Việt Nam tăng 15 bậc chỉ số Chính phủ điện tử

Theo Hà An

Thứ bảy, 21/9/2024 - 9:47 (GMT+7)

Theo bảng xếp hạng chỉ số Chính phủ điện tử (EGDI), Việt Nam tăng 15 bậc so với báo cáo năm 2022 và tiệm cận mục tiêu top 50 vào năm 2025.

Liên Hợp Quốc vừa phát hành báo cáo Khảo sát Chính phủ điện tử 2024, phác họa toàn cảnh công cuộc theo đuổi chính phủ số của các nước trên khắp thế giới.

Việt Nam xếp thứ 71 trên tổng số 193 quốc gia về chỉ số Chính phủ điện tử. Ảnh: Internet Việt Nam xếp thứ 71 trên tổng số 193 quốc gia về chỉ số Chính phủ điện tử. Ảnh: Internet

Theo báo cáo, Việt Nam xếp hạng 71/193 quốc gia với 0,7709 điểm (tăng 15 bậc so với năm 2022 và 2020). Trước đó, trong hai lần đánh giá, Việt Nam đều duy trì thứ hạng 86.

Tính riêng trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam tăng 1 bậc lên đứng vị trí 5/11 quốc gia.

Châu Âu tiếp tục dẫn đầu về phát triển Chính phủ điện tử, tiếp theo là châu Á, châu Mỹ, châu Đại Dương và châu Phi, dựa trên Chỉ số Phát triển Chính phủ Điện tử (EGDI) của Liên Hợp Quốc. Dù tất cả các khu vực đã đạt được tiến bộ đáng kể trong những năm gần đây, tốc độ phát triển không đồng đều và tồn tại chênh lệch giữa các khu vực.

Các chỉ số phụ như OIS (chỉ số dịch vụ công TT), TII (chỉ số hạ tầng viễn thông), HCI (chỉ số vốn con người), EPI (chỉ số tham gia kỹ thuật số) đều tăng so với hai năm trước.

Theo Liên Hợp Quốc, tăng hạng của Việt Nam là nhờ tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, mở rộng kết nối Internet và triển khai mạnh mẽ khuôn khổ chính phủ số. Những khoản đầu tư quan trọng của Việt Nam trong các dịch vụ công kỹ thuật số được phản ánh ở vị trí EGDI được cải thiện.

Với vị trí vừa đạt được, Việt Nam cũng tiệm cận được mục tiêu đến năm 2025 lọt vào top 50; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 80%; số lượng giao dịch qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đạt 860 triệu giao dịch; tỷ lệ cung cấp dữ liệu mở của các cơ quan nhà nước đạt 100%.

Theo Tạp chí Điện Tử Tự Động Hóa Ngày nay