GS.TSKH. Nguyễn Mại: Cạnh tranh trong thu hút dòng vốn FDI mới rất khốc liệt

Theo Nguyên Hà

Thứ năm, 2/5/2024 - 10:41 (GMT+7)

GS.TSKH. Nguyễn Mại


Chúng ta không thể "nằm ngủ" trên thông điệp "Việt Nam là điểm đến đầy hứa hẹn của các nhà đầu tư nước ngoài", mà luôn luôn phải cảnh giác một điều rằng, cạnh tranh trong thu hút dòng vốn FDI mới đang rất khốc liệt.

Năm 2024, Việt Nam đứng trước thời khắc quan trọng khi chứng kiến điểm khởi đầu của làn sóng FDI lần thứ 4 với những cơ hội lịch sử để tăng trưởng nhảy vọt và hướng tới thịnh vượng.

Sự dịch chuyển các chuỗi sản xuất toàn cầu, nhất là trong các ngành công nghệ lõi, công nghệ bán dẫn, công nghệ của tương lai đang định hình lại “cuộc chơi lớn” về thu hút FDI, buộc Việt Nam phải có cách tiếp cận mới để tận dụng cơ hội hợp tác và bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tiềm năng, lợi thế để trở thành một cường quốc bán dẫn trong tương lai cũng đã và đang được khẳng định, nhưng trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt hơn, Việt Nam cần cấp bách thực hiện những chính sách đột phá, thậm chí chạy đua với thời gian để quyết định việc sẽ “tiến lên phía trước” nhanh hơn hay bị “thụt lùi về phía sau”.

Reatimes đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) về câu chuyện này.

PV: Thực tế, trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Hiện tại, dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn ổn định, thậm chí duy trì đà tăng trưởng bất chấp những bất ổn toàn cầu. Theo GS, sức hút của Việt Nam đến từ đâu?

GS.TS. Nguyễn Mại: Sau hơn 35 năm đổi mới, cho đến nay, Việt Nam hội nhập càng sâu với thế giới, tham gia rất nhiều hiệp định FTA thế hệ mới. Điều đặc biệt hơn là trong bối cảnh thế giới có nhiều vấn đề an ninh, xung đột chính trị, kinh tế biến động, Việt Nam tiếp tục là điểm đến an toàn, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, tăng trưởng kinh tế có triển vọng phục hồi. Chúng ta có 100 triệu dân, nguồn nhân lực dồi dào đang ở thời kỳ dân số vàng, được đào tạo chất lượng cao, năng suất không kém cạnh và mặt bằng tiền lương nhìn chung còn thấp hơn nhiều nước xung quanh…

Việt Nam đang có sức hút lớn đối với các tập đoàn đa quốc gia trong quá trình tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Châu Á. Ngoài những yếu tố trên, sức hút của Việt Nam còn được bồi đắp bởi những hiệu ứng lớn đến từ những kết quả nổi bật trong quan hệ ngoại giao với các đối tác quan trọng như Hoa Kỳ, EU, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Cộng đồng ASEAN. Hơn nữa, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều nhấn mạnh đến vị thế của Việt Nam với vị trí địa lý gần các chuỗi cung ứng công nghệ cao của Châu Á, là một quốc gia trong nhóm ít chịu rủi ro bị áp thuế khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Trong 3 tháng đầu năm nay, vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và M&A đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có 644 dự án mới tăng 23,4% với vốn đăng ký đạt hơn 4,77 tỷ USD, tăng 57,9%.

Vốn FDI thực hiện trong quý I/2024 đạt khoảng 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so cùng kỳ năm trước.

Luỹ kế đến 20/3/2024, cả nước có 39.758 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 475,8 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã chủ động tham gia Quy tắc Thuế Tối thiểu toàn cầu; Quốc hội Việt Nam đã thông qua chủ trương áp dụng quy tắc này từ 1/1/2024, cùng với thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung trên cơ sở đạt được sự đồng thuận của các tập đoàn kinh tế đang đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Chính phủ đang lấy ý kiến các nhà đầu tư, hiệp hội ngành nghề để sớm ban hành Nghị định ưu đãi đầu tư, ngoài ưu đãi thuế, đất đai, chú trọng ưu đãi tài chính, chi phí đối với dự án quy mô lớn, công nghệ cao, công nghệ tương lai, dịch vụ hiện đại có tác động quan trọng đến tăng trưởng kinh tế với cơ cấu kinh tế hiện đại…

Chính phủ Việt Nam luôn luôn quan tâm vấn đề cải cách nền hành chính quốc gia, môi trường đầu tư. Nhờ vậy, Việt Nam luôn được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn. Tình hình thu hút và sử dụng vốn FDI Quý I/2024 tiếp tục có sự chuyển biến tích cực về chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội phù hợp với định hướng Chiến lược thu hút FDI giai đoạn 2021 - 2030.

"LÀN SÓNG" FDI LẦN THỨ 4

PV: Gần đây, cụm từ “dòng vốn FDI mới” hay “FDI thế hệ mới”, “làn sóng FDI lần thứ 4” đang được nhắc đến nhiều, cho thấy xu hướng, chuyển động của dòng vốn này dường như đã khác. Cụ thể như thế nào, thưa GS?

GS.TSKH. Nguyễn Mại: Có 3 vấn đề lớn đang tác động đến dòng vốn FDI toàn cầu.

Một là, xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế trong nước để thích ứng với biến động thế giới. Các nền kinh phát triển như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… đều thay đổi cơ cấu kinh tế. Trước đây, họ coi trọng thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng hiện nay lại đang chuyển dần sang chú trọng phát triển doanh nghiệp trong nước. Xu hướng tái cấu trúc kinh tế toàn cầu còn gắn với sự chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn, được thúc đẩy bởi nhận thức về môi trường ngày càng tăng, những lợi ích kinh tế mang lại và tiềm năng tích hợp các công nghệ kỹ thuật số tiên tiến. Sự thay đổi không chỉ của một nước mà ở hầu hết các nước. Đương nhiên, Việt Nam cũng phải thay đổi cơ cấu định hướng phát triển doanh nghiệp trong nước và định hướng hội nhập quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.

Hai là, xu hướng phi toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa có dấu hiệu chững lại từ sau cuộc suy thoái kinh tế thế giới năm 2007 và sụt giảm nghiêm trọng hơn trong giai đoạn 2018 - 2022, với tổng vốn FDI chỉ chiếm trung bình 1,3% GDP toàn cầu.

Xu hướng phi toàn cầu hóa ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt rõ ràng hơn khi Mỹ và EU áp dụng các chiến lược bảo hộ để giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc. Xu hướng này mang lại nhiều hệ quả, trong đó đáng chú ý là nỗ lực dịch chuyển cơ sở sản xuất, đặc biệt trong các ngành quan trọng như vật liệu bán dẫn và sản xuất pin xe điện về lại trong nước hoặc chuyển sang các vùng lãnh thổ và quốc gia có chung hệ giá trị và tiêu chuẩn. Điều này ảnh hưởng rất đáng kể đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các nước lớn này và ảnh hưởng chung đến tình hình vốn FDI toàn thế giới với sự tăng trưởng có phần chậm lại sau khi ghi nhận mức kỷ lục vốn đầu tư ra nước ngoài hơn 1.300 tỷ USD năm 2022.

Ba là, xu hướng tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu. Biến động kinh tế và chính trị toàn cầu gần đây đã phơi bày những điểm yếu và rủi ro của chuỗi cung ứng hiện tại và sự phụ thuộc vào một nguồn cung ứng hoặc một thị trường duy nhất. Kết quả là, nhiều tập đoàn đa quốc gia đã phải suy nghĩ lại về chiến lược chuỗi cung ứng của mình và dần dần tái cấu trúc chúng theo hướng "khu vực hóa, đa dạng hóa nhà cung cấp và tăng cường tự động hóa".

Các làn sóng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Làn sóng FDI thứ nhất diễn ra từ năm 1991 đến năm 1997 với vốn đăng ký 16,244 tỷ USD, vốn thực hiện 12,98 tỷ USD. Chỉ tính riêng trong năm 1997, vốn FDI thực hiện đã đạt con số 3,115 tỷ USD, gấp 9,5 lần năm 1991 (328,8 triệu USD).

Làn sóng thứ hai bắt đầu từ năm 2006, khi Việt Nam có những dự án tỷ USD đầu tiên từ nhà sản xuất chip Intel (Mỹ) và tập đoàn thép Posco (Hàn Quốc). Thu hút FDI lần đầu vượt 10 tỷ USD, đánh dấu sự bùng nổ của làn sóng thứ hai. Lượng vốn đăng ký tiếp tục tăng, lập kỷ lục gần 72 tỷ USD vào năm 2008. Đây cũng là năm Samsung - nhà đầu tư FDI lớn nhất hiện nay, bắt đầu xây dựng nhà máy đầu tiên tại Bắc Ninh.

Làn sóng thứ 3 là giai đoạn 2015 - 2019, dòng vốn FDI tăng trưởng trở lại, kể cả vốn đăng ký lẫn giải ngân trên thực tế, hàng loạt tập đoàn lớn, dự án lớn đầu tư vào Việt Nam.

Năm 2023, mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Việt Nam với các quốc gia lớn có ưu thế về công nghệ trên thế giới được kỳ vọng là lực đẩy đưa làn sóng thu hút FDI lần thứ 4 sớm bùng nổ tại Việt Nam với hàng loạt dự án quy mô lớn, trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn…

Khi tái cấu trúc chuỗi cung ứng thông qua khu vực hóa, đa dạng hóa nhà cung cấp và tự động hóa là một chiến lược nhìn xa trông rộng, thì các nước cần tiếp nhận FDI phải thay đổi và thực hiện những cải tiến có mục tiêu để có thể định vị mình là những nhân tố chủ chốt trong kỷ nguyên mới của chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam có vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ xu hướng này khi các công ty đa quốc gia đã và đang chuyển một phần sản xuất ra khỏi Trung Quốc và tìm kiếm những nguồn cung ứng mới. Việt Nam có đầy đủ các điều kiện để trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu mới. Làn sóng FDI lần thứ 4 vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ diễn ra từ năm 2024 trở đi.

PV: Làn sóng FDI lần thứ 4 này dự báo sẽ có điểm khác biệt gì so với các làn sóng trước đây? 

GS.TSKH. Nguyễn Mại: Điểm khác biệt bắt nguồn từ Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Nghị quyết nhấn mạnh đến "hợp tác đầu tư" nước ngoài chứ không đơn thuần chỉ là thu hút. Theo đó, dòng vốn FDI đã có sự chuyển biến về chất lượng.

Việt Nam đã bước qua giai đoạn thu hút đầu tư coi trọng số lượng. Trước đây, vì nước nghèo nên trong giai đoạn đầu chú trọng thu hút những ngành nghề thâm dụng lao động như dệt may, da giày... hay thâm dụng tài nguyên như khai thác khoáng sản. Song song với đó là gia tăng các ngành dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu phát triển... và dần giảm bớt các ngành nghề thâm dụng lao động, tài nguyên.

Hiện nay, định hướng mới là, các địa phương phát triển như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng... đã thu hút mạnh đầu tư nước ngoài và có GDP tiệm cận với các nước có thu nhập cao thì cần chú trọng chuyển sang thu hút đầu tư chủ yếu vào những ngành công nghệ cao, nghiên cứu phát triển...

Những địa phương phát triển ở mức trung bình, thu hút FDI ở mức độ vừa phải như một số tỉnh ở Đồng bằng Bắc Bộ hay Nghệ An, Hà Tĩnh, các tỉnh miền Trung khác và một số tỉnh ĐBSCL vẫn tiếp tục coi trọng thu hút đầu tư thâm dụng lao động, hạn chế khai thác tài nguyên và cũng chuyển hướng dần sang thu hút đầu tư ngành công nghệ cao với tỷ trọng vừa phải.

Ở khu vực miền núi, chính sách chưa tạo điều kiện. Kể cả doanh nghiệp trong nước cũng chưa lên miền núi nhiều. Vấn đề quan trọng hiện nay là phải tạo ra cơ sở hạ tầng, đường bộ cao tốc, công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng cao… đặc biệt là tạo ra môi trường thuận lợi nhất để có thể thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước đến với khu vực miền núi, để xích gần lại khoảng cách với các tỉnh miền xuôi. Thực tế trong hơn 35 năm đổi mới, khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi đang ngày càng xa. Điều kiện cơ sở vật chất, môi trường học tập, y tế… còn rất thiếu thốn. Trong khi, các tỉnh miền núi có nhiều nét đẹp thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực… có thể thu hút đầu tư, phát triển kinh tế tốt hơn.

Định hướng mới kèm theo sự thay đổi về cách tiếp cận đã được đề ra trong Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ (năm 2022). Theo đó, Việt Nam Không thể không tiếp cận theo thông lệ quốc tế, cập nhật những thay đổi của các nước đặc biệt là các nước đang cạnh tranh cao với Việt Nam để tạo nên lợi thế đang có và sẽ có. Đặc biệt ở giai đoạn hiện nay, Việt Nam với lợi thế về phát triển kinh tế, chất lượng nhân lực hoàn toàn có thể chuyển sang thu hút FDI một cách có chọn lọc, chọn dự án công nghệ cao và công nghệ tương lai.

Dù dự báo bao giờ cũng khó chính xác hoàn toàn, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới biến động mạnh như hiện nay, nhưng những tín hiệu lạc quan trong thu hút FDI với Việt Nam là rất rõ ràng.

PV: Tín hiệu lạc quan vẫn rõ ràng, nhưng Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua thu hút FDI thế hệ mới trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều biến động, thưa ông?

GS.TS. Nguyễn Mại: Có thể thấy, trên thế giới xung đột địa chính trị vẫn tiếp tục và khó lường, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa có tín hiệu phục hồi, lạm phát ở nhiều nước vẫn ở cao (5,8%), rủi ro tài chính, tiền tệ còn tiếp diễn, thương mại và đầu tư thế giới sụt giảm hoặc chỉ đi ngang. Trong khi các nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào quốc gia lân cận để rút ngắn chuỗi cung ứng. Nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản - những quốc gia đầu tư FDI lớn nhất của Việt Nam, Hoa Kỳ và một số nước trong EU cố gắng hạn chế đầu tư ra nước ngoài, chuyển dịch vốn đầu tư nước ngoài trở về nước, tăng cường ưu đãi đầu tư trong nước. Nhiều tập đoàn đa quốc gia đang tái cơ cấu chuỗi sản xuất và hạn chế hoạt động đầu tư mới do triển vọng tăng trưởng toàn cầu suy giảm, trong khi chi phí đầu tư tiếp tục tăng cao.

Xu hướng này vừa có lợi nhưng cũng vừa có hại cho Việt NamViệt Nam có nằm trong chuỗi cung ứng sản xuất mới hay cũng bị các đầu tàu FDI dịch chuyển cơ sở sản xuất về nước hoặc sang nước khác. Đó là vấn đề cần bàn tới. Đầu năm nay, Intel - một tập đoàn lớn của Mỹ dự kiến đầu tư mở rộng nhà máy tại Khu công nghệ cao TP.HCM nhưng sau đó họ đã quyết định sẽ chuyển sang Malaysia. Dù không khẳng định điều gì về khả năng suy giảm sức hút của Việt Nam nhưng rõ ràng, sự thay đổi quyết định đầu tư của các đối tác lớn là vấn đề cần lưu tâm.

Chúng ta không thể "nằm ngủ" trên thông điệp "Việt Nam là điểm đến đầy hứa hẹn của các nhà đầu tư nước ngoài", mà luôn luôn phải cảnh giác một điều rằng, cạnh tranh trong thu hút dòng vốn FDI mới đang rất khốc liệt. Một số nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia và Malaysia với nguồn lực tốt hơn, đang có chính sách giảm thuế hoặc hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, Indonesia có dân số gấp 3 Việt Nam, GDP hiện nay khoảng 1.100 tỷ USD trong khi Việt Nam mới chỉ hơn 400 tỷ USD (cao hơn gấp 2,5 lần). Nhân công có chất lượng cao, giá rẻ. Họ sẵn sàng có những khu công nghiệp sạch quy mô lớn khoảng 500ha để thu hút các nhà đầu tư lớn.

Ấn Độ cũng đang nổi lên như một thỏi nam châm hấp dẫn nhà đầu tư đến từ Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản... nhờ chính sách hấp dẫn của Chính phủ liên bang và chính quyền các bang. Ví dụ, mỗi tập đoàn lớn chuyển từ Trung Quốc sang Ấn Độ ở các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ bán dẫn mà nước này đang cần thu hút thì ngoài việc được giảm thuế, giảm tiền thuê đất, còn được chính phủ tài trợ khoản tài chính không hoàn lại trị giá hàng trăm triệu USD. Các dịch vụ phụ trợ từ kế toán, thuế... của Ấn Độ rất tốt để có thể phục vụ, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp Mỹ. Thung lũng Silicon của Ấn Độ là một thế giới rất hiện đại, không kém Mỹ dù người dân nước họ còn nghèo. Ấn Độ đào tạo nhiều nhất về kỹ sư, nguồn nhân lực chất lượng cao... Rất nhiều người tài nổi tiếng trên thế giới là người Ấn Độ. Nếu so sánh giữa 2 nước, nhiều doanh nghiệp FDI có thể sẽ đặt Ấn Độ trên Việt Nam.

Đưa ra một số dẫn chứng như trên để thấy rằng, chúng ta không nên coi nhẹ lợi thế cạnh tranh của các nước. Cần lưu ý rằng, thu hút đầu tư nước ngoài không chỉ là vấn đề của riêng doanh nghiệp trong nước mà là câu chuyện cạnh tranh quốc gia. Xu hướng của các nước là thay đổi liên tục, không ngừng để tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi hơn. Nếu không linh hoạt, thích ứng và nắm bắt kịp thời những biến chuyển của dòng vốn đầu tư toàn cầu để cải cách môi trường đầu tư theo hướng phù hợp thì dù Việt Nam có được ca ngợi hấp dẫn bao nhiêu thì cũng không đủ năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư.

VỚI "ÁT CHỦ BÀI" ĐẤT HIẾM, VIỆT NAM ĐANG ĐỨNG TRƯỚC CƠ HỘI LỊCH SỬ ĐỂ NÂNG CAO VỊ THẾ

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội “nghìn năm có một” để có thể trở thành cường quốc về công nghiệp bán dẫn. Theo ông, cơ hội này đến từ đâu?

GS.TS. Nguyễn Mại: Việt Nam đang là tâm điểm chú ý của giới đầu tư toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực AI, bán dẫn. Từ cuối năm 2023, sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden - xác lập quan hệ đối tác toàn diện giữa 2 nước, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) do ông John Neuffer (Chủ tịch Hiệp hội) làm Trưởng đoàn cùng đại diện lãnh đạo cấp cao các tập đoàn công nghiệp bán dẫn lớn như Intel, Ampere, ARM, Qualcomm, Marvell, Synopsys, Infineon… đã đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Ông John Neuffer cho biết đã nhận thấy những cơ hội đáng kinh ngạc để Việt Nam ghi dấu ấn của mình trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. CEO Tập đoàn NVIDIA (Mỹ) - ông Jensen Huang khi đến Việt Nam cuối năm ngoái cũng nói rằng, ngành AI, bán dẫn đang là “cơn sóng lớn và nhanh”, Việt Nam đang đứng trước thời khắc quan trọng, nếu có thể cưỡi trên con sóng lớn này, cơ hội sẽ rất rộng mở để tiến tới thịnh vượng.

Trong cuộc gặp với ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM), ông ấy cũng có nói vui nhưng rất chân thành với tôi rằng, nếu tận dụng được tài nguyên đất hiếm, sẽ chẳng mấy chốc mà Việt Nam có thể đuổi kịp các quốc gia phát triển.

Việt Nam đang có khoảng 22 triệu tấn đất hiếm, bằng một nửa của Trung Quốc và đứng thứ 2 thế giới. Khai thác đất hiếm không chỉ có lợi cho Việt Nam trong việc xuất khẩu mà còn tạo điều kiện hợp tác, cùng phát triển công nghiệp bán dẫn với các nước lớn như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, khi họ vẫn phải phụ thuộc vào đất hiếm của Trung Quốc. Mấy năm gần đây, tất cả các ngành liên quan đến bán dẫn đều giảm sút bởi giá đất hiếm tăng cao và có một thời gian Trung Quốc không xuất khẩu.

Từ năm 2024, khi Việt Nam bắt đầu khai thác, sản xuất đất hiếm theo công nghệ hiện đại nhất, có chất lượng tốt nhất như Mỹ và Hàn Quốc đã thỏa thuận, sẽ tạo ra thị trường cạnh tranh, giảm bớt sự phụ thuộc vào đất hiếm của Trung Quốc. Khi có thị trường cạnh tranh thì giá sẽ giảm.

Chúng ta cũng chẳng dại gì mà xuất khẩu nguyên liệu thô, thay vào đó, đất hiếm thành phẩm là át chủ bài, cùng với môi trường đầu tư được đánh giá rất cao từ quốc tế, Việt Nam đang đứng trước cơ hội hiếm có để nâng cao vị thế.

Mỹ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam không chỉ vì mục đích nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mà còn vì lợi ích của Mỹ, của các doanh nghiệp Mỹ. Cho nên, hàng chục doanh nghiệp lớn trong Hiệp hội bán dẫn của Mỹ vào cùng một lúc và ký hàng loạt thỏa thuận. Nhiều nước lớn khác cũng đã thỏa thuận. Năm 2024 sẽ có một số dự án hàng tỷ USD. Giai đoạn tiếp theo từ năm 2025 trở đi sẽ có nhiều dự án hơn về bán dẫn.

Việt Nam sẽ thực hiện được chiến lược phát triển trở thành cường quốc về bán dẫn của thế giới. Tất nhiên không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai.

Ðể thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, bên cạnh những lợi thế vượt trội, Việt Nam cần chủ động hơn nữa để đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài bởi điều đặc biệt của làn sóng đầu tư lần này là thời điểm để ra quyết định đầu tư rất ngắn trong khi độ cạnh tranh thu hút vốn giữa các quốc gia trong khu vực đang rất gay gắt.


GS.TSKH. Nguyễn Mại
PV: Có thể nói, công nghiệp bán dẫn đang định hình một “cuộc chơi lớn” trên toàn cầu, đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt. Ngoài tiềm năng về đất hiếm, theo GS, điều gì khiến chúng ta có thể đặt ra nhiều kỳ vọng như vậy?

GS.TSKH. Nguyễn Mại: Chúng ta không mơ hồ về việc đốt cháy giai đoạn mà rõ ràng, khát vọng về một cường quốc bán dẫn được khơi dậy dựa trên tiềm năng và Việt Nam đang có.

Tôi không tán thành với nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam đang thiếu nhân lực chất lượng cao. Không chỉ riêng cá nhân tôi mà Samsung, Intel và cả Hiệp hội bán dẫn của Mỹ với hàng chục doanh nghiệp lớn hàng đầu của thế giới cũng đánh giá rất cao năng lực của người Việt Nam - rất nhanh nhẹn, thông minh, đáp ứng đủ yêu cầu về nguồn nhân lực của ngành bán dẫn cũng như các ngành công nghệ thông tin khác. Các kỹ sư phần mềm của Việt Nam tại các trung tâm R&D của Samsung không thua kém các kỹ sư giỏi của Hàn Quốc. Những người có năng lực trung bình cũng chỉ cần 6 tháng - 1 năm đào tạo là có thể đáp ứng được yêu cầu công việc.

Samsung đã thành lập trung tâm nghiên cứu phát triển - R&D tại Việt Nam, khánh thành vào năm 2022 với mức đầu tư 250 triệu USD, rất hiện đại. Khi lãnh đạo Samsung đến Việt Nam đã tuyên bố rằng, Trung tâm R&D tại Hà Nội mới khai trương đã trở thành trung tâm lớn nhất tại Châu Á (trước đây trung tâm R&D lớn nhất nằm tại Ấn Độ). Trong tương lai gần, họ sẽ mở rộng, đầu tư thêm và chuyển sang nghiên cứu nhiều lĩnh vực, theo đó, trung tâm R&D tại Hà Nội sẽ trở thành trung tâm hàng đầu thế giới của Samsung, hoạt động độc lập, hiệu quả ngang ngửa với trung tâm tại Hàn Quốc. Việt Nam cũng sẽ không chỉ là “cứ điểm” sản xuất, mà còn là “cứ điểm” R&D của Samsung trên toàn cầu. Đây là một trong những điều kiện để Việt Nam có thể sớm nắm bắt và làm chủ các công nghệ lõi.

Ngoài ra, Việt Nam đã và đang tích cực, chủ động chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng cơ sở, hạ tầng mềm, nguồn nhân lực, hệ sinh thái doanh nghiệp để sẵn sàng đón làn sóng đầu tư vào ngành công nghiệp tương lai, công nghiệp bán dẫn. Trong đó, nổi bật là thành lập Trung tâm Ðổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cùng với ba khu công nghệ cao tại TP.HCM, Hà Nội và Ðà Nẵng với cơ chế ưu đãi cao để thu hút FDI thế hệ mới…

Trung tâm Ðổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tại Hà Nội khánh thành vào cuối tháng 10/2023. (Ảnh: Trọng Hiếu).

Trong diễn biến mới nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” với mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư đến năm 2030, nhằm hiện thực hóa một kỳ vọng lớn. Bộ Thông tin và Truyền thông đang khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Như vậy, ngành công nghiệp bán dẫn đang được định hình là động lực và đột phá mới, có thể đưa Việt Nam sớm hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng. Với chiến lược bài bản, trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Việt Nam có thể chen chân, trở thành một trong những nước phát triển hàng đầu của thế giới về bán dẫn.

THỜI KHẮC QUAN TRỌNG ĐỂ TẬN DỤNG CƠ HỘI

PV: Cơ hội đã nhìn thấy rõ, còn thách thức thì sao, thưa GS?

GS.TSKH. Nguyễn Mại: GS. Trần Văn Thọ - một chuyên gia nổi tiếng về kinh tế và giáo dục đang giảng dạy ở Nhật Bản, đánh giá cao chiến lược phát triển ngành bán dẫn của Việt Nam, cho rằng đó là hướng đi rất đúng đắn và hấp dẫn. Nhưng có một nguy cơ mà tôi cũng rất đồng ý với ông Thọ đó là nếu như chất lượng đầu vào nguồn nhân lực của 50.000 kỹ sư, tiến sỹ không tốt thì đó sẽ là thảm họa. Do đó, phải tuyển chọn rất khắt khe về đầu vào và thải loại 15 - 20% trong quá trình đào tạo để có đầu ra chất lượng tốt.

Bên cạnh đó, trong vấn đề thu hút/hợp tác đầu tư với các tập đoàn lớn trên thế giới, không thể giữ cách tiếp cận cào bằng. Mỗi tập đoàn có những yêu cầu riêng, nếu như không đáp ứng được yêu cầu thì họ sẽ đi nơi khác. Như Samsung có 18 chỉ tiêu, trong đó không chỉ có hiệu quả kinh tế mà còn trách nhiệm xã hội về điều kiện, thời gian làm việc cho phép, chính sách trả lương cao cho người lao động… Chính phủ đã tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương thu hút đầu tư và cấp phép cho các dự án. Nếu các địa phương không tìm hiểu kỹ, tiếp thị tận nơi và quan tâm đến các yêu cầu, tiêu chí của các tập đoàn thì rất khó để làm được.

Chưa kể, một trong những băn khoăn lớn của các tập đoàn nước ngoài khi vào Việt Nam đó là vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ. Tình trạng hàng nhái, hàng giả, ăn cắp bản quyền đang diễn ra phổ biến và xuất hiện nhan nhản trên báo đài. Không thể để vấn đề này tồn tại mãi, nếu không có cách gì để đảm bảo về sở hữu trí tuệ khi người ta vào đây làm bán dẫn… thì không bao giờ người ta muốn vào Việt Nam.

Mặt khác, việc các nước phát triển áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm giảm vai trò của các ưu đãi truyền thống như ưu đãi về thuế, đất đai trong cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Sau khi có nghị quyết của Quốc hội về thuế tối thiểu toàn cầu, Chính phủ đang xây dựng nghị định, sẽ chỉ sử dụng một phần ưu đãi thuế, còn lại chủ yếu là ưu đãi về chi phí, tài chính và thậm chí là trợ cấp tài chính. Ưu đãi này buộc phải có sức cạnh tranh với các nước, dựa trên quan điểm khoa học. Trợ cấp không có nghĩa là mất đi mà là tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển, từ đó nộp nhiều thuế hơn, tạo công ăn việc làm tốt hơn, nhanh chóng hiện thực hóa được chiến lược, mục tiêu về nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.

Sau cùng, đối với các tập đoàn lớn trên thế giới, thời gian là quan trọng, thời gian là vàng bạc. Thủ tục dù đã giảm bớt nhưng vẫn rất phiền hà. AmCham (Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ) nói với chúng tôi, trước đây người ta làm thì phiền hà, phải chờ đợi lâu, còn bây giờ người ta đang dừng lại, không làm, không gây phiền hà nữa nhưng lại không đảm bảo thời gian triển khai, dẫn tới mất đi cơ hội đầu tư, kinh doanh đáp ứng thị trường. Sau 6 tháng cấp phép mà không có đất sạch sản xuất, hay khi chuyển một nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam nhưng phải chờ đợi cả một năm mới xong thủ tục thì sẽ không ai vào Việt Nam nữa mà sẽ sang Ấn Độ, Indonesia...

PV: Như vậy, nếu không đủ mức độ sẵn sàng, Việt Nam có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội hiếm hoi này?

GS.TSKH. Nguyễn Mại: Nếu không nhìn vào các biến động để tiếp cận một cách khách quan, thực tiễn thì không chỉ bỏ lỡ cơ hội mà còn không thể vượt qua thách thức để biến thách thức thành cơ hội.

Ðể thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao có thể dội vào trong một làn sóng mới, bên cạnh những lợi thế vượt trội, Việt Nam cần chủ động hơn nữa để đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài trong những ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, bởi điều đặc biệt của làn sóng đầu tư lần này là thời điểm để ra quyết định đầu tư rất ngắn trong khi mức độ cạnh tranh thu hút vốn giữa các quốc gia trong khu vực rất gay gắt.

Năm 2023 Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều luật có liên quan đến đầu tư nước ngoài như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Tín dụng, Nghị quyết về thực thi quy định Thuế Tối thiểu toàn cầu, Chính phủ đã ban hành một số chính sách mới và chuẩn bị mọi điều kiện để thu hút FDI thế hệ mới. Vấn đề nổi lên hiện nay là làm thế nào để các luật, chính sách mới có thể được đưa nhanh vào đời sống kinh tế - xã hội, được thực thi nghiêm chỉnh trong các cấp, các ngành, trở thành động lực tăng trưởng kinh tế, thu hút và sử dụng vốn đầu tư quốc tế có chất lượng hơn.

Vấn đề cải cách thể chế, phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cần đi đôi với kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của các đơn vị được phân cấp, phân quyền. Cần sớm ban hành bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả FDI để khắc phục tình trạng một số địa phương, Ban Quản lý KKT, KCN còn thiếu quan tâm lựa chọn dự án nhằm bảo đảm nâng cao chất lượng thu hút và sử dụng FDI. Một số Hiệp hội nước ngoài cho rằng, Nhà nước cần xây dựng chỉ số đo lường về mức độ thực thi chính sách đã có, cái gì đã làm tốt, cái gì cần xem xét lại.

Bên cạnh đó, để phát triển các ngành công nghệ tương lai, công nghiệp bán dẫn cần hiện đại hóa đồng bộ hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng năng lượng, vì không đảm bảo chất lượng điện là một trở ngại lớn để thu hút FDI vào các ngành đó. Vì vậy Chính phủ cần có chính sách ưu đãi cao để khuyến khích các khu vực kinh tế đầu tư xây dựng điện mặt trời, điện gió, điện tái tạo, lưu trữ điện với lượng lớn tại các nhà máy năng lượng sạch và hệ thống truyền tải điện. Trước mắt, cần sửa đổi quy định hạn chế số lượng tấm pin mặt trời có thể lắp đặt trên mái nhà do hiện nay không thể đầu tư sản xuất điện mặt trời trên mái nhà vì các doanh nghiệp không nhận được chứng nhận cho phép lắp đặt. Chính phủ cũng cần có lộ trình điều chỉnh giá điện từ nay đến năm 2030 để khuyến khích đầu tư vào năng lượng sạch, vì giá điện thấp nên kéo dài thời gian để thu hồi vốn đầu tư vào năng lượng sạch. Đồng thời cần thúc đẩy để sớm hoàn thiện cơ chế thị trường điện cạnh tranh, xóa bỏ độc quyền của EVN đối với xây dựng và kinh doanh điện năng; khuyến khích người tiêu dùng điện đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng bao gồm giảm trợ cấp giá điện.

Ngoài ra, triển khai các cơ chế kỹ thuật số để bảo vệ sở hữu trí tuệ cũng là vấn đề quan trọng. Cụ thể là thiết lập hệ thống theo dõi và ghi hồ sơ kỹ thuật số tiên tiến cho tất cả các hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ, áp dụng các giao thức mã hóa và môi trường dữ liệu an toàn phải là ưu tiên hàng đầu để đảm bảo những người có thẩm quyền mới được phép truy cập vào dữ liệu IP nhạy cảm.

Cuối cùng, cần thúc đẩy cải cách nền hành chính quốc gia, đẩy nhanh việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức của đội ngũ công chức, viên chức, đề cao trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện Chính phủ kiến tạo, Chính phủ số, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII, "Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới".

Các Hiệp hội nghề nghiệp kiến nghị cần tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, định ra thời hạn buộc các địa phương, cơ quan hành chính thực hiện các thủ tục hành chính tại một Trung tâm bằng trực tuyến theo Chính phủ số; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cung ứng dịch vụ công của bộ máy hành chính nhà nước trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới.

Thực hiện có kết quả một số giải pháp trên đây sẽ góp phần thực hiện định hướng thu hút FDI có chất lượng và hiệu quả cao hơn.

PV: Nếu có thể tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, ông dự báo như thế nào về tiềm năng và tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai? Đây có phải là con đường để tiến tới khát vọng thịnh vượng nhanh hơn?

GS.TSKH. Nguyễn Mại: Tôi cho rằng, điều đó sẽ rất tuyệt vời. Thời kỳ đầu, Việt Nam còn nghèo, phải khai thác dầu khí. Cái lợi tạo ra là không mất vốn, người ta vào đấu thầu, khai thác, sản xuất. Khi thăm dò, nếu không có dầu thì họ rút, còn nếu có thì sẽ ký hợp đồng và thỏa thuận chia lợi nhuận theo sản lượng có thể khai thác thương mại.

Việc thu hút đầu tư khai thác dầu khí đã giúp Việt Nam tiếp cận được với công nghệ, dịch vụ cao từ các tập đoàn lớn và đào tạo được nguồn nhân lực tốt cho ngành dầu khí mà không mất chi phí. Sau này làm chủ được công nghệ khai thác dầu khí, kể cả dịch vụ dàn khoan, sản xuất dàn khoan bán cho thế giới, thành công đấu thầu các giếng dầu của thế giới… Hồi bấy giờ, 20% thu ngân sách và GDP có được từ ngành dầu khí.

Với ngành bán dẫn cũng như vậy, thậm chí có thể mang đến tác động lớn hơn đối với tốc độ phát triển kinh tế. Hiện nay, GDP khoảng 430 tỷ USD. Theo tính toán chưa đầy đủ của tôi, ít nhất, chúng ta có 18-20% GDP từ ngành công nghiệp bán dẫn, tương đương với khoảng 40-50 tỷ USD trong năm 2024.

PV: Trong việc hướng tới hiện thực hoá khát vọng về một cường quốc bán dẫn, vẫn có lo ngại lớn về việc khối nội có đủ sức chen chân vào chuỗi cung ứng hay không, đặc biệt là trong vấn đề tiếp cận và học hỏi công nghệ lõi từ các nước công nghiệp hàng đầu. Phải chăng, việc "dọn tổ" đón "đại bàng" FDI thế hệ mới cần tiến hành song song với việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội có thể vươn lên? 

GS.TSKH. Nguyễn Mại: Cần lưu ý là, thu hút FDI không chỉ với mục đích là có thêm vốn, mà quan trọng hơn là tác động trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giúp các doanh nghiệp nội sớm nắm bắt được công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ tương lai của thế giới.

Khi chúng ta có nguồn đất hiếm, khi có một đội ngũ doanh nghiệp, trong đó có các tập đoàn lớn thì ngành bán dẫn sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa đến ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước. Chúng ta không dại gì để cho doanh nghiệp nước ngoài vào làm công nghiệp hỗ trợ cho bán dẫn. Việt Nam có nhiều doanh nghiệp lớn đủ sức làm công nghiệp hỗ trợ, tham gia vào các công đoạn sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài như Viettel, FPT, Vingroup… Cùng với đó, việc phát triển các trung tâm R&D, vườn ươm, trung tâm đổi mới sáng tạo sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam sớm tạo ra được các sản phẩm công nghệ Việt Nam, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, dấn thân vào chuỗi giá trị toàn cầu. Doanh nghiệp của chúng ta đủ sức làm như vậy. Và khi làm chủ được công nghệ, thì mới có thể trở thành một nước công nghiệp phát triển.

Việc hình thành một hệ sinh thái hỗ trợ tại Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thu hút dòng vốn FDI đang dịch chuyển. Trên tinh thần hợp tác, doanh nghiệp trong nước đóng vai trò là vệ tinh, tham gia vào chuỗi cung ứng, thực hiện những khâu phụ trợ và từ đó nắm bắt công nghệ cao từ các doanh nghiệp FDI. Còn doanh nghiệp FDI là người đồng hành, hỗ trợ, chuyển giao công nghệ.

Do đó, cần phải nhấn mạnh rằng, quá trình thu hút FDI cần gắn với phát triển doanh nghiệp trong nước. Hy vọng trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ giúp gia tăng giá trị sản phẩm công nghiệp của khối nội chiếm 60 – 65%, đồng thời tiến tới cân bằng kim ngạch xuất khẩu giữa hai khối. Đây chính là thành công trong việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Muốn vậy thì Việt Nam phải bồi dưỡng nguồn lực trong nước, chú trọng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển. Cần có chính sách riêng với tập đoàn lớn nhưng đồng thời có chính sách ưu đãi tài chính, tín dụng, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển đổi mới sáng tạo với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cùng với đó, Việt Nam cần có chính sách kết nối tốt hơn doanh nghiệp trong nước để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, cung ứng trong nước, với tư cách không chỉ chuỗi giá trị thấp mà tham gia vào chuỗi giá trị cao.

PV: Với vị thế, tốc độ tăng trưởng hiện tại và con đường đang đi của Việt Nam, ông nhìn nhận như thế nào về mục tiêu trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao, phồn vinh, hạnh phúc vào năm 2045?

GS.TS. Nguyễn Mại: Cho đến năm 2010, chưa bao giờ chúng ta nói đến khát vọng hùng cường của dân tộc, bởi chưa có điều kiện và sự tự tin. Nhưng từ 2011 đến nay và nửa cuối thập kỷ vừa rồi, đặc biệt là trong Đại hội Đảng XIII năm 2021, khát vọng thịnh vượng được đề cập đến nhiều và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã khẳng định rất rõ là chưa bao giờ chúng ta có vị thế quốc tế như hiện nay.

Dấu ấn ngoại giao, tầm vóc và vị thế của Việt Nam được thể hiện rõ nét hơn trong năm 2023, khi đón tới 28 đoàn lãnh đạo cấp cao nước ngoài. Trong đó, có chuyến thăm để lại nhiều hy vọng lớn như chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden, sau đó là chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ không chỉ là cơ hội để cho 2 dân tộc xích lại với nhau mà còn mở ra cơ hội mới về hợp tác, theo đó chuyến thăm được đánh giá là mang ý nghĩa lịch sử khi chứng kiến việc Việt Nam - Mỹ nâng cấp quan hệ từ Đối tác toàn diện lên Đối tác chiến lược toàn diện, khởi đầu cho một làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam.

Trong khi đó, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến 36 văn kiện được ký kết, số lượng văn kiện hợp tác nhiều nhất từ trước đến nay trong một chuyến thăm Việt Nam của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, quan hệ ngoại giao tiếp tục được mở rộng và có những bước đột phá. Hiệu quả thấy rõ khi nhiều đoàn doanh nghiệp nước ngoài đã đến thăm và làm việc tại Việt Nam và tiến tới có những cam kết quan trọng, vị thế đất nước không ngừng được nâng lên với những cơ hội rộng mở.

Mặc dù hiện nay nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, nhưng nền kinh tế đã có sự khởi sắc nhất định, xuất khẩu đã tăng trở lại… tạo ra tiền đề cho Việt Nam phục hồi tốt hơn. Theo tôi, 6 - 7% tăng trưởng GDP chưa phải là mức mà chúng ta cần đạt được. Với điều kiện tốt như hiện nay, nếu có một nền quản trị hiện đại theo hướng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ điện tử… thì chắc chắn sẽ có tốc độ phát triển nhanh hơn và có đủ tự tin để hiện thực hoá khát vọng thịnh vượng.

Tất cả những giải pháp đòi hỏi phải thực hiện quyết liệt hơn, nhanh hơn để đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư lớn, nhất là các tập đoàn bán dẫn, công nghệ cao đến với Việt Nam, lựa chọn Việt Nam. Trong đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt để nâng tầm chuỗi giá trị, tham gia hiệu quả hơn và sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Lúc này, chậm chân sẽ đồng nghĩa với việc mất đi cơ hội lịch sử.

- Trân trọng cảm ơn GS!

Theo Tạp chí điện tử Reatimes

(https://reatimes.vn/gstskh-nguyen-mai-canh-tranh-trong-thu-hut-dong-von-fdi-moi-rat-khoc-liet-202240502054910644.htm)