Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia: Bệ phóng cho kỳ lân

Theo Theleader.vn

Thứ tư, 1/11/2023 - 8:38 (GMT+7)

Được khánh thành vào ngày 28/10 vừa qua, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cơ sở Hòa Lạc kỳ vọng trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực, hội tụ những yếu tố thiết yếu hỗ trợ doanh nghiệp thực hành đổi mới sáng tạo.

Toàn cảnh NIC Hòa Lạc. Ảnh: Hoàng Anh

“Hơn 90% startup Việt Nam là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, chỉ dựa trên nền tảng số hóa để phân phối sản phẩm, dịch vụ” là thông tin được các chuyên gia đưa ra tại chuỗi sự kiện khởi công Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đầu năm 2021.

Đầu tư cho đổi mới sáng tạo tại thời điểm đó cũng chỉ chiếm khoảng 0,44% GDP, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 2,3% của thế giới nên hoạt động đổi mới sáng tạo chưa tạo ra được chuyển biến thực sự tích cực cho nền kinh tế.

Đứng trước bài toán bắt buộc phải kiến tạo động lực tăng trưởng mới để thoát bẫy thu nhập trung bình và thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội, NIC chính thức khai sinh tại quyết định số 1269/QĐ-TTg năm 2019.

NIC cơ sở Hòa Lạc được khởi công vào ngày 9/1/2021, khánh thành vào ngày 28/10/2023 được kỳ vọng trở thành một mảnh ghép quan trọng góp phần hoàn thiện bức tranh đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Cơ chế ưu đãi đặc biệt

Ông Võ Xuân Hoài, Phó giám đốc NIC, cho biết, NIC là trung tâm đổi mới sáng tạo đầu tiên trên thế giới do nhà nước quản lý, phối hợp cùng khu vực tư nhân để xây dựng và phát triển.

Đây là điểm đặc biệt của NIC so với những trung tâm đổi mới sáng tạo trên thế giới. Theo ông Hoài, các trung tâm đổi mới sáng tạo thường được xây dựng ở những quốc gia phát triển, có bề dày nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, còn Việt Nam là một quốc gia đang phát triển nên hoạt động đổi mới sáng tạo rất cần vai trò dẫn dắt từ nhà nước.

Lễ cắt băng khánh thành NIC Hòa Lạc với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: Hoàng Anh

Thực hiện vai trò dẫn dắt này, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2020/NĐ-CP với những cơ chế, chính sách ưu đãi riêng cho NIC cũng như doanh nghiệp, đơn vị đổi mới sáng tạo hoạt động tại trung tâm này.

Cụ thể, tham gia hoạt động tại NIC, doanh nghiệp được Trung tâm hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính trong quá trình nghiên cứu, đầu tư, kinh doanh, thương mại hóa sản phẩm, dịch vụ, thực hiện các thủ tục về thị thực, giấy phép lao động, cư trú, quảng bá, xúc tiến đầu tư, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, được sử dụng văn phòng làm việc, phòng thí nghiệm và các tiện ích khác của Trung tâm.

Doanh nghiệp cũng sẽ được huy động, nhận tài trợ từ các chương trình tài trợ nghiên cứu của Chính phủ và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng

Bên cạnh đó, theo ông Hoài, cơ sở Hòa Lạc cũng như cơ sở Hà Nội (đặt tại phố Tôn Thất Thuyết) tạo ra môi trường, không gian hiện đại sáng tạo, tạo điều kiện giúp gắn kết doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và các quỹ đầu tư.

Liên kết chặt chẽ này đảm bảo tận dụng tối đa điểm mạnh của các chủ thể đóng góp vào việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ giải quyết các bài toán của nền kinh tế, xã hội.

Tạo bệ phóng cho kỳ lân, dọn tổ đón đại bàng

Ông Hoài cho biết, đã có rất nhiều đơn vị, tập đoàn lớn trên thế giới tiếp cận và bày tỏ mong muốn triển khai một số hoạt động tại NIC.

Tiêu biểu trong số đó phải kể đến Tập đoàn Samsung, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với kế hoạch xây dựng phòng thí nghiệm Samsung Innovation Lab tại NIC với mục đích góp phần đào tạo ra đội ngũ nhân tài công nghệ trẻ dẫn dắt công cuộc đổi mới sáng tạo cho Việt Nam.

Một ông lớn đến từ Hàn Quốc khác là Tập đoàn SK cũng đang phối hợp với NIC để xây dựng khu vực trải nghiệm các công nghệ mới. Ngoài ra, Google, Meta, SpaceX, Siemens cũng là những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ, đang và sẽ triển khai các hoạt động hợp tác, nghiên cứu phát triển (R&D), đào tạo nhân lực tại NIC cơ sở Hòa Lạc.

Sản phẩm công nghệ được Tập đoàn SK trưng bày tại NIC Hòa Lạc. Ảnh: Hoàng Anh

Sự tham gia của những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới được kỳ vọng sẽ tạo ra tác động lan tỏa tới những chủ thể khác trong hệ sinh thái NIC, bao gồm các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp.

Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có bốn “kỳ lân” về công nghệ nhưng NIC đang triển khai nhiều dự án phối hợp với các tập đoàn lớn trên thế giới với mục tiêu đến năm 2030 sẽ tạo ra 500 “kỳ lân” về công nghệ để dẫn dắt hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Nhóm “kỳ lân” này đóng vai thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, tiên tiến cũng như lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm, tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp, startup lớp sau cùng phát triển.

Qua đó, đổi mới sáng tạo không phải là một xu thế “sớm nở tối tàn” mà trở thành một “nét văn hóa” được triển khai một cách bền bỉ, thường xuyên, liên tục, góp phần kiến tạo những giá trị mới, đưa Việt Nam tiến lên một tầm cao mới.