Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp là chìa khoá thành công
Toạ đàm “Ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp sản xuất, nông nghiệp hữu cơ” nằm trong khuôn khổ “Tuần lễ kết nối, giới thiệu sản phẩm ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo” diễn ra sáng 16/11 tại Hà Nội.Chia sẻ về quá trình chuyển đổi số của Rạng Đông, ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho biết: Rạng Đông đã tìm thấy chìa khoá quan trọng nhất của chuyển đổi số là thông minh hoá, nhờ ứng dụng Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo mà công ty đã chuyển đổi phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường.Để có được những kết quả như hiện nay, ông Nguyễn Đoàn Kết nhấn mạnh, Rạng Đông đã dành 15% lợi nhuận sau thuế cho nghiên cứu và phát triển R&D, 7% lợi nhuận để thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm. Công ty đã thành lập 4 Trung tâm nghiên cứu và phát triển để tiếp nhận chuyển giao nguồn tri thức từ bên ngoài đưa vào sản xuất, giải quyết các vấn đề liên ngành, xuyên ngành. Cùng với đó công ty đã ký nhiều thoả thuận hợp tác với các Viện nghiên cứu, trường đại học và các đối tác khoa học khác, phát huy tối đa sáng tạo của người lao động,… Nhờ đó, Rạng Đông đã trở thành top 50 doanh nghiệp có lợi nhuận xuất sắc năm 2023, top 10 doanh nghiệp công nghệ xuất sắc nhất Việt Nam năm 2023, được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ,…
Sự đổi mới đã chứng tỏ sức mạnh biến đổiTheo ông Aellan Choo, Phó Chủ tịch Tập đoàn ABF Enterprise Pte Ltd, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã thành công trong việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp nói chung và nông nghiệp hữu cơ nói riêng, vì thế ông hi vọng những công nghệ Tập đoàn ABF Enterprise Pte Ltd mang đến sẽ nhận được sự chào đón tại Việt Nam và giúp nền nông nghiệp Việt Nam sẽ bước lên một tầm cao mới.
Trong đại dịch Covid-19, các công nghệ như Zoom đã hỗ trợ các cuộc họp trực tuyến khi không thể tương tác trực tiếp. Các công cụ AI như ChatGPT đã trở nên không thể thiếu trong việc giao tiếp và giải quyết vấn đề trong vô số ngành công nghiệp. Những đổi mới này đã chứng minh rằng công nghệ có thể là động lực mạnh mẽ tạo ra sự thay đổi tích cực, ngay cả ở những thị trường lâu đời. Các công cụ AI cũng đã giúp giảm chi phí và loại bỏ lỗi của con người, giúp cải thiện độ chính xác và năng suất. Điều này đặc biệt có lợi cho các doanh nghiệp cần duy trì tính cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay.Vì vậy, ông Aellan Choo hy vọng những công nghệ mới của công ty sẽ được thị trường Việt Nam đón nhận và đáp ứng nhu cầu của người dân trong sản xuất nông nghiệp nói chung và Nông nghiệp Hữu cơ nói riêng.
Còn theo chuyên gia marketing Bùi Quý Phong, vấn đề cốt lõi để các doanh nghiệp sản xuất, nông nghiệp hữu cơ cần làm để bán được sản phẩm là phải xây dựng được thương hiệu. Nếu không có thương hiệu thì rất khó để bán được giá cao hay xuất khẩu bởi người tiêu dùng có quá nhiều sự lựa chọn và ít thời gian, tính cạnh tranh trên thị trường hiện nay các sản phẩm đều có tính năng chất lượng tương tự nhau,… Vì vậy, chuyên gia khẳng định, thương hiệu chính là dấu ấn khẳng định quyền sở hữu và danh tính của 1 đơn vị, doanh nghiệp hay tổ chức, cá nhân.