“Cái giá phải trả” khi quy hoạch đô thị thiếu đi dự báo về thiên tai và biến đổi khí hậu
Nhìn vào những hậu quả nặng nề mà các thành phố phải chịu do thiên tai cực đoan thời gian qua, có thể thấy thách thức biến đổi khí hậu đã cận kề sự sống còn của đô thị, buộc quy hoạch và kiến trúc đô thị phải có những sự thay đổi để thích ứng và phát triển bền vững.Chỉ trong tháng 9/2024, bão số 3 (Yagi) và bão số 4 đổ bộ đã gây ra những thiệt hại lớn về người và của cho các tỉnh thành trải dài từ miền núi phía Bắc đến Trung Bộ. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 27/9, đã có 334 người chết, mất tích (318 người chết, 26 người mất tích), 1.976 người bị thương do bão số 3 và ảnh hưởng của hoàn lưu bão. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính sơ bộ trên 81 nghìn tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 của nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai... có thể giảm trên 0,5%.
Khu vực miền Trung cũng ghi nhận hàng nghìn điểm sạt lở, bị chia cắt do bão số 4 và hoàn lưu bão trong 3 ngày từ 19/9 - 23/9. Tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, hàng nghìn hộ dân đã phải sơ tán, di dời nhà cửa để tránh lũ quét. Thiệt hại do bão ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống kinh tế, xã hội và phải mất rất nhiều thời gian để khắc phục.Từ những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long, Cẩm Phả cho đến những đô thị miền núi và ven sông Hồng như Lào Cai, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Sơn La, Thái Nguyên, không một nơi nào thoát khỏi “bàn tay tử thần” của siêu bão, và cũng khó lòng để khẳng định cư dân đô thị được an toàn tuyệt đối. Bởi ngay tại thủ đô, dân cư sống trong những căn chung cư cao cấp cũng phải lo lắng liệu tấm kính lớn có bị gió thổi bung, cũng phải tìm đủ cách ngăn nước vào nhà. Tại Hạ Long, thành phố du lịch hiện đại bậc nhất, có tòa nhà biến thành “sắt vụn” chỉ trong chớp mắt, khi mà gió thổi bay những tấm kính cường lực, chỉ còn trơ lại khung sắt.Cùng chịu ảnh hưởng của thiên tai như một yếu tố khách quan, nhưng so với các hình thái khác, đô thị là một sự lựa chọn tốt hơn, vì nó đã là nơi quy tụ nguồn lực và phản ánh những gì tốt đẹp nhất trong sự phát triển của xã hội tại thời điểm hiện tại.
Bởi vậy, trước thách thức biến đổi khí hậu và thiên tai cực đoan, rõ ràng đô thị phải đi trước một bước để giải quyết bài toán và tìm ra con đường phát triển bền vững cho chính mình. Chia sẻ với Reatimes về câu chuyện phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, KTS. Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định, cần tiến hành nhiều giải pháp đa ngành để tăng khả năng chống chịu và ứng phó của đô thị trước thiên tai.Nhìn lại những lỗ hổng trong quy hoạch và kiến trúc đô thị sau cơn bão YagiPV: Sau cơn bão số 3 và số 4, có thể thấy quy hoạch và kiến trúc đô thị đang lộ ra những yếu điểm nào trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan, thưa ông?KTS. Phạm Thanh Tùng: Cơn bão số 3 đi qua, chúng ta có thể nhìn lại và nhìn thấy nhiều lỗ hổng dần bộc lộ trong công tác quy hoạch đô thị. Do quá trình đô thị hóa quá nhanh, đôi khi còn nóng vội, quy hoạch đô thị đã thiếu đi dự báo về thiên tai và biến đổi khí hậu. Chúng ta mới chỉ dự báo về vấn đề phát triển nguồn lực, con người, dân số tăng, phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại mà chưa thực sự tính được vấn đề biến đổi khí hậu.Kiến trúc đô thị cũng bộc lộ các điểm yếu: thứ nhất là cây đổ, thứ hai là các công trình bị phá hoại, sức chống chịu kém, thứ ba là ngập úng cục bộ. Nhiều tòa nhà cao tầng có mặt dựng bằng kính bị phá hỏng, kính rơi vỡ hàng loạt hay nhiều khu chung cư bị dột nước, gió giật vào nhà cho thấy việc quản lý chất lượng công trình còn nhiều hạn chế. Cùng với đó, việc các công trình dân dụng, thậm chí có nhiều công trình hàng nghìn tỷ cũng bị phá hỏng cho thấy tiêu chuẩn xây dựng nhà và công trình còn chung chung, chưa cụ thể hóa với những khu vực đặc thù phải chịu nhiều nguy cơ về thiên tai.
Bão Yagi cũng buộc các nhà quy hoạch phải nhìn nhận lại về giải pháp thích ứng với định hướng phát triển đô thị hai bên bờ sông Hồng. Trước đây chúng ta cho rằng nước sông Hồng không dâng cao, nhưng trên thực tế, nước sông Hồng đã có thể dâng lên sát cầu Long Biên, khu vực ven sông Hồng ngập toàn bộ, tác động rất sâu sắc tới đời sống của nhân dân.Một điều nữa, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão gây mưa lớn, các đô thị miền núi ngập lụt nặng nề, ngập trong nhiều ngày liên tiếp cùng với sạt lở tại hàng nghìn điểm, vùi lấp nhà cửa, gây thiệt hại về cả người và của. Tức là khi làm quy hoạch dân cư tại các đô thị miền núi, chúng ta chưa lập bản đồ chống chịu thiên tai ở từng khu vực. Cần phải có bản đồ cảnh báo thiên tai làm cơ sở quy hoạch, chứ không phải cứ có dòng suối chảy qua là dựng nhà ở đó. Tư duy tựa sơn hướng thủy cũng cần được xem xét lại.
“Đô thị là tổ ấm của xã hội, không ai muốn cứ bão đến là tổ ấm ấy tan hoang”PV: Theo Kiến trúc sư, trước những nguy cơ về thiên tai trong thời gian tới, quy hoạch và kiến trúc đô thị cần có những cải tiến gì để thích ứng?KTS. Phạm Thanh Tùng: Trước tiên, các đô thị cần tính toán kỹ đến hệ thống tiêu thoát và xử lý nước để đảm bảo an ninh nước sạch, nhất là các thành phố và khu vực ven sông Hồng. Tại nước ngoài, nhiều thành phố lớn cho xây dựng hầm chứa nước với chức năng kép: Khi có mưa lớn, lũ lụt thì nó là hầm chứa nước, trong điều kiện bình thường thì là một phần của hệ thống giao thông để tránh ngập úng, ngập cục bộ. Nhiều nơi cũng ứng dụng đập dâng hoặc hệ thống chứa nước để giữ nước, tận dụng chính nguồn nước sinh ra do mưa lớn, lũ lụt để xử lý thành nước sạch cho người dân sử dụng.
Thứ hai là vấn đề thiết kế công trình và quản lý chất lượng xây dựng. Các kiến trúc sư cần phải có tư duy thích ứng biến đổi khí hậu khi thiết kế công trình, không phải cứ chạy theo cái đẹp mà ứng dụng những thứ không phù hợp với khí hậu, địa hình, điều kiện thời tiết của Việt Nam. Ứng dụng kính trong xây dựng công trình tại đô thị là một ví dụ điển hình. Các tòa nhà dân cư không nhất thiết phải có mặt dựng toàn là kính hoặc lắp những tấm kính lớn, khi mà liên kết cấu kiện không đảm bảo. Tiêu chuẩn xây dựng tại đô thị cũng cần được nghiên cứu một cách cụ thể và đặt ra những tiêu chuẩn có tính đặc thù cho công trình trong khu vực có nguy cơ cao về thiên tai như khu vực ven biển, miền núi.PV: Bản chất của đô thị thích ứng biến đổi khí hậu là gì, thưa ông?KTS. Phạm Thanh Tùng: Biến đổi khí hậu không phải câu chuyện mới. Trong 20 năm trở lại đây, thích ứng với biến đổi khí hậu đã trở thành phương châm định hướng không chỉ cho việc phát triển kinh tế mà đặc biệt cho vấn đề quy hoạch xây dựng.Đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu về bản chất là đô thị phát triển theo hướng bền vững, mà để bền vững được thì cần phải đáp ứng nhiều tiêu chí. Thứ nhất là trong quy hoạch phát triển đô thị cần phải có kịch bản để thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều này là rất quan trọng, không chỉ bởi vì biến đổi khí hậu đã trở thành vấn đề toàn cầu, có sức ảnh hưởng sâu rộng và diễn biến khó lường, mà còn bởi vì chúng ta đã đặt ra nhiều cam kết và mục tiêu phát triển bền vững, tiêu biểu là mục tiêu đạt net zero (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26 (2023). Trong việc thực hiện những cam kết và mục tiêu này, đô thị có vai trò định hình và có tầm quan trọng rất lớn.PV: Theo ông, đâu là chiến lược lâu dài để phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu?KTS. Phạm Thanh Tùng: Xây dựng đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ đa ngành, không chỉ của riêng ngành quy hoạch xây dựng mà còn liên quan đến các lĩnh vực thủy lợi, quản lý tài nguyên môi trường,... Cơn bão số 3 cho chúng ta thấy quy hoạch không thể duy ý chí và không được phép duy ý chí. Quy hoạch đô thị, đặc biệt là đô thị ven sông cần phải thuận tự nhiên, thích ứng với nước lên thì cũng phải nghĩ cách giữ nước khi nước xuống.Điều quan trọng là cần lập bản đồ dự báo thiên tai làm cơ sở quy hoạch và nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc lập và quản lý thực hiện quy hoạch đô thị. Một ngôi nhà là tổ ấm riêng của gia đình, còn đô thị là tổ ấm chung của toàn xã hội, không ai muốn cứ bão gió là tổ ấm ấy tan hoang. Do đó, cần tích hợp nhiều biện pháp, nhiều nguồn lực để sự hình thành và phát triển của đô thị vừa an toàn cho con người vừa an toàn cho môi trường tự nhiên./.- Xin cảm ơn ông!