Huy động vốn tăng nhanh hơn tín dụng
Đây là lần đầu tiên sau 3 năm, hệ thống ngân hàng chứng kiến lại hiện tượng tăng trưởng huy động vốn cao hơn tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm.Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, tính đến thời điểm 20/9, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,75% so với cuối năm 2022, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,8%, trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt 5,73%.Trước đó, theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng huy động tiền gửi của hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 6/2023 tăng 4,6% so với đầu năm. Bất chấp lãi suất huy động giảm mạnh thời gian qua, huy động vốn của hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục tăng trưởng dương.Đây cũng là lần đầu tiên sau 3 năm, hệ thống ngân hàng chứng kiến lại hiện tượng tăng trưởng huy động vốn cao hơn tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm. Cụ thể, năm 2022, huy động vốn trong 9 tháng chỉ tăng 4,6% trong khi tín dụng tăng 11,05%. Năm 2021, huy động vốn 9 tháng tăng 5,2% trong khi tín dụng tăng 7,88%.Tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm cũng còn thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu được đặt ra cả năm. NHNN định hướng tín dụng năm 2023 tăng khoảng 14 - 15%.Huy động vốn tăng nhanh hơn tăng trưởng tín dụng khiến thanh khoản dư thừa lớn trên toàn hệ thống. Trong báo cáo phân tích gần đây, Công ty Chứng khoán BSC cho biết, số dư Citad tại hệ thống đã lên gần 400.000 tỷ đồng, trong khi dự trữ bắt buộc chỉ ở mức khoảng 280.000 tỷ đồng. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng duy trì ở mức rất thấp dưới 1% trong thời gian dài.Để giảm tình trạng dư thừa thanh khoản, NHNN bắt đầu phát hành tín phiếu trở lại từ ngày 21/9/2023 hướng đến mục tiêu điều tiết tỷ giá trong khi vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm 2023.Theo thống kê, từ ngày 21/09 đến ngày 29/9/2023, NHNN đã hút ròng 94.000 tỷ ra khỏi hệ thống ngân hàng qua kênh tín phiếu. Đây là con số tương đối lớn bởi theo thống kê của BSC, trong giai đoạn 2018 – 2023, NHNN chủ yếu hút ròng với khối lượng mỗi chu kỳ nhỏ hơn 50.000 tỷ đồng.Mục đích của hoạt động này nhằm giúp điều tiết thanh khoản tiền đồng quá dư thừa trên hệ thống ngân hàng khi lãi suất qua đêm liên ngân hàng duy trì ở mức rất thấp, khoảng 0,17%, theo số liệu mới nhất của NHNN.Hỗ trợ mục tiêu đảm bảo ổn định tỷ giá trong xu thế tăng giá của đồng USD và lạm phát, qua đó tạo cơ sở và tiền đề để duy trì môi trường lãi suất thấp nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU tiếp tục duy trì môi trường lãi suất cao.BSC cho rằng, ở giai đoạn hiện tại, công cụ hút ròng qua kênh tín phiếu khả năng sẽ là công cụ chính được NHNN sử dụng để điều tiết thị trường vì thế khối lượng hút ròng có thể sẽ tiếp tục tăng cho đến khi lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại và tỷ giá phần nào được điều chỉnh ổn định hơn.Mặc dù vậy, nhóm phân tích cũng đánh giá hoạt động hút ròng bằng tín phiếu ở thời điểm hiện tại chủ yếu nhằm điều tiết và hỗ trợ thị trường, chưa phải là hoạt động mang hàm ý “đảo chiều chính sách” mà cần phải theo dõi và đánh giá thêm.