Đừng để quy hoạch... “trên giấy”

Theo Diệu Hoa

Chủ nhật, 3/11/2024 - 8:19 (GMT+7)

GS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, điều quan trọng nhất trong điều chỉnh quy hoạch là phải đảm bảo tính khả thi.

GS Đặng Hùng Võ GS Đặng Hùng Võ
Vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia 2021-2030 tầm nhìn 2050. Tờ trình Chính phủ nêu rõ, tại thời điểm Quốc hội thông qua Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thì Quy hoạch tổng thể quốc gia và nhiều quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt. Do đó, chưa xác định đầy đủ, chính xác nhu cầu sử dụng đất trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia. Sau khi các quy hoạch này được phê duyệt, cần phải điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống các quy hoạch.

- Vậy theo ông lần điều chỉnh này cần lưu ý những gì?

Chúng ta nên xác định rõ đây là điều chỉnh quy hoạch chứ không phải xây dựng quy hoạch. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 39/2021/QH15, do đó các dự án đã có quy hoạch từ trước sẽ có những sự chuẩn bị đầu tư kỹ lưỡng, đã có dự báo nhu cầu sử dụng đất theo phương án triển khai, thường sẽ không vướng mắc. Vấn đề điều chỉnh quy hoạch lần này sẽ tập trung vào việc xem xét lại, kiểm điểm những dự án đã có trong quy hoạch nhưng đến nay quy mô sử dụng đất, hay tiến độ không đảm bảo, xem xét lại các dự án đó liệu có khả năng tiếp trục triển khai hay không, và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp.

Quy hoạch sử dụng đất quốc gia cần phù hợp với yêu cầu thực tiễn và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống các quy hoạch. Quy hoạch sử dụng đất quốc gia cần phù hợp với yêu cầu thực tiễn và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống các quy hoạch.
- Như ông nói thì vấn đề là phải giám sát sau điều chỉnh quy hoạch là quan trọng nhất, thưa ông?

Sự thực, khi điều chỉnh thì cơ quan chuyên môn đã phải cân nhắc tính khả thi của các dự án, dự phòng các trường hợp tác động bất khả kháng như thiên tai hay các khó khăn làm chậm quá trình triển khai.

Thực tế cho thấy, quy hoạch sử dụng đất tại Việt Nam cũng hay thay đổi. Điều này dẫn đến tình trạng có những dự án lớn mặc dù đã bỏ ra một chi phí khổng lồ đầu tư ban đầu và xin cấp phép nhưng vẫn không thể triển khai. Quy hoạch vốn là vấn đề rất phức tạp ở Việt Nam nhưng tiếc thay, cơ chế điều chỉnh quy hoạch thiếu chuẩn mực, nhiều khi không phải vì mục đích phát triển chung mà chỉ vì những lợi ích riêng.

Không quy hoạch nào quan trọng hơn quy hoạch nào, quy hoạch là việc sắp xếp, phân bố không gian để khai thác nguồn lực một cách hiệu quả nhất, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững, vì vậy cần phải tích hợp các quy hoạch lại.

Do đó, quan trọng là tích hợp các quy hoạch lại, đẩy mạnh kế hoạch triển khai sao cho quy hoạch sau khi được điều chỉnh là phù hợp chứ đừng để phải điều chỉnh tiếp.

- Liệu rằng có những lo ngại khi tăng diện tích chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang các loại đất khác thì có phục vụ cho bất động sản không, thưa ông?

Cần rà soát, bổ sung cập nhật số liệu để tăng tính chính xác và thuyết phục, làm rõ các tác động của phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến quá trình đô thị hóa và phát triển hạ tầng, rà soát kỹ lưỡng nhu cầu sử dụng đất của địa phương và có phương án phân bổ phù hợp.

Hơn nữa, báo cáo từ cơ quan thẩm tra cho thấy kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc gia có nhiều chỉ tiêu đạt thấp. Có chỉ tiêu còn chưa thực hiện, như đất xây dựng kho dự trữ quốc gia; đất khu kinh tế. Bên cạnh đó, còn có sự chưa hợp lý trong việc phân bổ chỉ tiêu và khả năng thực hiện của các địa phương.

Ví dụ, tại tỉnh Điện Biên, chỉ tiêu đất khu công nghiệp được phân bổ là 55 ha, tuy nhiên, đến nay chưa được thực hiện. Tỉnh Lai Châu chỉ tiêu đất khu công nghiệp được phân bổ là 200 ha, đến nay cũng chưa được thực hiện… Cần phải sớm rà soát lại, làm rõ nguyên nhân đề xuất điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất, bảo đảm sát với nhu cầu thực tiễn.

- Ông có góp ý nào cho lần điều chỉnh quy hoạch này?

Từ năm 2021 đến nay, bên cạnh đường cao tốc Bắc – Nam và một loạt công trình trọng điểm quốc gia được thực hiện, vừa qua chúng ta đã cho chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với quy mô sử dụng đất khoảng 10.827 ha, Quốc hội xem xét quyết định chủ trương tại kỳ họp này. Dự án này sẽ làm tăng nhu cầu sử dụng đất cho các công trình, dự án hạ tầng quan trọng quốc gia.

Để đảm bảo cho các dự án giao thông trọng điểm quốc gia đạt hiệu quả, chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải đảm bảo tính minh bạch, sự tham gia và giám sát từ người dân. Theo đó, cần công khai các bước thực hiện và các số liệu liên quan, lấy ý kiến đóng và phản hồi từ phía địa phương, doanh nghiệp.

Đồng thời, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý đất đai, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đến từ thửa đất nhằm giảm thiểu sai sót, thất thoát tài nguyên và đảm bảo tính chính xác trong quy hoạch.

Và phải xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành và địa phương, để trong điều chỉnh và thực hiện quy hoạch sử dụng đất được đồng bộ và hiệu quả. Chính phủ cần có cơ chế rõ ràng để đảm bảo sự phối hợp giữa các cơ quan từ trung ương đến địa phương, tránh tình trạng chồng chéo trong triển khai thực hiện, trong quản lý quy hoạch, gây lãng phí tài nguyên.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh Nghiệp