Xu hướng sử dụng năng lượng trên thế giới và Việt Nam, thực tế triển khai, chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch, tiềm năng thách thức trong sử dụng năng lượng tái tạo, các giải pháp để phát triển nguồn năng lượng trong thời gian tới… là những nội dung chính được bàn luận tại Diễn đàn “Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam” được tổ chức sáng 12/10 tại Hà Nội.Ông Đỗ Tiến Sỹ – Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam cho biết: Năm 2023 được xem là thời điểm quan trọng trong tiến trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng của Việt Nam, chuyển đổi xanh trong lĩnh vực năng lượng đang dần trở thành xu hướng chủ đạo, là một trong những ưu tiên và nhu cầu hàng đầu hiện nay. Việt Nam thuộc danh sách các nước có tiềm năng lớn để đầu tư thêm các nguồn năng lượng tái tạo mới như: điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện sóng biển và khí sinh học Biogas, bên cạnh các nguồn năng lượng sẵn có như: điện khí tự nhiên hóa lỏng, thủy điện và điện than.Để tận dụng được hết tiềm năng vốn có nước ta rất cần có những chính sách khuyến khích để mở rộng thị trường năng lượng tái tạo, thúc đẩy và triển khai công nghệ mới, cung cấp cơ hội thích hợp, cũng như khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo ở tất cả các lĩnh vực quan trọng.Ông Đỗ Tiến Sỹ hy vọng với sự hỗ trợ từ các chính sách cụ thể, những dự án năng lượng tái tạo sẽ có cơ sở để phát triển và thu hút nhà đầu tư, thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước, giúp các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Bức tranh về ngành năng lượng tại Việt Nam
Ông Hoàng Việt Dũng – Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững Bộ Công thương cho biết tình hình tiêu thụ năng lượng tại Việt Nam. Theo đó, giai đoạn 2001- 2010 nhu cầu về năng lượng khoảng 10%, giai đoạn 2011- 2019 khoảng 7% trong khi nhu cầu về điện tăng 13% giai đoạn 2001- 2010 và khoảng 9,71% trong giai đoạn 2011- 2021. Phát thải khí nhà kính từ năng lượng tăng từ 63% giai đoạn 2010 lên 67,7% năm 2020. Trong tương lai nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp. Việt Nam tiêu thụ năng lượng đang ở mức cao trong đó ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn 54% sau đó giao thông vận tải hay dân dụng. Để đảm bảo an ninh năng lượng thì sử dụng tiết kiệm năng lượng là những giải pháp hiệu quả, ông Hoàng Việt Dũng cho hay.Từ thực trạng trên ông Hoàng Việt Dũng cho rằng cần rà soát hoàn thiện cơ chế chính sách, hỗ trợ kỹ thuật tài chính thúc đẩy đầu tư triển khai giải pháp tiết kiệm năng lượng; xây dựng trung tâm dữ liệu năng lượng Việt Nam; tăng cường năng lực về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; tăng cường kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn thực hiện đánh giá về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; truyền thông nâng cao nhận thức; nghiên cứu khoa học công nghệ; tăng cường hợp tác quốc tế,… để thực hiện tốt mục tiêu tiết kiệm năng lượng hiệu quả và bền vững tại Việt Nam trong thời gian tới.
Để tiết kiệm năng lượng không thể thiếu vai trò của đổi mới công nghệ
TS. Chử Đức Hoàng – Chánh văn phòng, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: hiện nay thế giới phụ thuộc vào chủ yếu năng lượng từ than đá, dầu mỏ, và khí tự nhiên. Năng lượng này gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chính vì vậy đổi mới công nghệ là xu thế tất yếu để các quốc gia chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng sạch. Công nghệ đóng vai trò quan trọng từ việc tạo ra các giải pháp hiệu quả để thu thập và lưu trữ năng lượng đến việc tối ưu hoá sử dụng năng lượng trong sản xuất và tiêu dùng. Đổi mới công nghệ là xu hướng tất yếu để các quốc gia, tập đoàn, doanh nghiệp chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng sạch, bao gồm năng lượng tái tạo điện mặt trời, điện gió, thủy điện. Đây là giải pháp bền vững, không gây hại cho môi trường và tái tạo được, chuyển đổi này không chỉ là một lựa chọn mà còn là một nhu cầu cấp thiết.Đưa ra các công nghệ cụ thể, PGS.TS Phạm Hoàng Lương – Giám đốc Viện khoa học Công nghệ Quốc tế Việt Nam – Nhật Bản, Đại học Bách khoa Hà Nội nêu lên một số công nghệ năng lượng sạch phục vụ chuyển dịch năng lượng như: chuyển đổi nhiên liệu từ than sang khí tự nhiên, công nghệ quang điện mặt trời nối lưới phân tán, công nghệ điện gió, công nghệ tích trữ năng lượng… Công nghệ không chỉ có vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên mà còn có đóng góp không nhỏ trong việc kiểm soát chi phí và thiết kế các chính sách môi trường giúp chống biến đổi khí hậu, hướng đến sự phát triển năng lượng bền vững ổn định cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.