Lạng Sơn đề xuất 22 dự án điện gió triệu đô

TheLEADER

Thứ sáu, 26/1/2024 - 15:04 (GMT+7)

UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất danh mục hơn 30 dự án nguồn điện đưa vào kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII.

Điện gió vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư. Ảnh minh họa: Hoàng Anh

Tổng công suất các dự án tỉnh Lạng Sơn đề nghị đưa vào kế hoạch thực hiện khoảng 1.700MW gồm điện gió trên bờ, nhiệt điện than và thủy điện nhỏ.

Trong đó, 22 dự án điện gió trên bờ chiếm tới 1.400MW công suất đề nghị, tổng trị giá gần 60.000 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, phần lớn các dự án này đều phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, quy hoạch xây dựng chung của các xã. Đồng thời, hiện trạng triển khai và tình trạng pháp lý các dự án đều ở mức được chấp thuận nghiên cứu khảo sát, trình bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia từ 2 đến 3 năm nay.

Khẳng định không ảnh hưởng đến đất rừng tự nhiên, đất ở, các mỏ khoáng sản và các khu bảo tồn trên địa bàn, UBND tỉnh cho biết 22 dự án điện gió này dự kiến vận hành vào năm 2030.

Với công suất trải dài từ 50-100MW, mỗi dự án điện gió trên bờ có tổng mức đầu tư tối thiểu một nghìn tỷ đồng, cá biệt có dự án điện gió Đình Lập 4 của Công ty CP Năng lượng An Xuân trị giá hơn 4.400 tỷ đồng.

Các dự án điện gió Đình Lập, Đình Lập 5, Chi Lăng, Hữu Kiên, Thăng Long 3, Ái Quốc và Lộc Bình Phabarco có quy mô đầu tư trên 3.000 tỷ đồng.

Các nhà đầu tư đề xuất danh mục điện gió nghìn tỷ nêu trên vốn đã quen mặt tại tỉnh Lạng Sơn từ thời điểm cuối 2021. Trong đó, Công ty CP Công nghệ tài nguyên năng lượng với 3 dự án trị giá khoảng 20.000 tỷ đồng; liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển nhà Sài Gòn – Hà Nội với Công ty CP Đầu tư thương mại và kinh doanh bất động sản Thăng Long với 3 dự án hơn 11.000 tỷ đồng.

Một điều đáng chú ý, trong danh mục 22 dự án điện gió mới được tỉnh Lạng Sơn đề xuất đưa vào kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII, không xuất hiện dự án điện gió T&T OCG Lộc Bình (đặt tại địa bàn 4 xã của huyện Lộc Bình).

Với 40 tua-bin, dự án có tổng mức đầu tư trước thuế khoảng 7.370 tỷ đồng, dự kiến có sản lượng điện phát lên lưới khoảng 720GWh/năm, diện tích khảo sát dự kiến khoảng 20.450ha.

Thời gian vận hành dự án dự kiến trong năm 2023, ước tính giảm lượng phát thải là 1,6 triệu tấn CO2/năm. Dự án này đã được tỉnh chấp thuận địa điểm và xây lắp cột đo gió từ tháng 12/2022.

Như TheLEADER đã thông tin, khoảng 3 năm trở lại đây, tỉnh Lạng Sơn dồn dập nhận được đề xuất đầu tư quy mô lớn vào các dự án điện gió của T&T Group, Tập đoàn Sovico, Trungnam Group, Hà Đô, Sử Pán 1 hay GE...

Việc 22 dự án điện gió trị giá hàng nghìn tỷ đồng tiếp tục xếp hàng chờ thực hiện tại Lạng Sơn cho thấy tiềm năng của lĩnh vực này vẫn tỏ ra hấp dẫn các nhà đầu tư, bất chấp nhiều "khoảng tối" trong thực hiện quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh mới đây bị các cơ quan thanh tra, kiểm toán chỉ rõ.

Trong đó, hàng trăm dự án điện gió, điện mặt trời đang được đặt trong vòng báo động, chờ xử lý theo quy định liên quan.