Trợ lý tiếng Việt Kiki tăng trưởng thần tốc

Theo Theleader.vn

Thứ bảy, 7/10/2023 - 8:30 (GMT+7)

Đến nay, đã có gần 30 hãng màn hình thông minh tích hợp sẵn trợ lý giọng nói Kiki - người chơi tiên phong trong thị trường trợ lý ảo nội địa, khi lần đầu được công bố vào năm 2018.

Theo công bố của VNG, kể từ dấu ấn đầu tiên với 100.000 lượt cài đặt vào tháng 8/2022, đến nay, chỉ sau 1 năm, trợ lý tiếng Việt Kiki trên ô tô đã tăng trưởng 400%, chính thức cán mốc nửa triệu lượt cài đặt.

Phía VNG đánh giá, sự tăng trưởng bứt phá của Kiki là minh chứng cho sự đón nhận của người dùng Việt Nam với các ứng dụng thông minh trên xe hơi, đặc biệt là các sản phẩm xây dựng trên nền tảng trí tuệ nhân tạo như trợ lý Kiki.

Nếu tính trên tổng số ô tô đăng kiểm ở Việt Nam thời điểm hiện tại là khoảng 5 triệu chiếc, như vậy với 500.000 lượt cài đặt mới đây, Kiki đã có khoảng 10% thị phần trợ lý ảo trên xe hơi.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, có tới hơn 200.000 lượt truy vấn mỗi ngày sử dụng Kiki trên ô tô. Đây là điều đáng ghi nhận với trợ lý tiếng Việt do chính các kỹ sư Việt Nam tại Zalo AI phát triển.

Người dùng Võ Đăng Đoàn (34 tuổi, TP. HCM) cho biết, việc cầu toàn các tiện ích trên xe là điều mọi chủ xe đều mong muốn. Tính năng trợ lý thông minh trên xe gần như là yếu tố buộc phải có khi lựa chọn.

"Trợ lý giọng nói giúp tôi tập trung lái xe an toàn hơn, từ khi mua xe về tôi đã tìm hiểu và cài ngay trợ lý tiếng Việt Kiki để tiện sử dụng", anh Đoàn cho hay.

Đồng quan điểm, chị Linh (40 tuổi, Hà Nội) cho biết, việc hỏi trợ lý giọng nói đã trở thành thói quen hàng ngày của chị khi bước lên xe.

"Tôi sử dụng trợ lý Kiki trên xe thấy rất tiện. Trợ lý tiếng Việt nên hiểu cách giao tiếp của mình tốt. Mong Việt Nam sẽ có nhiều sản phẩm công nghệ hữu ích phục vụ chính người Việt", chị Linh chia sẻ.

Trợ lý tiếng Việt Kiki tăng trưởng thần tốc

Theo công ty nghiên cứu IndustryARC, thị trường trợ lý ảo thông minh được dự báo sẽ đạt 35,1 tỷ USD vào năm 2025, tăng trưởng hàng năm 30,8% từ năm 2020 đến 2025.

Trong đó, những ngành hưởng lợi từ sự phát triển của thị trường trợ lý ảo có thể kể đến như: bán lẻ, tài chính, ngân hàng, y tế và gần đây là xe hơi.

Xuất phát từ đòi hỏi của người dùng về những công nghệ hỗ trợ trên xe, các nhà sản xuất xe hơi và linh, phụ kiện liên tục trình làng các sản phẩm mới nhất, phù hợp với túi tiền và thị hiếu của người dùng.

Đơn cử, hồi tháng 4 năm nay, hợp tác giữa Công ty Dịch vụ và Hạ tầng ô tô Thành Công (TCMS) - Motrex Hàn Quốc và Zalo AI đã đưa trợ lý Kiki tích hợp sẵn vào hệ thống thông tin giải trí (IVI) trên những dòng xe Hàn Quốc tại thị trường Việt Nam.

Trong khi đó, các hãng sản xuất màn hình thông minh trên xe như Zestech, Gotech, Oled, Safeview, Bravigo,… cũng đã sớm tích hợp mặc định Kiki lên tất cả các dòng sản phẩm.

Đến nay, đã có gần 30 hãng màn hình thông minh tích hợp sẵn trợ lý giọng nói "Made in Việt Nam" này. Được biết, Kiki của VNG là người chơi tiên phong trong thị trường trợ lý ảo nội địa, khi lần đầu được công bố vào năm 2018.

Thế mạnh lớn nhất của trợ lý Kiki chính là khả năng xử lý tiếng Việt tốt, hiểu thói quen và văn hóa giao tiếp bản địa. Đây được xem là yếu tố cạnh tranh giúp Kiki ngày càng tăng thị phần và khẳng định dấu ấn của mình tại Việt Nam.

Khác với các trợ lý ngoại nhập xử lý giọng nói tiếng Việt có phần hạn chế, trợ lý Kiki không những có thể giao tiếp chuẩn tiếng Việt, thậm chí còn nghe hiểu tốt giọng nói theo từng vùng miền và đặc trưng ngôn ngữ từng địa phương.

Bên cạnh đó, sự hậu thuẫn về nền tảng công nghệ mạnh mẽ từ Zalo cũng là một yếu tố giúp trợ lý Kiki tiến xa và ghi dấu ấn trên thị trường công nghệ.

Nhìn vào con số 500.000 lượt cài đặt trong thời gian ngắn của Kiki, có thể nói, đây là minh chứng cho tiềm năng lớn của thị trường trợ lý thông minh trên xe.

Theo các chuyên gia, tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc của Kiki dự báo sẽ khiến nhiều đơn vị sản xuất xe và linh, phụ kiện phải nghiêm túc hơn trong cuộc đua "địa phương hóa" sản phẩm, tăng cường hàm lượng nội địa để phục vụ chính người Việt.