Kiến tạo môi trường sống an toàn cho trẻ em ở chung cư

Theo Ngọc Hân

Thứ tư, 7/8/2024 - 8:51 (GMT+7)

Một số nhà đầu tư chỉ tập trung vào việc thu lợi nhuận ngắn hạn mà chưa thật sự quan tâm chất lượng công trình một cách chi tiết, chưa quan tâm tới môi trường sống, dẫn đến tình trạng “đầu voi đuôi chuột” trong quá trình xây dựng và quản lý đô thị.

Tọa đàm ‘Nhận diện tiêu chí chung cư an toàn và hạnh phúc cho trẻ em’

“Đừng để trẻ em gặp nguy hiểm trong chính căn nhà của mình”, ông Hà Đình Bốn, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, nhấn mạnh tại toạ đàm “Nhận diện tiêu chí chung cư an toàn và hạnh phúc cho trẻ em” do Tạp chí Trẻ em Việt Nam tổ chức mới đây.

Quan điểm của ông Bốn xuất phát từ thực trạng tốc độ phát triển quá nhanh của nhà chung cư dẫn đến hệ thống pháp luật không theo kịp để điều chỉnh sự hoạt động và quản lý của các chung cư từ khâu thiết kế đến khâu thi công, quản lý, hậu kiểm, khiến một số chung cư xuất hiện tình trạng mất an toàn, thậm chí xảy ra tai nạn thương tâm với trẻ nhỏ.

Theo ông Bốn, đây là lời cảnh tỉnh tới các bậc cha mẹ, nguyên nhân của vấn đề này trước hết đến từ trách nhiệm của những người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ, sau đó là các cơ quan, ban ngành, tổ chức khác nhau dẫn đến việc chung cư mất an toàn nói chung.

Ông đưa ra ba nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Đầu tiên là các bậc phụ huynh chưa có kỹ năng mềm, chưa quan tâm chặt chẽ, theo sát các con, dẫn đến tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Thứ hai, thiết kế chung cư về lan can, cửa phòng, chưa đảm bảo về khoảng cách, thiết kế. Điều này chỉ ra, các nhà quản lý cần phải nghiên cứu, khoảng cách để cho các cháu không thể lách được người và leo ra ngoài được, cũng như đảm bảo an toàn cho lối đi riêng, cầu thang thoát hiểm luôn sẵn sàng để đảm phòng cháy chữa cháy.

Thứ ba, quy định pháp luật về Luật Xây dựng, Luật Trẻ em, Luật Nhà ở đã theo sát nhưng còn nhiều nội dung cần tiếp tục bổ sung trong tình hình mới. Một số chung cư vẫn chưa tuân theo quy chuẩn xây dựng, không đảm bảo diện tích khu vui chơi cho trẻ theo quy định.

Ngoài ra, một số dự án chủ đầu tư thi công không đúng như trong thiết kế chung cư, cắt xén, giảm diện tích khu vui chơi trong quá trình thi công.

“Một số người dân lợi dụng khu vực vui chơi để kinh doanh, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ em. Vai trò thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm của cơ quan chức năng khi các khu vui chơi bị chiếm dụng làm nơi gửi xe, kinh doanh… vẫn còn chậm trễ, chưa thực hiện tốt công tác quản lý,” ông Bốn nói.

Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho biết thêm, khảo sát mật độ xây dựng của các khu chung cư ở các khu đô thị lớn có thể thấy nhiều chủ đầu tư ưu tiên lợi ích kinh doanh hơn và thường tư duy làm sao để có thể khai thác kinh tế một cách hiệu quả, chứ chưa chú trọng vào nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng khu vui chơi giải trí nhằm phục vụ cho đời sống của người dân, đặc biệt là trẻ em.

“Tư duy của các nhà phát triển, một số chủ đầu tư vẫn còn đặt bài toán lợi nhuận lên hàng đầu, tư duy về tiện ích còn có những hạn chế nhất định. Nhiều dự án ở các khu trọng điểm chưa có sự đáp ứng về các yếu tố an toàn cũng như không gian vui chơi cho trẻ em”, ông Đính nói.

Theo ông Đính, trong hệ thống quy định về phát triển dự án, nhà ở, đâu đó vẫn còn thiếu các quy định, thiếu những hướng dẫn cụ thể về vấn đề an toàn cho trẻ.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, quy chuẩn về kiến trúc hiện nay là khi quy hoạch đất để xây dựng, không được phép quá 40%, còn lại phải để đất để trồng cây xanh, công viên, khu vui chơi giải trí... đáp ứng nhu cầu của dân cư, đặc biệt là trẻ em.

Tuy nhiên, khi triển khai trên thực tế, các khu chung cư đang bị quy hoạch và bị đẩy ra khỏi những nơi rất thiếu tiện ích cho các em. Môi trường sống hạnh phúc cho trẻ phải là ở nơi an toàn, đáp ứng được nhu cầu cần thiết trong cuộc sống chứ không phải môi trường sống có không gian to lớn, tiện nghi.

Ngoài ra, còn một vấn đề nữa là các khu chung cư chưa có quy định bắt buộc về thiết kế an toàn và các tiện ích cho trẻ em. Vì thế, các bậc cha mẹ đang biến lan can, lối ra của khu căn hộ trở thành nơi chứa đồ, các bà mẹ “xanh hoá” ban công nhưng quên rằng điều đó gây ra nguy hiểm cho trẻ em khi những đứa trẻ có thể dẫm lên và trèo ra khỏi ban công.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch Landora Group cho rằng, chọn một dự án chung cư an toàn và hạnh phúc cho trẻ em đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng về nhiều yếu tố, đồng thời đưa ra sáu tiêu chí để những cặp vợ chồng trẻ đảm bảo yếu tố chung cư an toàn - hạnh phúc cho trẻ em.

Thứ nhất, về an toàn vật chất, nên chọn chung cư có thiết kế an toàn với cửa sổ, ban công, cầu thang và cửa ra vào được trang bị các biện pháp bảo vệ trẻ em, ưu tiên các dự án có hệ thống camera an ninh 24/7, có các thiết bị an toàn và được bảo trì định kỳ.

Thứ hai, về môi trường và cảnh quan phải có công viên, vườn cây xanh, sân chơi rộng rãi và không gian tự nhiên để trẻ em có thể vui chơi, khám phá. Đảm bảo chung cư nằm ở khu vực có chất lượng không khí tốt và nguồn nước sạch, hệ thống thoát nước và vệ sinh môi trường phải đảm bảo không gây ô nhiễm, ngập úng.

Thứ ba, về dịch vụ và tiện ích có phòng y tế hoặc gần cơ sở y tế để tiện cho việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Đảm bảo chung cư có hệ thống báo cháy và thoát hiểm hiện đại, định kỳ diễn tập phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra, có cơ sở giáo dục, nhà trẻ hoặc dịch vụ xe đưa đón an toàn.

Thứ tư, về phát triển tinh thần và giáo dục. Cha mẹ nên chọn chung cư tổ chức các hoạt động giáo dục, thể thao, nghệ thuật cho trẻ và gia đình. Cộng đồng cư dân thân thiện, thường xuyên tổ chức các hoạt động gắn kết, giúp trẻ phát triển kỹ năng xã hội.

Thứ năm, về quản lý và dịch vụ, cha mẹ cần đảm bảo đội ngũ quản lý có kinh nghiệm, nhiệt tình và thân thiện với trẻ em. Chung cư phải có dịch vụ bảo vệ 24/7, nhân viên được đào tạo xử lý tình huống khẩn cấp liên quan đến trẻ em.

Thứ sáu, phụ huynh cần đảm bảo rằng gia đình và người giúp việc được đào tạo và biết cách giám sát, bảo vệ trẻ em. Hợp tác chặt chẽ với ban quản lý để thông báo kịp thời các vấn đề an toàn, sự cố hoặc các mối nguy hiểm tiềm ẩn.

Theo ông Bốn, để giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, từ cơ quan quản lý nhà nước đến người dân, đồng thời nêu những kiến nghị để đẩy mạnh tính an toàn và hạnh phúc cho trẻ em tại các dự án chung cư về mặt chính sách, pháp lý.

Ông Bốn đề xuất cần tiếp tục rà soát, kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật, hệ thống chính sách về xây dựng, quản lý, sử dụng chung cư cho kịp thời với sự phát triển như vũ bão hiện nay. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em trong quy hoạch đô thị.

Theo ông Bốn, cần quy hoạch và phát triển đô thị bền vững, có cái nhìn tổng quát, tổng thể, chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Hiện nay một số nhà đầu tư thường chỉ tập trung vào việc thu lợi nhuận ngắn hạn mà chưa thật sự quan tâm chất lượng công trình một cách chi tiết, chưa quan tâm tới môi trường sống, dẫn đến tình trạng “đầu voi đuôi chuột” trong quá trình xây dựng và quản lý đô thị.

Theo The Leader,

(https://theleader.vn/kien-tao-moi-truong-song-an-toan-cho-tre-em-o-chung-cu-1722843190298.htm)