Ngân hàng Hà Lan tài trợ 15 triệu USD cho Camimex

TheLEADER

Thứ hai, 22/1/2024 - 13:42 (GMT+7)

Khoản tài trợ này được kỳ vọng sẽ giúp tạo việc làm, tăng cường sản xuất và an ninh lương thực, cải thiện sinh kế của nông dân.

Mới đây, Ngân hàng Phát triển doanh nghiệp Hà Lan (Dutch Entrepreneurial Development Bank - FMO) cho biết đang xem xét khả năng đầu tư 15 triệu USD vào Camimex - công ty chuyên chế biến và xuất khẩu tôm tại Việt Nam.

Theo FMO, khoản vốn này được tài trợ để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh của Camimex, bao gồm việc xây dựng một nhà máy chế biến mới với hệ thống bảo quản lạnh và đông lạnh nhanh; xây dựng các trang trại sản xuất giống hữu cơ mới và bổ sung vốn lưu động cần thiết để chứng nhận và thanh toán tiền nhập các sản phẩm tôm hữu cơ.

Số vốn đầu tư này là một phần của kế hoạch lớn hơn nhằm cải thiện thu nhập của khoảng 7.200 nông hộ thông qua việc được chứng nhận hữu cơ, thúc đẩy quản lý bền vững lên tới 16.300 ha vùng đất ngập nước bằng cách gia tăng các hoạt động nuôi trồng thủy sản bền vững bằng phương pháp Silvo-Aquaculture (một kỹ thuật nuôi trồng thủy sản trong đó cây ngập mặn được trồng trong các ao nuôi trồng thủy sản), đồng thời mở rộng độ che phủ rừng ngập mặn.

Các đề xuất sẽ giúp tăng cường khả năng thích ứng với khí hậu và khả năng phục hồi khu vực nuôi tôm, giúp giảm phát thải carbon thông qua việc tăng độ che phủ rừng ngập mặn.

Khoản tài trợ này được kỳ vọng sẽ giúp tạo việc làm, tăng cường sản xuất và an ninh lương thực, cải thiện sinh kế của nông dân. Tầm nhìn của Camimex phù hợp với FMO trong việc thúc đẩy nuôi trồng thủy sản bền vững tại Việt Nam.

Camimex được thành lập từ năm 1977 tại TP. Cà Mau, là một trong những công ty đầu tiên của ngành thuỷ sản Việt Nam.

Sau gần 50 năm hoạt động, Camimex hiện là một trong những đơn vị sản xuất và xuất khẩu tôm hữu cơ hàng đầu trên thế giới và là nhà sản xuất Việt Nam duy nhất hiện đạt tiêu chuẩn hữu cơ trên toàn bộ chuỗi cung ứng (từ con giống đến bàn ăn) Naturland, EU Organic và BIO SUISSE.

Công ty hiện có ba nhà máy chế biến nằm trên diện tích gần 4,5ha, được trang bị trang thiết bị hiện đại từ Châu Âu, Nhật và Mỹ. Ba nhà máy có 2500 công nhân có tay nghề và tổng công suất hoạt động là hơn 15.000 tấn thành phẩm/năm.

Công ty quản lý vùng nuôi tôm sinh thái (nuôi tự nhiên trong rừng ngập mặn) liên kết tại Cà Mau với diện tích gần 40.000 ha. Diện tích rừng chiếm 50% và diện tích nuôi tôm chiếm 50%.

Trong năm 2023, Camimex đặt mục tiêu xuất khẩu 10.000 tấn thành phẩm với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 100 triệu USD trong năm nay, và sẽ tăng mạnh trong những năm sắp tới.

Thị trường xuất khẩu lớn nhất hiện nay của công ty là các quốc gia như Mỹ, Thuỵ Sỹ, Đức, Áo và một số nước Tây Âu, … với các sản phẩm bao gồm tôm sú, thẻ công nghiệp; tôm sú, thẻ sinh thái với các mặt hàng đa dạng như nguyên con, block, IQF, Cooked IQF, Nobashi, Breaded, Tempura… Thế mạnh của công ty là các mặt hàng giá trị gia tăng và tôm sinh thái cũng như chất lượng sản phẩm.

Tháng 11/2023, thông qua đại lý phát hành là Công ty chứng khoán MB, Camimex đã thu ròng về khoảng 205 tỷ đồng sau khi tiến hành chào bán 300 tỷ đồng trái phiếu. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, lãi suất 11,2%/năm.

Tính đến ngày 31/9/2023, tổng vốn chủ sở hữu của Camimex là hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn là gần 500 tỷ đồng, nợ dài hạn 210 tỷ đồng, tỷ lệ nợ chiếm gần 70% vốn chủ sở hữu.

Lũy kế ba quý đầu năm 2023, Camimex mang về 1.280 tỷ đồng doanh thu, giảm 41% so với cùng kỳ và thực hiện được 42% kế hoạch năm. Lãi sau thuế đạt 58 tỷ đồng, giảm 34% so cùng kỳ và bằng 56% kế hoạch năm.

Ngoài khoản tài trợ này dành cho Camimex, ngày 2/11/2023, Tập đoàn Lộc Trời cũng đã được tài trợ gói tín dụng 90 triệu USD từ FMO dành cho phát triển bền vững.

Khoản tín dụng này được cam kết sử dụng cho hai mục đích ngắn hạn và dài hạn, theo đó tín dụng ngắn hạn dành cho các hạng mục tài trợ vốn liên kết sản xuất lúa gạo bền vững; tín dụng trung và dài hạn dành cho cơ sở hạ tầng nông nghiệp gồm máy móc, kho chứa tại 10 nhà máy gạo của các thành viên trong hệ sinh thái nông nghiệp Lộc Trời để nâng cao năng lực sản xuất và cung ứng gạo.