Dư nợ margin tại các công ty chứng khoán cao kỷ lục

Theo TRẦN ANH

Thứ tư, 24/7/2024 - 17:35 (GMT+7)

Dư nợ cho vay ký quỹ tại các công ty chứng khoán hiện vượt xa so với thời điểm VNIndex đạt đỉnh 1.500 điểm.

Với đà giảm chưa dừng, liệu có xuất hiện tình trạng 'call margin"? Ảnh: Hoàng Anh

Các nhà đầu tư chứng khoán đẩy mạnh sử dụng đòn bẩy tài chính trong quý II vừa qua với dư nợ cho vay ký quỹ - hay còn gọi là margin - được FiinGroup ước tính lên mức cao kỷ lục, khoảng 218.900 tỷ đồng.

Cả quy mô lẫn tỷ lệ sử dụng đòn bẩy trong quý II vừa qua đều vượt xa giai đoạn đầu năm 2022, khi chỉ số VNIndex đạt đỉnh 1.500 điểm. Khi đó, quy mô vay margin chỉ ở mức 184 nghìn tỷ đồng và tỷ lệ đòn bẩy gần 7%, thấp hơn mức 9,4% trong quý vừa qua.

Hầu hết các công ty chứng khoán lớn ghi nhận dư nợ cho vay margin tăng mạnh, cá biệt TCBS ghi nhận mức margin kỷ lục 25.000 tỷ đồng.

Trong quá khứ khi dư nợ margin thường tăng mạnh khi thị trường đạt đỉnh, nên bất ngờ ở chỗ, dư nợ vay margin quý vừa qua lại tăng mạnh trong bối cảnh thị trường dao động đi ngang trong biên độ hẹp, tức là thị trường không có “sóng” và nhà đầu tư cũng không quá mặn mà.

Điều này có thể thấy rõ khi thanh khoản bình quân mỗi phiên giao dịch không tăng so với quý trước. Sự chán nản còn thể hiện ở tổng số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán cũng giảm gần 10% so với thời điểm cuối quý I, còn khoảng 94.000 tỷ đồng vào cuối quý II.

Ghi nhận từ các công ty chứng khoán có thị phần lớn cho thấy lượng nhà đầu tư cá nhân trong nước không tăng, thậm chí hầu hết giảm. Điều này cho thấy, sự gia tăng của dư nợ margin giai đoạn vừa qua không đến từ nhà đầu tư cá nhân như thông thường.

FiinGroup phân tích, dù quý vừa qua ghi nhận nhà đầu tư cá nhân mua ròng nhiều nhưng vẫn không thể hấp thụ nổi số tăng margin. Ước tính, nhà đầu tư cá nhân mua ròng xấp xỉ 40.000 tỷ đồng trên HoSE trong khi số dư margin lại tăng tới 22,6 nghìn tỷ đồng.

“Sự tăng trưởng đột biến của margin một phần lớn liên quan đến các giao dịch cổ đông lãnh đạo hoặc cổ đông lớn mua lại các lô cổ phiếu lô lớn thoả thuận. Trong đó có một phần từ việc một số nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra”, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup nhận định.

Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam phải chịu áp lực bán ròng của khối ngoại suốt hơn một năm qua.

Trên HoSE, hoạt động bán ròng của các nhà đầu tư ngoại diễn ra liên tục hàng tháng, chỉ trừ tháng 1, với tổng giá trị bán ròng gần 65.000 tỷ đồng. Giá trị bán ròng từ đầu năm đến giữa tháng 7 là 46.000 tỷ đồng.

Áp lực bán lớn này cần một lực cầu tương ứng để hấp thụ. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch công ty tư vấn đầu tư FinPeace cho rằng, chỉ có các nhà đầu tư cá nhân mua ròng là không đủ màmột phần lượng hàng được khối ngoại bán ra sẽ được chính các ông chủ doanh nghiệp hấp thụ.

“Giới chủ doanh nghiệp có thể đã sử dụng margin tại các công ty chứng khoán để hấp thụ lượng hàng này”, ông Tuấn Anh nhận định.

Dư nợ margin cũng tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, thay vì tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ như khi nhà đầu tư cá nhân sử dụng margin để “lướt sóng”.

Nhìn vào sức căng margin kỷ lục, có thể thấy cuộc chiến giữa hai bên nội – ngoại tại thị trường chứng khoán diễn ra âm thầm nhưng khốc liệt.

Mặc dù vậy, ông Tuấn Anh cũng nhìn nhận, vì bản chất tăng dư nợ margin thời gian qua khác với những giai đoạn trước, nên rủi ro thị trường do margin cũng sẽ không lớn và ông nhận định áp lực margin cũng sẽ sớm giảm bớt khi khối ngoại giảm bớt bán ròng.

Trên thực tế, sau giai đoạn bán ròng kỷ lục, tuần qua khối ngoại chỉ còn bán ròng bình quân 150 tỷ đồng mỗi phiên, giảm 70% so với tuần đầu tiên của tháng 7 và giảm tới 84% so với tuần cuối cùng của tháng 6.

Thậm chí, trong ba trên bốn phiên gần nhất, khối ngoại quay trở lại mua ròng gần 2.000 tỷ đồng. Các cổ phiếu được mua ròng chủ yếu trong nhóm ngân hàng, bán lẻ sau nhiều ngày bán liên tiếp.

Theo các chuyên gia, nếu như lý do khiến khối ngoại bán ròng hơn 2 tỷ USD suốt những tháng đầu năm là tỷ giá và hiệu suất của VNIndex thua kém các thị trường phát triển thì đây cũng là hai động lực chính cho nhóm này quay trở lại mua ròng cổ phiếu Việt Nam trong thời gian tới.

“Việc tỷ giá hạ nhiệt và VNIndex đã về mức định giá hợp lý sẽ hỗ trợ để nhà đầu tư ngoại quay lai thị trường”, ông Tuấn Anh nhận định.

Theo The Leader, 

https://theleader.vn/du-no-margin-tai-cac-cong-ty-chung-khoan-cao-ky-luc-1721663937501.htm