Lợi nhuận công ty chứng khoán phân hóa đậm nét
Sự phân hóa phần nào phản ánh tình trạng chung của thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay, khi một số mã cổ phiếu, nhóm ngành tốt tăng trưởng vượt trội, trong khi một số khác lại đi ngang hay thậm chí sụt giảm mạnh.
Kết quả kinh doanh quý II của các công ty chứng khoán ghi nhận sự phân hóa rõ rệt, với một số công ty vẫn ghi nhận đà tăng trưởng tốt trong khi nhóm còn lại có dấu hiệu chững lại.
Nhóm lớn bứt phá
Hầu hết các công ty chứng khoán lớn đều ghi nhận tăng trưởng vượt trội trong quý vừa qua.
Dẫn đầu là Công ty CP Chứng khoán Techcombank (TCBS) khi ghi nhận doanh thu hoạt động tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ lên hơn 2.200 tỷ đồng.
Hầu hết các mảng kinh doanh của TCBS đều tăng trưởng, trong đó lãi từ cho vay và phải thu tăng 60% lên gần 640 tỷ đồng. Doanh thu môi giới tăng 42% lên hơn 150 tỷ và lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ gấp 3,3 lần cùng kỳ, đạt gần 700 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí hoạt động bất ngờ giảm 14% xuống còn 153 tỷ đồng. Nhờ đó, TCBS báo lãi trước thuế đạt 1.612 tỷ đồng trong quý II, tăng 192% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lợi nhuận cao nhất ngành chứng khoán.
Dư nợ cho vay ký quỹ và ứng trước tiền bán của TCBS cũng tăng hơn 5.100 tỷ đồng trong quý II vừa qua, lên mức xấp xỉ 25.000 tỷ đồng, mức kỷ lục của doanh nghiệp này.
Luỹ kế sáu tháng đầu năm 2024, lợi nhuận trước thuế của TCBS tăng 2,8 lần với cùng kỳ, đạt 2.772 tỷ đồng.
Chứng khoán VPS, đơn vị có thị phần môi giới lớn nhất Việt Nam cũng có một quý bội thu khi lãi trước thuế hợp nhất gần 523 tỷ đồng, gấp hơn sáu lần cùng kỳ.
Bất chấp thị phần môi giới quý II tại HoSE, HNX và phái sinh của VPS đồng loạt giảm, kết quả kinh doanh của công ty chứng khoán này vẫn ấn tượng, với đóng góp quan trọng nhất từ mảng môi giới và cho vay, trong khi mảng tự doanh kém khả quan hơn.
VPS đạt lợi nhuận gần 1.300 tỷ đồng nửa đầu năm, gấp gần năm lần cùng kỳ và thực hiện 86% kế hoạch năm.
Trong quý II, Công ty CP Chứng khoán SSI ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 2.245 tỷ đồng tăng trưởng 43% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu môi giới đạt 560 tỷ đồng, tăng 67%. Lãi các khoản cho vay và phải thu cũng tăng mạnh 43% lên 513 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi chi phí, SSI lãi trước thuế 1.041 tỷ đồng trong quý II, tăng trưởng 59% so với cùng kỳ. Lũy kế sáu tháng, công ty ghi nhận lợi nhuận xấp xỉ 2.000 tỷ đồng, tăng 56%.
Công ty CP Chứng khoán Vietcap ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng trưởng mạnh trong quý II, gấp 2,6 lần cùng kỳ lên mức 344 tỷ đồng. Luỹ kế nửa đầu năm 2024, Vietcap lãi trước thuế 571 tỷ đồng, tăng trưởng 170%.
Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) cũng có một quý tăng trưởng ấn tượng khi ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 674 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Động lực tăng trưởng chính của MBS đến từ mảng môi giới và cho vay ký quỹ.
Lợi nhuận trước thuế quý II của MBS đạt 230 tỷ đồng, tăng 51%. Luỹ kế sáu tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của MBS tăng 63% lên 500 tỷ đồng.
Một số công ty chứng khoán quy mô vừa và nhỏ cũng có kết quả tăng trưởng khá tốt. Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) trong quý II ghi nhận tổng doanh thu gần 330 tỷ đồng, tăng hơn 65% so với cùng kỳ.
VDSC cho biết đà tăng trên nhờ vào doanh thu từ hoạt động đầu tư, kinh doanh môi giới chứng khoán, cũng như hoạt động cho vay đều tăng trưởng.
Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của VDSC đạt 121 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Lũy kế sáu tháng đầu năm, công ty chứng khoán này ghi nhận lãi ròng 231 tỉ đồng, tăng 43%.
Trong quý II, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) ghi nhận doanh thu giảm tới 40% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 560 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ chi phí hoạt động giảm 61% xuống còn 284 tỷ đồng.
Kết quả, TPS báo lãi trước thuế 126 tỷ đồng trong quý II, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế sáu tháng năm 2024, công ty lãi trước thuế 219 tỷ đồng, tăng 60%.
Nhóm nhỏ chững lại
Ở chiều ngược lại, không ít các công ty chứng khoán công bố kết quả kinh doanh kém khả quan.
Chứng khoán BIDV (BSC) ghi nhận doanh thu hoạt động quý II tăng trưởng 34% so với cùng kỳ năm trước lên 424 tỷ đồng. Mảng tự doanh và cho vay ký quỹ của công ty đều tăng trưởng tốt.
Tuy nhiên, chi phí hoạt động cũng tăng mạnh lên 209 tỷ, tương ứng gấp 2,2 lần quý II/2023. Trong đó lỗ từ tài sản FVTPL cao gấp 4 lần cùng kỳ lên 128 tỷ. Chi phí môi giới tăng 33% lên 72 tỷ đồng
Kết quả, BSC báo lãi trước thuế quý II đạt 136 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù doanh thu hoạt động tăng 36% và đạt 647 tỷ đồng nhưng do chi phí hoạt động cao gấp gần năm lần cùng kỳ, lên gần 200 tỷ đồng nên VPBankS ghi nhận lãi trước thuế quý II giảm 19% so với cùng kỳ xuống 318 tỷ.
Luỹ kế sáu tháng đầu năm, VPBankS báo lãi trước thuế giảm 30% so với cùng kỳ xuống còn khoảng 500 tỷ đồng.
Chứng khoán Thành Công ghi nhận tổng doanh thu quý II chỉ đạt 50 tỷ đồng, giảm 17% và lợi nhuận sau thuế giảm 18%, xuống gần 16 tỷ đồng.
Theo giải trình của Thành Công, nguyên nhân kết quả kinh doanh giảm mạnh là do doanh thu từ hoạt động tài chính giảm 97%, doanh thu lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn giảm 50% và doanh thu tài sản tài chính sẵn sàng để bán giảm gần 16%.
Một số công ty chứng khoán Hàn Quốc cũng ghi nhận kết quả kém tích cực. Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) ghi nhận doanh thu hoạt động quý II giảm khoảng 12% so với cùng kỳ năm trước xuống 273 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng hơn 20% lên hơn 85 tỷ đồng. Kết quả, KBSV lãi trước thuế gần 80 tỷ đồng trong quý II, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm trước.
Chứng khoán NH Việt Nam (NHSV) ghi nhận lãi trước thuế quý II giảm sâu 90% so với cùng kỳ năm trước xuống còn chưa tới 2 tỷ đồng. Lợi nhuận sáu tháng năm 2024 của công ty chỉ đạt 11 tỷ đồng, giảm gần 60% so với cùng kỳ năm 2023.
Chứng khoán JB thậm chí báo lỗ 2 tỷ đồng trong quý vừa qua do các khoản chi phí tăng mạnh. Lũy kế sáu tháng đầu năm 2024, chứng khoán JB lỗ 5 tỷ đồng.
Theo The Leader,
https://theleader.vn/loi-nhuan-cong-ty-chung-khoan-phan-hoa-dam-net-1721497296763.htm