội thông qua và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, UBND tỉnh Đồng Nai mới đủ điều kiện triển khai thực hiện các thủ tục giải ngân và hoàn trả ngân sách địa phương đã tạm ứng.

Việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024 nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý để tiếp tục giải ngân đối với khối lượng đã hoàn thành của các dự án thành phần đồng thời chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân còn lại.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14, trước khi Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án là cần thiết nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cho các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện.

Việc xem xét, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn đề nghị đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp thứ 6, không ban hành Nghị quyết riêng về điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14.

Tuy nhiên, ông Khanh đề nghị cần đánh giá việc tạm ứng ngân sách địa phương chi trả cho các kinh phí liên quan của dự án từ năm 2021 - 2023 có tác động, ảnh hưởng như thế nào đối với việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá việc điều chỉnh về thời gian chuẩn bị và thực hiện dự án “đến hết năm 2024” thay vì hoàn thành trước năm 2021 có ảnh hưởng như thế nào đến thời gian và lộ trình thực hiện giai đoạn 1 của dự án.

Giai đoạn 1 của dự án được nêu tại khoản 6 của Nghị quyết số 94/2015/QH13 sẽ đầu tư xây dựng một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.

Ủy ban Kinh tế cho rằng việc trình Quốc hội cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn là cần thiết nhưng đề nghị Chính phủ làm rõ số kinh phí chưa giải ngân hết của năm 2020, 2021 đã được chuyển nguồn hay chưa, đủ điều kiện để báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài phần vốn này đến hết năm 2024 hay không.