GS.TSKH. Nguyễn Mại: Cạnh tranh trong thu hút dòng vốn FDI mới rất khốc liệt

Trong 3 tháng đầu năm nay, vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và M&A đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có 644 dự án mới tăng 23,4% với vốn đăng ký đạt hơn 4,77 tỷ USD, tăng 57,9%.Bên cạnh đó, Việt Nam đã chủ động tham gia Quy tắc Thuế Tối thiểu toàn cầu; Quốc hội Việt Nam đã thông qua chủ trương áp dụng quy tắc này từ 1/1/2024, cùng với thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung trên cơ sở đạt được sự đồng thuận của các tập đoàn kinh tế đang đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Chính phủ đang lấy ý kiến các nhà đầu tư, hiệp hội ngành nghề để sớm ban hành Nghị định ưu đãi đầu tư, ngoài ưu đãi thuế, đất đai, chú trọng ưu đãi tài chính, chi phí đối với dự án quy mô lớn, công nghệ cao, công nghệ tương lai, dịch vụ hiện đại có tác động quan trọng đến tăng trưởng kinh tế với cơ cấu kinh tế hiện đại…Chính phủ Việt Nam luôn luôn quan tâm vấn đề cải cách nền hành chính quốc gia, môi trường đầu tư. Nhờ vậy, Việt Nam luôn được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn. Tình hình thu hút và sử dụng vốn FDI Quý I/2024 tiếp tục có sự chuyển biến tích cực về chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội phù hợp với định hướng Chiến lược thu hút FDI giai đoạn 2021 - 2030."LÀN SÓNG" FDI LẦN THỨ 4PV: Gần đây, cụm từ “dòng vốn FDI mới” hay “FDI thế hệ mới”, “làn sóng FDI lần thứ 4” đang được nhắc đến nhiều, cho thấy xu hướng, chuyển động của dòng vốn này dường như đã khác. Cụ thể như thế nào, thưa GS?GS.TSKH. Nguyễn Mại: Có 3 vấn đề lớn đang tác động đến dòng vốn FDI toàn cầu.Một là, xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế trong nước để thích ứng với biến động thế giới. Các nền kinh phát triển như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… đều thay đổi cơ cấu kinh tế. Trước đây, họ coi trọng thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng hiện nay lại đang chuyển dần sang chú trọng phát triển doanh nghiệp trong nước. Xu hướng tái cấu trúc kinh tế toàn cầu còn gắn với sự chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn, được thúc đẩy bởi nhận thức về môi trường ngày càng tăng, những lợi ích kinh tế mang lại và tiềm năng tích hợp các công nghệ kỹ thuật số tiên tiến. Sự thay đổi không chỉ của một nước mà ở hầu hết các nước. Đương nhiên, Việt Nam cũng phải thay đổi cơ cấu định hướng phát triển doanh nghiệp trong nước và định hướng hội nhập quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.Hai là, xu hướng phi toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa có dấu hiệu chững lại từ sau cuộc suy thoái kinh tế thế giới năm 2007 và sụt giảm nghiêm trọng hơn trong giai đoạn 2018 - 2022, với tổng vốn FDI chỉ chiếm trung bình 1,3% GDP toàn cầu.Xu hướng phi toàn cầu hóa ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt rõ ràng hơn khi Mỹ và EU áp dụng các chiến lược bảo hộ để giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc. Xu hướng này mang lại nhiều hệ quả, trong đó đáng chú ý là nỗ lực dịch chuyển cơ sở sản xuất, đặc biệt trong các ngành quan trọng như vật liệu bán dẫn và sản xuất pin xe điện về lại trong nước hoặc chuyển sang các vùng lãnh thổ và quốc gia có chung hệ giá trị và tiêu chuẩn. Điều này ảnh hưởng rất đáng kể đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các nước lớn này và ảnh hưởng chung đến tình hình vốn FDI toàn thế giới với sự tăng trưởng có phần chậm lại sau khi ghi nhận mức kỷ lục vốn đầu tư ra nước ngoài hơn 1.300 tỷ USD năm 2022.Ba là, xu hướng tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu. Biến động kinh tế và chính trị toàn cầu gần đây đã phơi bày những điểm yếu và rủi ro của chuỗi cung ứng hiện tại và sự phụ thuộc vào một nguồn cung ứng hoặc một thị trường duy nhất. Kết quả là, nhiều tập đoàn đa quốc gia đã phải suy nghĩ lại về chiến lược chuỗi cung ứng của mình và dần dần tái cấu trúc chúng theo hướng "khu vực hóa, đa dạng hóa nhà cung cấp và tăng cường tự động hóa".Vốn FDI thực hiện trong quý I/2024 đạt khoảng 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế đến 20/3/2024, cả nước có 39.758 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 475,8 tỷ USD.
Khi tái cấu trúc chuỗi cung ứng thông qua khu vực hóa, đa dạng hóa nhà cung cấp và tự động hóa là một chiến lược nhìn xa trông rộng, thì các nước cần tiếp nhận FDI phải thay đổi và thực hiện những cải tiến có mục tiêu để có thể định vị mình là những nhân tố chủ chốt trong kỷ nguyên mới của chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam có vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ xu hướng này khi các công ty đa quốc gia đã và đang chuyển một phần sản xuất ra khỏi Trung Quốc và tìm kiếm những nguồn cung ứng mới. Việt Nam có đầy đủ các điều kiện để trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu mới. Làn sóng FDI lần thứ 4 vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ diễn ra từ năm 2024 trở đi.PV: Làn sóng FDI lần thứ 4 này dự báo sẽ có điểm khác biệt gì so với các làn sóng trước đây? GS.TSKH. Nguyễn Mại: Điểm khác biệt bắt nguồn từ Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Nghị quyết nhấn mạnh đến "hợp tác đầu tư" nước ngoài chứ không đơn thuần chỉ là thu hút. Theo đó, dòng vốn FDI đã có sự chuyển biến về chất lượng.Việt Nam đã bước qua giai đoạn thu hút đầu tư coi trọng số lượng. Trước đây, vì nước nghèo nên trong giai đoạn đầu chú trọng thu hút những ngành nghề thâm dụng lao động như dệt may, da giày... hay thâm dụng tài nguyên như khai thác khoáng sản. Song song với đó là gia tăng các ngành dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu phát triển... và dần giảm bớt các ngành nghề thâm dụng lao động, tài nguyên.Hiện nay, định hướng mới là, các địa phương phát triển như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng... đã thu hút mạnh đầu tư nước ngoài và có GDP tiệm cận với các nước có thu nhập cao thì cần chú trọng chuyển sang thu hút đầu tư chủ yếu vào những ngành công nghệ cao, nghiên cứu phát triển...Những địa phương phát triển ở mức trung bình, thu hút FDI ở mức độ vừa phải như một số tỉnh ở Đồng bằng Bắc Bộ hay Nghệ An, Hà Tĩnh, các tỉnh miền Trung khác và một số tỉnh ĐBSCL vẫn tiếp tục coi trọng thu hút đầu tư thâm dụng lao động, hạn chế khai thác tài nguyên và cũng chuyển hướng dần sang thu hút đầu tư ngành công nghệ cao với tỷ trọng vừa phải.Ở khu vực miền núi, chính sách chưa tạo điều kiện. Kể cả doanh nghiệp trong nước cũng chưa lên miền núi nhiều. Vấn đề quan trọng hiện nay là phải tạo ra cơ sở hạ tầng, đường bộ cao tốc, công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng cao… đặc biệt là tạo ra môi trường thuận lợi nhất để có thể thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước đến với khu vực miền núi, để xích gần lại khoảng cách với các tỉnh miền xuôi. Thực tế trong hơn 35 năm đổi mới, khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi đang ngày càng xa. Điều kiện cơ sở vật chất, môi trường học tập, y tế… còn rất thiếu thốn. Trong khi, các tỉnh miền núi có nhiều nét đẹp thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực… có thể thu hút đầu tư, phát triển kinh tế tốt hơn.Định hướng mới kèm theo sự thay đổi về cách tiếp cận đã được đề ra trong Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ (năm 2022). Theo đó, Việt Nam Không thể không tiếp cận theo thông lệ quốc tế, cập nhật những thay đổi của các nước đặc biệt là các nước đang cạnh tranh cao với Việt Nam để tạo nên lợi thế đang có và sẽ có. Đặc biệt ở giai đoạn hiện nay, Việt Nam với lợi thế về phát triển kinh tế, chất lượng nhân lực hoàn toàn có thể chuyển sang thu hút FDI một cách có chọn lọc, chọn dự án công nghệ cao và công nghệ tương lai.Dù dự báo bao giờ cũng khó chính xác hoàn toàn, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới biến động mạnh như hiện nay, nhưng những tín hiệu lạc quan trong thu hút FDI với Việt Nam là rất rõ ràng.PV: Tín hiệu lạc quan vẫn rõ ràng, nhưng Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua thu hút FDI thế hệ mới trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều biến động, thưa ông?GS.TS. Nguyễn Mại: Có thể thấy, trên thế giới xung đột địa chính trị vẫn tiếp tục và khó lường, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa có tín hiệu phục hồi, lạm phát ở nhiều nước vẫn ở cao (5,8%), rủi ro tài chính, tiền tệ còn tiếp diễn, thương mại và đầu tư thế giới sụt giảm hoặc chỉ đi ngang. Trong khi các nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào quốc gia lân cận để rút ngắn chuỗi cung ứng. Nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản - những quốc gia đầu tư FDI lớn nhất của Việt Nam, Hoa Kỳ và một số nước trong EU cố gắng hạn chế đầu tư ra nước ngoài, chuyển dịch vốn đầu tư nước ngoài trở về nước, tăng cường ưu đãi đầu tư trong nước. Nhiều tập đoàn đa quốc gia đang tái cơ cấu chuỗi sản xuất và hạn chế hoạt động đầu tư mới do triển vọng tăng trưởng toàn cầu suy giảm, trong khi chi phí đầu tư tiếp tục tăng cao.Xu hướng này vừa có lợi nhưng cũng vừa có hại cho Việt Nam. Việt Nam có nằm trong chuỗi cung ứng sản xuất mới hay cũng bị các đầu tàu FDI dịch chuyển cơ sở sản xuất về nước hoặc sang nước khác. Đó là vấn đề cần bàn tới. Đầu năm nay, Intel - một tập đoàn lớn của Mỹ dự kiến đầu tư mở rộng nhà máy tại Khu công nghệ cao TP.HCM nhưng sau đó họ đã quyết định sẽ chuyển sang Malaysia. Dù không khẳng định điều gì về khả năng suy giảm sức hút của Việt Nam nhưng rõ ràng, sự thay đổi quyết định đầu tư của các đối tác lớn là vấn đề cần lưu tâm.Chúng ta không thể "nằm ngủ" trên thông điệp "Việt Nam là điểm đến đầy hứa hẹn của các nhà đầu tư nước ngoài", mà luôn luôn phải cảnh giác một điều rằng, cạnh tranh trong thu hút dòng vốn FDI mới đang rất khốc liệt. Một số nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia và Malaysia với nguồn lực tốt hơn, đang có chính sách giảm thuế hoặc hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, Indonesia có dân số gấp 3 Việt Nam, GDP hiện nay khoảng 1.100 tỷ USD trong khi Việt Nam mới chỉ hơn 400 tỷ USD (cao hơn gấp 2,5 lần). Nhân công có chất lượng cao, giá rẻ. Họ sẵn sàng có những khu công nghiệp sạch quy mô lớn khoảng 500ha để thu hút các nhà đầu tư lớn.Ấn Độ cũng đang nổi lên như một thỏi nam châm hấp dẫn nhà đầu tư đến từ Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản... nhờ chính sách hấp dẫn của Chính phủ liên bang và chính quyền các bang. Ví dụ, mỗi tập đoàn lớn chuyển từ Trung Quốc sang Ấn Độ ở các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ bán dẫn mà nước này đang cần thu hút thì ngoài việc được giảm thuế, giảm tiền thuê đất, còn được chính phủ tài trợ khoản tài chính không hoàn lại trị giá hàng trăm triệu USD. Các dịch vụ phụ trợ từ kế toán, thuế... của Ấn Độ rất tốt để có thể phục vụ, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp Mỹ. Thung lũng Silicon của Ấn Độ là một thế giới rất hiện đại, không kém Mỹ dù người dân nước họ còn nghèo. Ấn Độ đào tạo nhiều nhất về kỹ sư, nguồn nhân lực chất lượng cao... Rất nhiều người tài nổi tiếng trên thế giới là người Ấn Độ. Nếu so sánh giữa 2 nước, nhiều doanh nghiệp FDI có thể sẽ đặt Ấn Độ trên Việt Nam.Đưa ra một số dẫn chứng như trên để thấy rằng, chúng ta không nên coi nhẹ lợi thế cạnh tranh của các nước. Cần lưu ý rằng, thu hút đầu tư nước ngoài không chỉ là vấn đề của riêng doanh nghiệp trong nước mà là câu chuyện cạnh tranh quốc gia. Xu hướng của các nước là thay đổi liên tục, không ngừng để tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi hơn. Nếu không linh hoạt, thích ứng và nắm bắt kịp thời những biến chuyển của dòng vốn đầu tư toàn cầu để cải cách môi trường đầu tư theo hướng phù hợp thì dù Việt Nam có được ca ngợi hấp dẫn bao nhiêu thì cũng không đủ năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư.VỚI "ÁT CHỦ BÀI" ĐẤT HIẾM, VIỆT NAM ĐANG ĐỨNG TRƯỚC CƠ HỘI LỊCH SỬ ĐỂ NÂNG CAO VỊ THẾPV: Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội “nghìn năm có một” để có thể trở thành cường quốc về công nghiệp bán dẫn. Theo ông, cơ hội này đến từ đâu?GS.TS. Nguyễn Mại: Việt Nam đang là tâm điểm chú ý của giới đầu tư toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực AI, bán dẫn. Từ cuối năm 2023, sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden - xác lập quan hệ đối tác toàn diện giữa 2 nước, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) do ông John Neuffer (Chủ tịch Hiệp hội) làm Trưởng đoàn cùng đại diện lãnh đạo cấp cao các tập đoàn công nghiệp bán dẫn lớn như Intel, Ampere, ARM, Qualcomm, Marvell, Synopsys, Infineon… đã đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Ông John Neuffer cho biết đã nhận thấy những cơ hội đáng kinh ngạc để Việt Nam ghi dấu ấn của mình trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. CEO Tập đoàn NVIDIA (Mỹ) - ông Jensen Huang khi đến Việt Nam cuối năm ngoái cũng nói rằng, ngành AI, bán dẫn đang là “cơn sóng lớn và nhanh”, Việt Nam đang đứng trước thời khắc quan trọng, nếu có thể cưỡi trên con sóng lớn này, cơ hội sẽ rất rộng mở để tiến tới thịnh vượng.Trong cuộc gặp với ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM), ông ấy cũng có nói vui nhưng rất chân thành với tôi rằng, nếu tận dụng được tài nguyên đất hiếm, sẽ chẳng mấy chốc mà Việt Nam có thể đuổi kịp các quốc gia phát triển.Việt Nam đang có khoảng 22 triệu tấn đất hiếm, bằng một nửa của Trung Quốc và đứng thứ 2 thế giới. Khai thác đất hiếm không chỉ có lợi cho Việt Nam trong việc xuất khẩu mà còn tạo điều kiện hợp tác, cùng phát triển công nghiệp bán dẫn với các nước lớn như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, khi họ vẫn phải phụ thuộc vào đất hiếm của Trung Quốc. Mấy năm gần đây, tất cả các ngành liên quan đến bán dẫn đều giảm sút bởi giá đất hiếm tăng cao và có một thời gian Trung Quốc không xuất khẩu.Từ năm 2024, khi Việt Nam bắt đầu khai thác, sản xuất đất hiếm theo công nghệ hiện đại nhất, có chất lượng tốt nhất như Mỹ và Hàn Quốc đã thỏa thuận, sẽ tạo ra thị trường cạnh tranh, giảm bớt sự phụ thuộc vào đất hiếm của Trung Quốc. Khi có thị trường cạnh tranh thì giá sẽ giảm.Chúng ta cũng chẳng dại gì mà xuất khẩu nguyên liệu thô, thay vào đó, đất hiếm thành phẩm là át chủ bài, cùng với môi trường đầu tư được đánh giá rất cao từ quốc tế, Việt Nam đang đứng trước cơ hội hiếm có để nâng cao vị thế.Mỹ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam không chỉ vì mục đích nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mà còn vì lợi ích của Mỹ, của các doanh nghiệp Mỹ. Cho nên, hàng chục doanh nghiệp lớn trong Hiệp hội bán dẫn của Mỹ vào cùng một lúc và ký hàng loạt thỏa thuận. Nhiều nước lớn khác cũng đã thỏa thuận. Năm 2024 sẽ có một số dự án hàng tỷ USD. Giai đoạn tiếp theo từ năm 2025 trở đi sẽ có nhiều dự án hơn về bán dẫn.Việt Nam sẽ thực hiện được chiến lược phát triển trở thành cường quốc về bán dẫn của thế giới. Tất nhiên không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai.Các làn sóng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Làn sóng FDI thứ nhất diễn ra từ năm 1991 đến năm 1997 với vốn đăng ký 16,244 tỷ USD, vốn thực hiện 12,98 tỷ USD. Chỉ tính riêng trong năm 1997, vốn FDI thực hiện đã đạt con số 3,115 tỷ USD, gấp 9,5 lần năm 1991 (328,8 triệu USD).
Làn sóng thứ hai bắt đầu từ năm 2006, khi Việt Nam có những dự án tỷ USD đầu tiên từ nhà sản xuất chip Intel (Mỹ) và tập đoàn thép Posco (Hàn Quốc). Thu hút FDI lần đầu vượt 10 tỷ USD, đánh dấu sự bùng nổ của làn sóng thứ hai. Lượng vốn đăng ký tiếp tục tăng, lập kỷ lục gần 72 tỷ USD vào năm 2008. Đây cũng là năm Samsung - nhà đầu tư FDI lớn nhất hiện nay, bắt đầu xây dựng nhà máy đầu tiên tại Bắc Ninh.
Làn sóng thứ 3 là giai đoạn 2015 - 2019, dòng vốn FDI tăng trưởng trở lại, kể cả vốn đăng ký lẫn giải ngân trên thực tế, hàng loạt tập đoàn lớn, dự án lớn đầu tư vào Việt Nam.
Năm 2023, mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Việt Nam với các quốc gia lớn có ưu thế về công nghệ trên thế giới được kỳ vọng là lực đẩy đưa làn sóng thu hút FDI lần thứ 4 sớm bùng nổ tại Việt Nam với hàng loạt dự án quy mô lớn, trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn…
PV: Có thể nói, công nghiệp bán dẫn đang định hình một “cuộc chơi lớn” trên toàn cầu, đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt. Ngoài tiềm năng về đất hiếm, theo GS, điều gì khiến chúng ta có thể đặt ra nhiều kỳ vọng như vậy?GS.TSKH. Nguyễn Mại: Chúng ta không mơ hồ về việc đốt cháy giai đoạn mà rõ ràng, khát vọng về một cường quốc bán dẫn được khơi dậy dựa trên tiềm năng và Việt Nam đang có.Tôi không tán thành với nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam đang thiếu nhân lực chất lượng cao. Không chỉ riêng cá nhân tôi mà Samsung, Intel và cả Hiệp hội bán dẫn của Mỹ với hàng chục doanh nghiệp lớn hàng đầu của thế giới cũng đánh giá rất cao năng lực của người Việt Nam - rất nhanh nhẹn, thông minh, đáp ứng đủ yêu cầu về nguồn nhân lực của ngành bán dẫn cũng như các ngành công nghệ thông tin khác. Các kỹ sư phần mềm của Việt Nam tại các trung tâm R&D của Samsung không thua kém các kỹ sư giỏi của Hàn Quốc. Những người có năng lực trung bình cũng chỉ cần 6 tháng - 1 năm đào tạo là có thể đáp ứng được yêu cầu công việc.Samsung đã thành lập trung tâm nghiên cứu phát triển - R&D tại Việt Nam, khánh thành vào năm 2022 với mức đầu tư 250 triệu USD, rất hiện đại. Khi lãnh đạo Samsung đến Việt Nam đã tuyên bố rằng, Trung tâm R&D tại Hà Nội mới khai trương đã trở thành trung tâm lớn nhất tại Châu Á (trước đây trung tâm R&D lớn nhất nằm tại Ấn Độ). Trong tương lai gần, họ sẽ mở rộng, đầu tư thêm và chuyển sang nghiên cứu nhiều lĩnh vực, theo đó, trung tâm R&D tại Hà Nội sẽ trở thành trung tâm hàng đầu thế giới của Samsung, hoạt động độc lập, hiệu quả ngang ngửa với trung tâm tại Hàn Quốc. Việt Nam cũng sẽ không chỉ là “cứ điểm” sản xuất, mà còn là “cứ điểm” R&D của Samsung trên toàn cầu. Đây là một trong những điều kiện để Việt Nam có thể sớm nắm bắt và làm chủ các công nghệ lõi.Ngoài ra, Việt Nam đã và đang tích cực, chủ động chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng cơ sở, hạ tầng mềm, nguồn nhân lực, hệ sinh thái doanh nghiệp để sẵn sàng đón làn sóng đầu tư vào ngành công nghiệp tương lai, công nghiệp bán dẫn. Trong đó, nổi bật là thành lập Trung tâm Ðổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cùng với ba khu công nghệ cao tại TP.HCM, Hà Nội và Ðà Nẵng với cơ chế ưu đãi cao để thu hút FDI thế hệ mới…

Theo Tạp chí điện tử Reatimes
(https://reatimes.vn/gstskh-nguyen-mai-canh-tranh-trong-thu-hut-dong-von-fdi-moi-rat-khoc-liet-202240502054910644.htm)