Thận trọng quan sát kết quả kinh doanh quý I/2024

Theo PHAN LÊ THÀNH LONG, Chuyên gia tài chính

Thứ sáu, 3/5/2024 - 8:27 (GMT+7)

Kết quả kinh doanh quý I/2024 của các doanh nghiệp đã được công bố gần hết, nhưng giá cổ phiếu cần thêm thời gian để phản ánh đúng hiệu quả kinh doanh thật và nhà đầu tư cần thận trọng quan sát.

Theo dữ liệu của FiinGroup, tổng lợi nhuận sau thuế của 441 doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ quý thứ 3 liên tiếp, nhưng tốc độ đang chậm lại 19,7%, thấp hơn mức tăng 48% của quý IV/2023.

Trong tháng 5 này, thị trường chứng khoán sẽ có sự phân hóa rõ nét không chỉ giữa các ngành với nhau mà ngay cả trong cùng một ngành

Có một số điểm chúng ta cần lưu ý, đó là kết quả kinh doanh quý I/2023 khá thấp. Sau giai đoạn tăng lãi suất đột ngột cuối quý IV/2022, hoạt động kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp đều đạt mức đáy thấp nhất trong 3 năm qua.

Một điểm nữa trong bức tranh tổng quan là mức tăng này chậm lại so với quý gần nhất. Chúng ta đều thấy quý IV/2023 có tăng trưởng lợi nhuận mạnh và mức độ ảnh hưởng đến tổng thể các doanh nghiệp niêm yết vẫn tập trung vào khối ngân hàng. Theo đó, 17 ngày trong tháng 12/2023 đã chứng kiến tăng trưởng tín dụng hơn 300.000 tỷ đồng, tạo sức ép lớn lên kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong quý I/2024.

Hiện tại, các tin tức về vĩ mô và thị trường đã rõ ràng. Trong tháng 5 này, thị trường chứng khoán sẽ có sự phân hóa rõ nét không chỉ giữa các ngành với nhau mà ngay cả trong cùng một ngành. Trong đó, nhóm ngành dẫn dắt vẫn là nhóm ngân hàng, vì chiếm tỷ trọng lớn nhất trong VN-Index và 50% tổng lợi nhuận toàn ngành.

Đơn cử như Vietcombank mới công bố lợi nhuận trở lại mức cao trên 10.000 tỷ đồng trong một quý, còn Techcombank báo lợi nhuận tăng 38%. Tuy nhiên, chúng ta cần xem xét kỹ lưỡng các con số báo cáo. Ngược lại, một số ngân hàng lớn khác như MBBank hay ACB lại có kết quả kinh doanh âm, cụ thể MBBank giảm 10% so với quý 1/2023, còn ACB cũng giảm nhẹ... Điều này cho thấy kết quả kinh doanh của khối ngân hàng là khá đa dạng.

Nếu nhìn kỹ, quý I có đặc điểm là các báo cáo tài chính sẽ không có kiểm toán, nên đây là vấn đề mà nhà đầu tư nên thận trọng quan sát, nghĩa là những doanh nghiệp có “câu chuyện” sẽ có kết quả tốt hơn so với mặt bằng chung và từ đó sẽ ảnh hưởng đến quý II.

Bên cạnh những nhóm ngành có kết quả kinh doanh tích cực, có nhiều nhóm ngành báo cáo kết quả không như kỳ vọng gồm xuất khẩu, dệt may, da giày, thủy sản... và đặc biệt là nhóm bất động sản.

Việc khó khăn của nhóm bất động sản kéo dài dẫn đến nhiều doanh nghiệp không đẩy hàng ra thị trường và ghi nhận kết quả kinh doanh yếu. Thông thường, ngành bất động sản chỉ ghi nhận doanh thu lợi nhuận khi bàn giao nhà, nên sẽ có độ trễ nhất định. Tôi cho rằng, từ đầu quý II trở đi, bất động sản có thể đỡ khó khăn hơn, nhưng đồng thời sự phân hóa giữa các doanh nghiệp cũng lớn hơn.

Trong đó, những doanh nghiệp có khả năng huy động tài chính, phát triển dự án thực và bán được hàng mới có cơ hội phục hồi. Một số doanh nghiệp bất động sản có thể bắt buộc phải “ra hàng” từ cuối quý II, đầu quý III, điều này giúp cải thiện nguồn cung trên thị trường đồng thời cải thiện kết quả kinh doanh. Mặc dù vậy, những con số này chỉ được phản ánh từ cuối năm 2024 đến 2025 trở đi.

Nhìn từ kết quả kinh doanh quý I, chúng ta sẽ nhận thấy điểm mấu chốt trong quý II tới đây là các báo cáo tài chính sẽ có kiểm toán, nên mọi thứ có thể phải dè dặt hơn và những doanh nghiệp nào có kết quả kinh doanh “bất thường”  trong quý này sẽ bị đặt dấu hỏi. Điều này phụ thuộc vào chiến lược tài chính của doanh nghiệp, như việc phát hành cổ phiếu, trả cổ tức, chia tách cổ phiếu, hoặc bán vốn cho đối tác nước ngoài...

Hiện tại, kết quả kinh doanh đã được công bố gần hết, nhưng giá cổ phiếu cần thêm thời gian để phản ánh đúng hiệu quả kinh doanh thật và nhà đầu tư cần thận trọng quan sát.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

(https://diendandoanhnghiep.vn/than-trong-quan-sat-ket-qua-kinh-doanh-quy-1-2024-262776.html)