Chuyên gia tài chính, ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, những khó khăn, thách thức đối với kinh tế Việt Nam từ năm cũ chưa thể chấm dứt ngay trong năm nay. TS. Nguyễn Trí Hiếu
Khó khăn vẫn tiếp diễnVới kết quả đã đạt được của kinh tế Việt Nam 2023, ông đánh giá như thế nào về triển vọng tăng trưởng trong năm nay?TS. Nguyễn Trí Hiếu: Kinh tế Việt Nam đã và đang trải qua một giai đoạn rất trì trệ. Theo mục tiêu đã đề ra của Chính phủ, năm 2023, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt từ 6 - 6,5%. Tuy nhiên, trên thực tế, mục tiêu này đã không đạt được.
Nền kinh tế đang trong thời điểm đầy khó khăn, thách thức. Không chỉ kinh tế vĩ mô suy giảm mà cả thị trường chứng khoán, bất động sản, các ngành sản xuất, kinh doanh cũng đều rất ảm đạm.
Lãi suất tiền gửi đã giảm nhưng hoạt động cho vay vẫn tiếp tục trầm lắng.
Bước sang năm 2024, những khó khăn của nền kinh tế sẽ tiếp tục kéo dài. Bên cạnh những vấn đề nội tại của nền kinh tế, tình trạng bất ổn kinh tế toàn cầu sẽ vẫn có khả năng tiếp diễn và ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.
Chính vì vậy, chúng ta nên “lạc quan trong thận trọng”. Có lẽ phải đến nửa cuối năm, những tín hiệu hồi phục mới thực sự rõ nét hơn.
Vậy theo ông, mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm nay liệu có thể đạt được?TS. Nguyễn Trí Hiếu: Mặc dù khó khăn rất lớn và không thể phủ nhận, song mục tiêu tăng trưởng của năm nay vẫn là khả thi với nhiều triển vọng sáng hơn của kinh tế trong nước và thế giới.
Tại trong nước, các vấn đề nền tảng của kinh tế vĩ mô như tăng trưởng, lạm phát, xuất nhập khẩu, đầu tư trong nước và nước ngoài nhiều khả năng sẽ tốt hơn so với năm trước.
Bên cạnh đó, các thị trường lớn của nền kinh tế như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, du lịch cũng được kỳ vọng sẽ dần hồi phục và nhích dần lên. Nhờ đó, các ngành nghề khác sẽ được tạo động lực cùng phát triển.
Đối với ngành sản xuất, xuất nhập khẩu, trong năm 2023, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh. Mặc dù nền kinh tế có ghi nhận xuất siêu nhưng là xuất siêu giả tạo do tỷ lệ giảm của xuất khẩu ít hơn nhập khẩu.
Sang năm 2024, xuất nhập khẩu sẽ tăng trưởng tốt hơn nhờ sự phục hồi của kinh tế thế giới. Nhiều khả năng, chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ đổi chiều, từ thắt chặt sang nới lỏng. Lãi suất sẽ giảm xuống mức thấp hơn, từ đó thúc đẩy tiêu dùng nhiều hơn thông qua việc nhập khẩu hàng hoá từ các nước, trong đó có Việt Nam.
Mặt khác, tình hình xung đột chính trị, quân sự của nhiều quốc gia trên thế giới cũng có khả năng sẽ được giải quyết trong năm nay. Đây chính là yếu tố thuận lợi tạo triển vọng tốt hơn cho kinh tế thế giới và thị trường xuất nhập khẩu hồi phục.
Cần chớp thời cơ để vươn lênVấn đề là nội tại của nền kinh tế trong nước đang đối diện nhiều khó khăn, sức khỏe các doanh nghiệp sản xuất rất yếu sau đại dịch và suy giảm kinh tế, liệu chúng ta có thể kịp thời nắm bắt cơ hội vươn lên khi thế giới hồi phục?TS. Nguyễn Trí Hiếu: Khi nói đến triển vọng kinh tế tốt hơn, tôi đang đặt các giả thiết đó gắn với năng lực sản xuất trong nước phải theo kịp nhu cầu của thế giới. Trái lại, nếu năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng tiếp nối từ những khó khăn của năm 2023, chắc chắn, chúng ta sẽ không thể nắm bắt được những thời cơ mới để hồi phục.
Điều này không phải không có cơ sở khi các doanh nghiệp trong toàn nền kinh tế đang rơi vào bối cảnh hết sức khó khăn, số doanh nghiệp đóng cửa tăng mạnh.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý III/2023 cũng cho thấy, chỉ 1/3 số doanh nghiệp đánh giá xu hướng kinh doanh sẽ tốt hơn trong thời gian tới.
Trong khi đó, vấn đề đặt ra là nếu thị trường thế giới hồi phục nhưng doanh nghiệp trong nước không nắm bắt được cơ hội để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, sẽ là điều rất đáng tiếc.
Chính vì vậy, điều quan trọng nhất lúc này là Việt Nam phải củng cố vững chắc nội lực của nền kinh tế trong nước, vực dậy sức khoẻ của các doanh nghiệp để sẵn sàng cho một chu kỳ phát triển mới.
Theo ông vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là gì?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Vấn đề đầu tiên là phải nâng cao năng lực và sức sản xuất của các doanh nghiệp.
Trong năm 2023, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp về thuế, phí, giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp vẫn rất hạn chế.
Phần lớn các doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn, do không có tài sản đảm bảo, tình hình tài chính suy yếu, doanh thu giảm. Nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện vay nhưng không muốn vay để mở rộng sản xuất kinh doanh do thị trường gặp khó, đầu ra của sản phẩm bị thu hẹp.
Từ phía các ngân hàng, khi rủi ro của nền kinh tế tăng cao, hoạt động cho vay của họ cũng chậm lại do lo sợ nợ xấu. Tất cả những yếu tố đó đã làm cho khả năng cho vay suy giảm, tăng trưởng tín dụng thấp, từ đó, ảnh hưởng đến khả năng hồi phục của các doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế.
Sau hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, sức sản xuất cả các doanh nghiệp vẫn chưa thể trở lại như thời điểm trước năm 2019.
Liệu có giải pháp nào để hỗ trợ các doanh nghiệp, thưa ông?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Có lẽ Chính phủ cần có cơ chế về quỹ bảo lãnh tín dụng. Hiện Việt Nam đã có Nghị định 34 năm 2018 về quỹ bảo lãnh tín dụng tại các địa phương để bảo lãnh các ngân hàng cho vay. Khi các doanh nghiệp vay ngân hàng không thể trả nợ thì quỹ sẽ đứng ra trả ngân hàng.
Tuy nhiên, ngân sách của quỹ bảo lãnh tín dụng của các địa phương rất èo uột. Cộng thêm đó là nhiều tiêu cực trong quá trình sử dụng khiến quỹ hoạt động không hiệu quả.
Thay vào đó, tôi đề xuất Chính phủ phải có quỹ bảo lãnh tín dụng trung ương lớn, lên tới hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí là chục nghìn tỷ đồng. Quỹ này có hệ thống chân rết tại các tỉnh thành để hỗ trợ các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Mặt khác, Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp đang rất cần được tháo gỡ những điểm nghẽn về pháp lý, sự xung đột, chồng chéo giữa các luật, nghị định, thủ tục đầu tư kinh doanh phức tạp, kéo dài và về nguồn vốn để phát triển.
Làm được điều đó sẽ giúp khơi thông nguồn lực của cả xã hội, giúp các các doanh nghiệp phục hồi và đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung.
Xin cảm ơn ông!