Động lực phát triển mới của Phú Yên
Khu kinh tế Nam Phú Yên với cảng Bãi Gốc là trái tim được xác định là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội Phú Yên thời kỳ mới.Phú Yên sẽ tập trung mọi nguồn lực để thu hút đầu tư, triển khai các dự án trọng điểm như công nghiệp lọc hóa dầu, luyện kim, năng lượng.Thông tin này được Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Anh Tuấn cho biết tại hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Phú Yên năm 2024 vừa diễn ra.Đồng thời, đây cũng là một trong những chiến lược trọng yếu được UBND tỉnh Phú Yên đề ra nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn, qua đó cụ thể hóa mục tiêu trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng giai đoạn quy hoạch 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt.Quy hoạch tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2030, Phú Yên phát triển theo hướng hiện đại và bền vững, đến năm 2035 tự cân đối được ngân sách nhà nước.Tầm nhìn đến năm 2050, Phú Yên trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng, là một trung tâm kinh tế biển của vùng Duyên hải Trung bộ.Phú Yên sở hữu vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh của khu vực và cả nước. Đặc biệt, với nhiều tiềm năng, thế mạnh riêng, địa phương còn nhiều dư địa để phát triển các lĩnh vực như du lịch, công nghiệp luyện kim, lọc hóa dầu, năng lượng, cảng biển, nông nghiệp công nghệ cao.Được biết, tỉnh Phú Yên đã trao quyết định chủ trương, chứng nhận đầu tư cho 14 nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 10.500 tỷ đồng. Trong số này, ghi nhận các dự án vốn đầu tư lớn như khu du lịch sinh thái Núi Thơm của Công ty CP Sao Phương Bắc Phú Yên trị giá hơn 2.200 tỷ đồng, khu nghỉ dưỡng Vũng Lắm của Công ty CP Everland Phú Yên gần 2.000 tỷ đồng, khu du lịch biển Hòa Thạnh Resort của Công ty TNHH Khu du lịch biển Hòa Thạnh Resort gần 1.050 tỷ đồng.Ở lĩnh vực công nghiệp gắn với cảng biến, địa phương trao 5 biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 130.000 tỷ đồng.Trong đó, đáng chú ý về quy mô, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát chính thức “đặt gạch” tìm hiểu cơ hội đầu tư 3 dự án lớn trị giá tới 120.000 tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD) tại Phú Yên.Các dự án gồm Cảng Bãi Gốc khoảng 24.000 tỷ đồng, khu công nghiệp Hòa Tâm khoảng 13.300 tỷ đồng và khu liên hợp gang thép Hòa Phát khoảng 86.000 tỷ đồng.Theo ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, sau một thời gian tìm hiểu nghiên cứu, Hòa Phát quyết định đầu tư ba dự án tại khu kinh tế Nam Phú Yên.Các dự án này khi đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ giải quyết việc làm cho 20.000 lao động, đóng góp ngân sách khoảng 10.000 tỷ đồng cho địa phương.Diễn biến này được cho là khá bất ngờ, khi cuối năm 2023, Ban quản lý khu kinh tế Nam Phú Yên xác nhận kế hoạch đầu tư tỷ đô của Tập đoàn Hòa Phát tại địa phương vẫn chưa cụ thể, dù tập đoàn đã ngỏ ý và trình bày ý tưởng quy hoạch chi tiết trong khoảng thời gian hơn một năm trước đó.Trong số 5 trường hợp nhận biên bản ghi nhớ đầu tư, còn có sự góp mặt của Công ty CP Tập đoàn N&G với dự án đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghệ cao; Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Phú Yên (Tập đoàn TH) với dự án tiếp tục đầu tư Cụm nhà máy thực phẩm sạch Phú Yên; Công ty CP Tập đoàn Vietravel với dự án phối hợp, hỗ trợ, hợp tác phát triển lĩnh vực du lịch, dịch vụ.Trước đó, UBND tỉnh cũng vừa phê duyệt danh mục 70 dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn giai đoạn 2024-2030 thuộc 7 lĩnh vực công nghiệp và hạ tầng khu, cụm công nghiệp; logictics; đô thị, nhà ở xã hội; thương mại, dịch vụ, du lịch; nông nghiệp; giáo dục, văn hóa, xã hội; công nghệ thông tin và khoa học công nghiệp.Trong đó, riêng khu kinh tế Nam Phú Yên sở hữu 33 dự án.