Khó khăn trong số hóa dữ liệu đất đai

Theo Nhật Hạ

Thứ ba, 23/7/2024 - 9:20 (GMT+7)

Việt Nam đang đạt được tiến bộ đáng kể trong quá trình số hóa dữ liệu đất đai, nhưng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn cần giải quyết trước năm 2025, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Đặng Quốc Khánh.

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số tổ chức hôm qua do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết hiện tất cả tỉnh, thành phố đang xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai.

Đến nay, 455/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành cơ sở dữ liệu địa chính với hơn 46 triệu thửa đất. Tất cả 705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai từ kỳ kiểm kê 2019 và 300/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành cơ sở dữ liệu giá đất.

Đáng chú ý, việc kết nối và chia sẻ dữ liệu đất đai đã được triển khai hiệu quả. Tất cả 63 tỉnh, thành phố đã kết nối và chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại 461/705 đơn vị cấp huyện và 6.198/10.599 đơn vị cấp xã.

Dịch vụ công trực tuyến về đất đai đã được triển khai trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tập trung của Bộ Tài nguyên và môi trường, Cổng Dịch vụ công quốc gia và tích hợp với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, các khó khăn về nguồn lực và hạ tầng đang làm chậm tiến độ của dự án này.

Ông Khánh chỉ ra rằng sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư nguồn lực tại các địa phương còn hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Hồ sơ, tài liệu đất đai được hình thành qua nhiều giai đoạn khác nhau, thông tin dữ liệu không thống nhất, rất lớn và phức tạp.

Ngoài ra, trình độ chuyên môn, kỹ thuật của cán bộ xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai ở trung ương và địa phương còn hạn chế. Trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin và công tác bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin chưa đáp ứng yêu cầu.

Tiến độ triển khai các dịch vụ công trực tuyến phụ thuộc nhiều vào sự quyết tâm của các địa phương. Quy trình giải quyết thủ tục hành chính về đất đai phức tạp, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện ở mức độ toàn trình.

Theo báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) mới nhất, đất đai là lĩnh vực duy nhất ghi nhận ngày càng nhiều doanh nghiệp phản ánh về thủ tục hành chính phiền hà.

Để vượt qua những thách thức này, ông Khánh đã đề xuất tập trung chỉ đạo, xây dựng kế hoạch khả thi, phù hợp với điều kiện từng địa phương; rà soát, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; kết nối, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành.

Đồng thời,tiếp tục rà soát, tái cấu trúc quy trình, nghiệp vụ thủ tục hành chính đất đai để đơn giản hóa và dễ tiếp cận hơn cho người dân và doanh nghiệp; tăng cường đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai.

Ngoài ra, cần bố trí đủ kinh phí từ ngân sách địa phương cho việc đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai trong giai đoạn hiện nay.

Sau năm 2025, Việt Nam sẽ tiếp tục số hóa, xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu tại các khu vực chưa thực hiện, cập nhật và chỉnh lý dữ liệu đã cũ, lạc hậu.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai sẽ được triệt để vận hành trong công tác thường xuyên, kết nối và chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia, các bộ ngành và địa phương để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo "đúng, đủ, sạch, sống".

Theo Tạp chí Nhà Quản trị

(https://theleader.vn/kho-khan-trong-so-hoa-du-lieu-dat-dai-1721388113849.htm)