Đón làn sóng FDI mới

TheLEADER

Thứ ba, 20/2/2024 - 8:23 (GMT+7)

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hứa hẹn sẽ tiếp tục là điểm sáng trong năm 2024, góp phần quan trọng phục hồi đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Việt Nam ngày càng thu hút nhiều dự án FDI có hàm lượng khoa học công nghệ cao. Ảnh: Hoàng Anh

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư, tính đến 20 ngày đầu năm mới, tổng vốn FDI vào Việt Nam đã đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng hơn 40% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt hơn 2 tỷ USD, tăng mạnh gần 67%.

Sự gia tăng mạnh trong thu hút FDI ngay từ tháng đầu năm đến từ yếu tố đột biến trong ngành kinh doanh bất động sản, đạt gần 1,3 tỷ USD. Loại trừ yếu tố này, dòng vốn FDI chưa quá đột biến so với cùng kỳ năm 2023 nhưng cũng phần nào thể hiện rằng Việt Nam đang duy trì phong độ tốt trong công tác thu hút vốn FDI.

Mặt khác, vốn giải ngân đạt mức 1,48 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ, đã thể hiện tính thực chất của dòng vốn đầu tư.

Tín hiệu tích cực của dòng vốn FDI ngay tháng đầu năm 2024 có thể nói là nối tiếp đà của năm trước. Cụ thể, cả năm 2023, Việt Nam thu hút được 36,6 tỷ USD vốn FDI đăng ký, mức vốn giải ngân đạt kỷ lục gần 23,2 tỷ USD.

Cùng bước tiếp đà thuận lợi và những điều kiện chiến lược mới được thiết lập trong năm vừa qua, hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào sự khởi sắc mạnh mẽ của dòng vốn FDI trong năm 2024 cũng như giai đoạn tới.

Làn sóng FDI mới

Thực tế, những năm gần đây, thu hút FDI vẫn là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam dù dòng vốn đầu tư có dấu hiệu suy giảm trên toàn cầu. Bất ổn địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng khiến các tập đoàn lớn phải đưa ra các giải pháp dịch chuyển chuỗi sản xuất đến các quốc gia thay thế.

Trước xu thế đó, Việt Nam nổi lên như một điểm đến có tiềm năng trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, với nền chính trị ổn định, triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan và các chính sách đầu tư cởi mở, thân thiện.

Tính từ giai đoạn đại dịch Covid-19 đến nay, đã có hàng loạt ông lớn trên toàn cầu tìm đến Việt Nam để tìm hiểu môi trường đầu tư, có thể kể đến như Foxconn, Pegatron, Lego, Tencent, BYD, Goertech, Jinko Solar…

Trong đó, nhà đầu tư đã quyết định rót vốn lớn vào Việt Nam để xây dựng nhiều dự án có hàm lượng công nghệ cao, đơn cử như dự án đóng gói và kiểm định chất bán dẫn của Hana Micron hay kế hoạch xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) của Samsung.

Một tín hiệu đáng chú ý khác là các dự án FDI hướng đến phát triển bền vững, tiêu biểu phải kể đến dự án sản xuất tế bào quang điện trị giá 1,5 tỷ USD của Jinko Solar và nhà máy trung hòa carbon trị giá 1 tỷ USD của Lego.

Nếu những kết quả nói trên thể hiện được rằng Việt Nam đã tận dụng tốt xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu thì thành tựu ngoại giao kinh tế đạt được trong năm 2023 đặt thêm phần nào sự chắc chắn về làn sóng đầu tư FDI lần thứ tư kể từ sau Đổi mới, với kỳ vọng tạo ra sự thay đổi về chất, tạo động lực tăng trưởng bền vững.

Cụ thể, Việt Nam đã tổ chức và tiếp đón khoảng 50 đoàn ngoại giao cấp cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài trên những lĩnh vực tiên tiến như mạng 5G, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Đáng chú ý nhất là sự kiện Việt Nam tiếp đón thành công hai vị lãnh đạo từ hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới, với rất nhiều thỏa thuận hợp tác được ký kết. Duy trì và tăng cường hợp tác kinh tế với cả Mỹ và Trung Quốc khẳng định vị thế kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam, trong bối cảnh thế giới ngày càng phân mảnh vì cạnh tranh nước lớn.

“Câu chuyện được kỳ vọng hiện nay là làn sóng FDI mới có chất lượng cao hơn giống như 10 năm trước, khi các tỷ phú tìm đến Việt Nam thực hiện các dự án công nghệ cao”, GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, bình luận trên Kinh tế và dự báo.

Tuy nhiên, công tác thu hút FDI giai đoạn tới có thể chịu những tác động tiêu cực và không đạt được như kỳ vọng nếu không lường trước và đề phòng những “cơn gió ngược”, đặc biệt trong bối cảnh năm 2024 khi các nền tảng phục hồi kinh tế toàn cầu chưa vững chắc, nguy cơ đảo chiều chính sách đầu tư, đối ngoại sau những cuộc bầu cử trên thế giới.

Bên cạnh đó, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu có thể làm giảm tính cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh, gây ra sự khó khăn trong công tác thu hút và giữ chân các nhà đầu tư lớn.

Điều này đòi hỏi nỗ lực tiếp tục kiện toàn các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để tạo lợi thế cạnh tranh thực chất cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai hoạt động, thay vì những ưu đãi thu hút đầu tư ở giai đoạn ban đầu, sớm không còn quá sức hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư quốc tế.