Công ty tài chính Mirae Asset huy động 800 tỷ đồng trái phiếu
Đây là lô trái phiếu “ba không” gồm không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo.Công ty tài chính Mirae Asset Việt Nam (MAFC) vừa thông báo đã hoàn tất phát hành lô trái phiếu MFFCH2333001 vào ngày 22/12/2023. Tổng số lượng trái phiếu phát hành là 8.000 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, tổng giá trị 800 tỷ đồng và kỳ hạn 10 năm.Đây là lô trái phiếu “ba không” gồm không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Trong 5 năm đầu kể từ ngày phát hành lô trái phiếu chịu lãi suất 11,5% và 5 năm còn lại đến khi đáo hạn là 13,5%.Trước đó, hồi tháng 10, MAFC vừa được Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam chấp thuận tăng vốn điều lệ của công ty từ 1.500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng.MAFC mở rộng hoạt động trong bối cảnh thị trường tài chính tiêu dùng gặp nhiều khó khăn.Từng được đánh giá là thị trường “tỷ đô” có nhiều tiềm năng khi cung cấp cho người tiêu dùng khả năng tiếp cận tín dụng đơn giản, nhanh chóng, đa mục đích tuy nhiên sau giai đoạn dịch Covid-19, thị trường này đang lao dốc không phanh.Báo cáo kết quả kinh doanh của các công ty tài chính nửa đầu năm 2023 cho thấy một bức tranh không mấy sáng sủa khi nợ xấu tăng nhanh, phải thu hẹp quy mô hoạt động, cắt giảm nhân sự, thậm chí thua lỗ nặng.FE Credit, công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất thị trường ghi nhận lỗ ròng gần 3.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Trước đó, năm 2022, công ty cũng ghi nhận lỗ ròng hơn 2.300 tỷ đồng.Nguyên nhân thua lỗ của FE Credit do tình hình kinh tế khó khăn và quá trình phục hồi sau dịch Covid-19 chậm hơn nhiều so với dự kiến đã ảnh hưởng lớn tới tài chính của các cá nhân có thu nhập thấp, những người vốn là khách hàng chính của FE Credit. Tương tự, Công ty tài chính Tín Việt (VietCredit) cũng lỗ 73,6 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023.Một số công ty tài chính khác ghi nhận lợi nhuận sụt giảm mạnh. MCredit báo lãi sau thuế 6 tháng năm 2023 đạt 328 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2022. HD Saison thì báo lãi 314 tỷ đồng, bằng một nửa so với con số 6 tháng đầu năm 2022.Ngân hàng Nhà nước mới đây cho biết, dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đang sụt giảm mạnh, khoảng 40% so với cuối năm ngoái.Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ cho vay của khối này chỉ đạt hơn 134.000 tỷ đồng. Tuy nhiên nợ xấu vay tiêu dùng tăng tới 15%, khiến các công ty tài chính không dám cho vay ra.Đơn cử, số dư nợ xấu của VietCredit đã tăng từ 525 tỷ đồng cuối năm ngoái lên 868 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2023, tỷ lệ nợ xấu nhảy vọt từ 11,88% lên 20,45%.Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, hiện các công ty tài chính gặp rất nhiều khó khăn, nợ xấu tiêu dùng ngày càng tăng cao, ngoài những yếu tố khách quan tác động thì còn có những yếu tố chủ quan, đó là tình trạng khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau “bùng nợ”.Theo đó, một số đối tượng lợi dụng việc cơ quan quản lý trấn áp tội phạm “tín dụng đen” đã quy kết các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép là tổ chức “tín dụng đen” nên cố tình không trả nợ và thành lập hội “bùng nợ” trên mạng xã hội như zalo, facebook…. mà chưa có chế tài xử lý.