NCB tăng vốn gấp đôi lên gần 12.000 tỷ đồng

Theo Theleader.vn

Thứ sáu, 15/12/2023 - 14:03 (GMT+7)

Việc phát hành riêng lẻ 620 triệu cổ phiếu NCB dự kiến diễn ra trong một đợt và hoàn thành ngay trong 2024, khác với kế hoạch cũ chia thành nhiều đợt kéo dài trong 3 năm.

Ngày 13/12, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) thông báo kế hoạch phát hành riêng lẻ 620 triệu cổ phiếu, qua đó tăng vốn điều lệ lên gần 12.000 tỷ đồng.

Với giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu, NCB có thể thu về 6.200 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh, tăng cường năng lực tài chính của ngân hàng.

Cụ thể, NCB dự kiến sẽ dành 200 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, 200 tỷ đồng để xây dựng nhận diện thương hiệu, 500 tỷ đồng dành cho phát triển công nghệ và chuyển đổi số trong năm 2024-2025.

Số tiền 5.300 tỷ đồng còn lại được bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh theo nhu cầu của ngân hàng. Trong đó có việc nâng cao khả năng đáp đáp ứng nhu cầu vốn của một số khách hàng chiến lược, lĩnh vực, khu vực kinh tế trọng điểm.

Đơn vị tư vấn chào bán cổ phiếu riêng lẻ của NCB là Công ty CP Chứng khoán SSI. Số lượng nhà đầu tư chào bán theo kế hoạch là dưới 100 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và đảm bảo đáp ứng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại NCB theo quy định.

Theo kế hoạch, NCB sẽ thực hiện phát hành ngay sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận (dự kiến trong quý II/2024). Việc chuyển nhượng số cổ phiếu này bị hạn chế trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành chào bán.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức vào ngày 8/4, NCB đã thông qua tờ trình phát hành riêng lẻ thêm tối đa 620 triệu cổ phiếu theo nhiều đợt trong giai đoạn 2023 - 2025.

Các đợt chào bán cách nhau ít nhất 6 tháng kể từ ngày kết thúc đợt chào bán gần nhất, giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu.

Theo kế hoạch mới, việc phát hành dự kiến diễn ra trong một đợt và hoàn thành ngay trong 2024, khác với kế hoạch chia nhỏ thành nhiều đợt kéo dài trong 3 năm.

Nếu phát hành tăng vốn thành công, từ nhóm ngân hàng có mức vốn điều lệ thấp nhất hệ thống (khoảng 3.000 tỷ đồng - 5.000 tỷ đồng), NCB sẽ lọt vào nhóm ngân hàng có vốn điều lệ trung bình cao trong ngành (10.000 tỷ đồng - 20.000 tỷ đồng), cùng với các "ông lớn" như Eximbank hay Sacombank.

Kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ được thực hiện sau khi NCB trải qua quá trình tái cơ cấu bộ máy nhân sự và ban lãnh đạo.

Hồi tháng 6 năm nay, NCB đã công bố quyết định bổ nhiệm Tổng giám đốc là ông Tạ Kiều Hưng. Ngân hàng cũng đồng thời kiện toàn bộ máy lãnh đạo cấp cao với sự tham gia của các nhân sự giàu kinh nghiệm.

Tháng 3 năm ngoái, NCB đã chào bán 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tổng số tiền thu về là 1.500 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ sau nhiều năm trì hoãn.

Về kết quả kinh doanh, vẫn trong giai đoạn tái cơ cấu bộ máy, NCB tiếp tục báo lỗ trong quý III/2023 và cả lũy kế 9 tháng đầu năm. Ngân hàng này cho biết, nguyên nhân chủ yếu do tình hình biến động chung của nền kinh tế, thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản.