Theo các chuyên gia, dịch vụ xử lý nợ thuê chuyên nghiệp là lĩnh vực phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển, nên được quy hoạch vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quy định rõ ràng thay vì bị cấm như hiện nay.
Tỷ lệ nợ xấu báo động
Tài chính tiêu dùng được đánh giá là một trong những giải pháp quan trọng giúp gia tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, góp phần ngăn chặn tình trạng tín dụng đen.
Tuy nhiên, lĩnh vực cho vay tiêu dùng đang trải qua giai đoạn khó khăn khi tín dụng tăng trưởng chậm lại, tỷ lệ nợ xấu tăng đáng kể.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội
Ngân hàng Việt Nam, cho biết, tính đến cuối năm ngoái, tỷ trọng dư nợ tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 1/5 tổng dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế. Nhưng trong 2 tháng đầu năm nay, tín dụng tiêu dùng tăng trưởng âm.
Thông tin này được ông Hùng đưa ra tại hội thảo mới đây của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) về cho vay tiêu dùng. Điều này là do nhu cầu tín dụng tiêu dùng giảm khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, thu nhập cá nhân và hộ gia đình sụt giảm làm tăng nhu cầu tiết kiệm.
Việc thiếu hẳn đi một phương thức thu hồi nợ thông qua các tổ chức chuyên nghiệp đã ảnh hưởng đến hiệu quả thu hồi nợ. Ảnh: Hoàng Anh
Ông Lê Quốc Ninh, Chủ nhiệm CLB Tài chính tiêu dùng, dẫn số liệu cho biết thêm, tính đến cuối tháng 2 năm nay, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính gần 140 nghìn tỷ, dư nợ xấu chiếm tới gần 1/5 nợ xấu cho vay tiêu dùng của toàn hệ thống.
“Điều này khiến các công ty tài chính lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao”, ông nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hồng Quân, Phó tổng giám đốc TPBank, cho biết trên thực tế, các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính cho vay nhưng khó khăn trong thu hồi nợ.
Nguyên nhân là bởi vay tiêu dùng là hoạt động đặc thù khi có số lượng khách hàng lớn nhưng chủ yếu là vay tín chấp, không có tài sản đảm bảo, chủ yếu dựa vào ý thức tự trả nợ của người vay.
Tuy nhiên, nhiều người vay cố tình không trả nợ, chống đối, tố cáo, thậm chí vu khống cán bộ thu nợ của ngân hàng thương mại/ tổ chức tài chính.
Cùng với đó, Việt Nam hiện không có hành lang pháp lý và công cụ cho hoạt động thu hồi nợ tài chính tiêu dùng.
Không chỉ vậy, cơ sở hạ tầng, nhân lực thu hồi nợ tại các ngân hàng thương mại/tổ chức tài chính không thể đáp ứng nhu cầu thu nợ gia tăng của các khoản vay tiêu dùng.
Cải thiện khung pháp lý
Ông Ninh đánh giá, Luật Đầu tư có hiệu lực đầu năm 2021 đã cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, tuy nhiên, đây thật sự là nhu cầu thiết yếu với việc quản trị hiệu quả khoản vay trong bất cứ giao dịch cho vay nào.
Cùng với đó, các hoạt động đòi nợ thuê không hề biến mất mà biến tướng khi không bị ràng buộc bởi các điều kiện đầu tư, kinh doanh như trước kia.
Việc thiếu hẳn đi một phương thức thu hồi nợ thông qua các tổ chức chuyên nghiệp đã ảnh hưởng đến hiệu quả thu hồi nợ của các công ty tài chính trên thực tế.
Do vậy, ông khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần xem xét hoàn thiện các quy định để đảm bảo phù hợp với thực tiễn và đặc thù hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng, đảm bảo phát triển ổn định, an toàn, đúng quy định pháp luật.
Ông cũng đề xuất NHNN tiếp tục sửa đổi Thông tư số 43 về hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, tạo môi trường phát triển lành mạnh cho thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam.
“Để đảm bảo hài hoà lợi ích các bên khi ký kết hợp đồng, tạo môi trường vay – trả nợ văn minh, tôi đề xuất nới các giới hạn về các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ bằng cách thêm quy định “trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”, ông kiến nghị.
Ông Quân cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh các luật và các văn bản dưới luật. Đơn cử, nghị định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần có quy định về trách nhiệm của cá nhân vay vốn về nghĩa vụ vay – trả và điều kiện để được bảo vệ quyền lợi chính đáng trong vai trò người sử dụng dịch vụ (người tiêu dùng).
Bên cạnh đó, ông đề xuất NHNN và các bộ, ngành phối hợp nghiên cứu xây dựng cơ sở hành lang pháp lý đối với mảng cho vay tiêu dùng theo mô hình công ty tài chính công nghệ (fintech), ứng dụng trực tuyến.
Ngoài ra, ông cho rằng cần nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý cho phép các tổ chức thu hồi nợ trung gian chuyên nghiệp hoạt động thu hồi nợ, hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại/tổ chức tài chính trong quá trình cho vay tiêu dùng.