Vai trò và ứng dụng của AI trong tự động hoá sản xuất

Theo Vnautomate.net

Thứ hai, 22/1/2024 - 8:35 (GMT+7)

Ngày 20/1/2024 tại TP. Hồ Chí Minh, Hội Tự động hóa TP. Hồ Chí Minh (HAuA) đã phối hợp với Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện TP. Hồ Chí Minh (HAMEE) và Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Doanh nghiệp Thành phố (CSED) tổ chức chương trình CafeTech với chủ đề: “Ứng dụng AI trong tự động hoá sản xuất”.

Hiện nay, trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) đang có ứng dụng rộng rãi trong ngành sản xuất, giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, tăng cường hiệu suất và giảm thiểu lỗi sản phẩm. AI là chìa khóa cho sự phát triển và thành công trong tương lai của ngành sản xuất. Các trường hợp sử dụng AI quan trọng nhất trong ngành sản xuất là máy móc thông minh, tự tối ưu hóa để tự động hóa quy trình sản xuất; dự báo tổn thất hiệu quả để lập kế hoạch tốt hơn; phát hiện các khuyết tật về chất lượng để tạo điều kiện cho việc dự đoán bảo trì. Sử dụng AI trong các công ty công nghiệp cho phép họ cách mạng hóa hoàn toàn hoạt động của mình. AI tiếp tục là một trong những lĩnh vực đang nổi lên cho tất cả các ngành công nghiệp, có mặt ở khắp mọi nơi. Sự ra đời của AI là điều tất yếu và cần thiết trong thời đại công nghệ số hiện nay.

PGS.TS Lê Hoài Quốc – Chủ tịch Hội Tự động hoá Thành phố Hồ Chí Minh (HAuA) phát biểu tại chương trình CafeTech với chủ đề: “Ứng dụng AI trong tự động hoá sản xuất”. Ảnh: Đạm Lê Quang.

Tự động hóa là quá trình ứng dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật hay hệ thống các công nghệ tiên tiến để thay thế các nhiệm vụ hoặc quy trình được thực hiện thủ công bởi con người. Mục tiêu của tự động hóa là tăng cường hiệu suất và chất lượng cao hơn trong quá trình thực hiện các tác vụ, giảm bớt gánh nặng lao động cho con người, giảm lỗi và tối ưu hóa sự linh hoạt trong các hoạt động công việc. Do vậy, AI và tự động hóa được kỳ vọng sẽ tạo ra những biến đổi mang tính cách mạng trong hoạt động sản xuất của con người.

PGS.TS Lê Hoài Quốc – Chủ tịch Hội Tự động hoá Thành phố Hồ Chí Minh (HAuA) chia sẻ: “AI được tạo ra để phục vụ cho cuộc sống của con người. Ở chiều ngược lại, chính nhu cầu thực tiễn của đời sống là động lực lớn nhất để AI phát triển. Khi doanh nghiệp ứng dụng AI vào sản xuất phải biết rõ nên ứng dụng công cụ gì, vào thời điểm nào, cũng như mức độ phù hợp của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ AI trong lĩnh vực sản xuất là doanh nghiệp đã tiến gần hơn với cách mạng công nghiệp 4.0, là đòn bẩy để chuyển mình và phát triển mạnh mẽ”.

Ông Ngô Thái Vinh Nguyên – Chuyên viên kinh doanh cấp cao Bosch Rexroth Việt Nam chia sẻ thông tin tại chương trình CafeTech với chủ đề: “Ứng dụng AI trong tự động hoá sản xuất”. Ảnh: Đạm Lê Quang.

“AI đóng vai trò quan trọng trong ngành tự động hóa nhà máy, mang lại nhiều lợi ích và cải tiến hiệu suất sản xuất. Đồng thời, AI có thể được sử dụng để tự động hóa các quy trình sản xuất trong nhà máy, từ quy trình gia công đơn giản đến quy trình phức tạp như robot công nghiệp hoặc hệ thống tự động hoá toàn bộ dây chuyền sản xuất”, ông Ngô Thái Vinh Nguyên – Chuyên viên kinh doanh cấp cao Bosch Rexroth Việt Nam chia sẻ.

Dưới góc nhìn của lãnh đạo một doanh nghiệp công nghệ, TS Lương Quốc Việt – CEO Công ty TNHH Realtime Robotics Việt Nam nhấn manh: “AI hiện nay có sức lan tỏa mạnh mẽ với nhiều ứng dụng trong sản xuất của doanh nghiệp, cũng như mọi mặt đời sống, xã hội. AI mang đến khả năng tự động hóa mọi nhiệm vụ, giúp doanh nghiệp phân tích dữ liệu lớn, hiểu sâu hơn về các mô hình, xu hướng cũng như dự đoán tương lai. Từ các phân tích, hệ thống sẽ nêu những đề xuất nhằm giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định thông minh hơn. Hiện AI là công cụ đắc lực giúp các doanh nghiệp ứng dụng trong giám sát toàn bộ quy trình, phát hiện dây chuyền nào có hiệu suất chưa tốt để cải thiện hay điểm nào tối ưu nhân rộng ra các nhà máy còn lại, từ đó thúc đẩy tối đa năng suất”.

TS Lương Quốc Việt – CEO Công ty TNHH Realtime Robotics Việt Nam chia sẻ thông tin tại chương trình CafeTech với chủ đề: “Ứng dụng AI trong tự động hoá sản xuất”. Ảnh: Đạm Lê Quang.

“Thời gian tới AI sẽ không chỉ là công cụ hỗ trợ sản xuất mà còn đóng góp nhiều hơn vào chuỗi sản phẩm nhằm tối ưu tiện ích người dùng. AI giúp cá nhân hóa trải nghiệm, thay đổi thế giới công nghiệp lẫn nền kinh tế trong tương lai. Đồng thời, AI có thể sử dụng dữ liệu từ các thiết bị và cảm biến để dự đoán các lỗi hoặc sự cố tiềm ẩn trong hệ thống và đề xuất lịch trình bảo trì và sửa chữa phù hợp. Điều này giúp giảm thiểu thời gian lãng phí và tăng tính sẵn sàng của nhà máy sản xuất”, TS Phạm Việt Cường – Phó Trưởng Bộ môn Điều khiển Tự động Khoa Điện – Điện tử Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

TS Phạm Việt Cường – Phó Trưởng Bộ môn Điều khiển Tự động Khoa Điện – Điện tử Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ thông tin tại chương trình CafeTech với chủ đề: “Ứng dụng AI trong tự động hoá sản xuất”. Ảnh: Đạm Lê Quang.
Có thể khẳng định, AI đang là chủ chốt của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, là một công cụ quan trọng để tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí, giúp doanh nghiệp cạnh tranh mạnh mẽ trong thị trường sản xuất ngày càng cạnh tranh.

Tại Việt Nam, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, Việt Nam đạt được thành tựu đáng khích lệ, như đứng thứ 55 trên thế giới về chỉ số sẵn sàng về AI năm 2022, tăng 7 bậc so với 2021, theo báo cáo của Oxford Insights.

Ứng dụng AI trong tự động hoá sản xuất của doanh nghiệp đang là xu hướng tất yếu hiện nay, nhưng việc ứng dụng AI đòi hỏi đầu tư vào hạ tầng công nghệ và phát triển lao động có kiến thức về AI. Do đó, trong thời gian tới rất cần có các chính sách và quy định hỗ trợ để đảm bảo rằng việc áp dụng AI diễn ra một cách bền vững và có lợi cho toàn xã hội.

Theo Tạp chí Tự động hóa ngày nay

(https://vnautomate.net/vai-tro-va-ung-dung-cua-ai-trong-tu-dong-hoa-san-xuat.html)