Ngân hàng làm gì để thúc đẩy tín dụng xanh?

Theo Theleader.vn

Thứ tư, 4/10/2023 - 8:31 (GMT+7)

Coi việc “xanh hóa” danh mục tín dụng là mục tiêu chiến lược, các ngân hàng đang tích cực triển khai các gói vốn vay bền vững, bất chấp nhiều rủi ro, thách thức.

Tín dụng xanh chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Ảnh: Hoàng Anh

Đưa ra từng gói sản phẩm tín dụng xanh là cách để Ngân hàng Bản Việt (BVBank) thử nghiệm phản ứng của khách hàng để tìm ra hướng đi phù hợp. Bà Văn Thành Khánh Linh, Phó tổng giám đốc BVBank cho biết, đến nay, Ngân hàng đã đưa ra các gói sản phẩm tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi cho một số lĩnh vực như điện mặt trời, điện mặt trời áp mái.

Việc “đi từ từ” với từng gói tín dụng xanh được bà Linh lý giải là cách để từng bước thay đổi thói quen cấp tín dụng của ngân hàng cũng như tâm lý khách hàng, từ đó ngân hàng và doanh nghiệp đạt được sự chung tay để xanh hóa.

Bà Linh cho biết, hiện tại, BVBank đang xây dựng khung tín dụng xanh tại ngân hàng và phát triển thành một tiêu chuẩn cụ thể, đồng thời cung cấp tín dụng xanh cho cả khách hàng là cá nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thúc đẩy tín dụng xanh là một sự “dấn thân” của ngân hàng bởi khách hàng có nhu cầu vay xanh thường là chủ doanh nghiệp có tuổi đời trẻ, hoạt động trong các lĩnh vực mới với rất nhiều rủi ro, thách thức.

Lãnh đạo BVBank nhìn nhận, việc thúc đẩy tín dụng xanh có thể nói là một sự “dấn thân” của ngân hàng. Bởi lẽ, khách hàng có nhu cầu vay xanh thường là chủ doanh nghiệp có tuổi đời trẻ, hoạt động trong các lĩnh vực mới với rất nhiều rủi ro, thách thức.

Tuy nhiên, BVBank xác định phát triển bền vững là một chiến lược lâu dài gắn liền với doanh nghiệp nên tín dụng xanh được ngân hàng này coi là một hoạt động mang tính cốt lõi.

Đồng quan điểm với bà Linh, ông Trần Hoài Phương, Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng Thương mại CP Phát triển TP.HCM (HDBank), khẳng định, ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục đi theo con đường xanh hóa danh mục tín dụng dù vẫn chưa rõ ràng về khả năng thu hồi vốn.

Để cấp tín dụng xanh cho khách hàng, HDBank làm việc với những định chế tài chính toàn cầu như Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… để có thêm nguồn vốn cho các doanh nghiệp trong nước đạt được những tiêu chuẩn nhất định.

Ông Phương cho biết, không chỉ cấp vốn, các định chế tài chính nói trên cũng tích cực chuyển giao công nghệ, kiến thức về phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Việc cấp hồ sơ tín dụng xanh của HDBank được tích hợp công đoạn đánh giá rủi ro tác động môi trường, xã hội theo chuẩn quốc tế. Nếu doanh nghiệp không đạt được tiêu chuẩn này, một số chương trình sẽ được đưa ra giúp doanh nghiệp bền vững hóa hơn nữa hoạt động của mình, qua đó thỏa mãn yêu cầu cấp tín dụng xanh.

Bên cạnh đó, ông Phương cho biết, HDBank cũng tích cực tuyên truyền, tư vấn cho doanh nghiệp đi theo con đường phát triển bền vững. Dù vẫn còn doanh nghiệp tỏ ra thờ ơ, chưa dành sự quan tâm đúng mức nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tiếp thu, thay đổi, thể hiện qua việc danh mục khách hàng của HDBank chuyển qua danh mục xanh một cách tổng thể chứ không chỉ dừng lại ở một vài doanh nghiệp.

“HDBank tự hào góp phần vào sự chuyển biến tích cực và điều này sẽ tốt hơn cho khách hàng của HDBank”, ông Phương nói tại Tọa đàm Tín dụng xanh: mỏ vàng để ngân hàng phát triển bền vững.

Đánh giá cao nỗ lực của các HDBank và BVBank, ông Nguyễn Văn Nguyện, Phó trưởng phòng Tổng hợp kiểm soát nội bộ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết, ngân hàng là kênh cung ứng tài chính quan trọng cho nền kinh tế, do đó có vai trò lớn thúc đẩy sự chuyển đổi sang phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp.

Hoạt động cấp tín dụng xanh còn rất nhiều rủi ro nhưng theo ông Nguyện, nhiều ngân hàng đã xây dựng chiến lược quản lý rủi ro cũng như tích hợp quản lý rủi ro vào quy trình cấp tín dụng xanh, từ đó nâng cao chất lượng và khả năng thu hồi vốn.

“Các ngân hàng ý thức được xu hướng phát triển là tín dụng xanh, không thể tránh được nên cũng đã tìm mọi cách xây dựng chiến lược, kế hoạch quản trị rủi ro cho riêng mình”, ông Nguyện nhận xét.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng xanh tính đến tháng 6/2023 đạt được khoảng gần 530 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế, tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực năng lượng.

Con số 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế vẫn còn khiêm tốn nhưng đã thể hiện được phần nào nỗ lực của các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trong bối cảnh phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu.