"Cha đẻ" ChatGPT sắp được định giá 100 tỷ USD

Theo Nam Trần

Thứ tư, 4/9/2024 - 17:16 (GMT+7)

OpenAI - "cha đẻ" của ChatGPT, đang đàm phán vòng gọi vốn mới, có thể đưa định giá công ty lên trên 100 tỷ USD trong thời gian tới.

Open AI đang kêu gọi các khoản đầu tư hàng tỷ USD (Ảnh: CNBC) Open AI đang kêu gọi các khoản đầu tư hàng tỷ USD (Ảnh: CNBC)
OpenAI của Sam Altman đang đàm phán để huy động hàng tỷ USD trong một vòng gọi vốn mới. Theo đó, định giá của công ty này dự kiến sẽ đạt trên 100 tỷ USD, theo Wall Street Journal.

Theo nguồn tin của tờ báo, công ty đầu tư mạo hiểm Thrive Capital đang dẫn đầu vòng gọi vốn và sẽ đầu tư khoảng 1 tỷ USD. Microsoft cũng dự kiến sẽ tiếp tục tham gia vào, sau khi đã đầu tư khoảng 13 tỷ USD vào OpenAI trong vài năm qua.

Nếu thành công, vòng gọi vốn mới này sẽ là lần bơm vốn lớn nhất từ bên ngoài vào OpenAI kể từ khi Microsoft đầu tư khoảng 10 tỷ USD vào tháng 1 năm 2023.

BigTech vẫn chạy đua AI

Mặc dù âm thầm hơn các đối thủ như Google hay Amazon, nhưng trọng tâm đầu tư của Microsoft cũng rất cô đọng, báo hiệu một cuộc “đua vũ trang” đang diễn ra ở Thung lũng Silicon xung quanh AI.

Bất chấp những lo ngại gần đây của giới đầu tư, AI vẫn được các BigTech chú ý, với tham vọng xây dựng các hệ thống AI tiên tiến nhất nhằm dẫn đầu trong một ngành công nghiệp mà nhiều người cho rằng sẽ cách mạng hóa nền kinh tế.

OpenAI được định giá 86 tỷ USD vốn hóa vào cuối năm 2023, thời điểm mà nhiều nhân viên bán cổ phiếu hiện có. Bên cạnh Thrive Capital và Microsoft, WSJ cho biết hiện chưa rõ các nhà đầu tư khác đang tham gia vào vòng gọi vốn mới này là ai.

Cạnh tranh trong lĩnh vực AI vẫn đang rất khốc liệt. Google cung cấp sản phẩm AI riêng và cùng với Amazon, đã rót 6 tỷ USD vào Anthropic, một đối thủ cạnh tranh do các cựu giám đốc của OpenAI thành lập. Meta Platforms của Mark Zukerberg đã phát triển mô hình AI riêng và phát hành miễn phí, đồng thời tích hợp vào các ứng dụng của mình, bao gồm Facebook và Instagram.

Dù vậy, ChatGPT vẫn là cái tên giữ vị trí dẫn đầu thị trường và có hàng trăm triệu người dùng hàng tháng, cũng như nằm trong số ít các ứng dụng AI có khả năng sinh lời tại thời điểm hiện tại.

Việc duy trì vị trí dẫn đầu đó sẽ đòi hỏi OpenAI phải chi hàng tỷ USD khác để duy trì nghiên cứu tiên tiến và tiếp tục phát triển các sản phẩm có thể hiểu ngôn ngữ tự nhiên và tạo ra văn bản, hình ảnh và video phức tạp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng.

Tham vọng cột mốc giá 100 tỷ USD

Mặc dù chi tiết của thương vụ chưa được xác định khiến định giá mới của OpenAI vẫn còn mù mờ, trong những tuần gần đây, một số cổ đông hiện tại của OpenAI được cho đã đàm phán để bán cổ phiếu của họ với mức giá có thể đưa định giá công ty cán mốc 103 tỷ USD, theo các tài liệu được Wall Street Journal xem xét.

"Cha đẻ" của ứng dụng ChatGPT có mối quan hệ đầu tư mật thiết với tập đoàn Microsoft (Ảnh: Adweek) "Cha đẻ" của ứng dụng ChatGPT có mối quan hệ đầu tư mật thiết với tập đoàn Microsoft (Ảnh: Adweek)
Huy động một lượng lớn vốn là điều then chốt cho mục tiêu của nhà sáng lập Sam Altman nhằm tạo ra AI tạo sinh, mà công ty định nghĩa là các hệ thống tự động có thể vượt trội con người trong hầu hết các nhiệm vụ có giá trị kinh tế.

Những bước nhảy vọt về công nghệ như vậy đòi hỏi khối lượng dữ liệu khổng lồ được xử lý trong các kho siêu máy tính được trang bị các chip đắt đỏ, tiêu tốn nhiều năng lượng. OpenAI đã chi hơn 100 triệu USD để xây dựng GPT-4, mô hình AI mạnh nhất của mình cho đến nay. Hiện tại công ty đang làm việc trên mô hình tiếp theo, dự kiến sẽ tốn kém hơn.

Những người ủng hộ đang đặt cược rằng AI sẽ làm thay đổi cách con người và các công ty làm việc và sáng tạo. Tuy nhiên, hiện tại, AI là một lĩnh vực kinh doanh mang tính đầu cơ, không tạo ra doanh thu đáng kể so với số tiền mà các nhà đầu tư và các công ty công nghệ đang đổ vào nó. Đầu năm nay, doanh thu của OpenAI được ước tính là 3,4 tỷ USD trong một năm.

Microsoft vẫn gây ảnh hưởng lớn

Có một điểm khác biệt về mặt đầu tư, đó là các nhà đầu tư về mặt kỹ thuật không sở hữu cổ phần trong OpenAI, vốn là một tổ chức phi lợi nhuận. Thay vào đó, họ đầu tư tiền vào một công ty con vì lợi nhuận và có quyền nhận phần lợi nhuận của thực thể đó.

Hiện tại, Microsoft nắm giữ 49% cổ phần của OpenAI sau khi rót 13 tỷ USD vào startup này kể từ năm 2019. Một phần trong số tiền đó đã được trả lại cho Microsoft, vì OpenAI đã sử dụng công nghệ của mình trên nền tảng đám mây Azure của gã khổng lồ công nghệ này.

Việc Microsoft có khả năng tiếp tục đầu tư vào OpenAI cho thấy mối quan hệ của họ vẫn quan trọng đối với cả hai công ty, ngay cả khi cả hai ngày càng cạnh tranh với nhau và hình thành các mối quan hệ hợp tác mới.

Vào tháng 7, Microsoft đã từ bỏ vị trí là thành viên không có quyền biểu quyết trong hội đồng quản trị của OpenAI, một động thái được cho là để né tránh các cơ quan quản lý đang xem xét mối quan hệ của họ, theo WSJ. Gần đây, công ty cũng đã thêm OpenAI vào danh sách các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực AI và tìm kiếm trong một hồ sơ quy định.

Đầu năm nay, Microsoft đã thuê Giám đốc điều hành và phần lớn đội ngũ tại Inflection AI, một đối thủ cạnh tranh của OpenAI, để phát triển các công cụ AI cho người tiêu dùng. Trong khi đó, OpenAI đang hợp tác với Apple để cung cấp các tính năng AI mới cho thế hệ iPhone tiếp theo của họ.

Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh Nghiệp, 

https://diendandoanhnghiep.vn/cha-de-chatgpt-sap-duoc-dinh-gia-100-ty-usd-10141202.html