Chuyển đổi số là xu thế tất yếu đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng trên thế giới. Tại Việt Nam nhiều văn kiện và Nghị quyết của Đảng và Nhà nước đã đề cập sâu sắc về chuyển đổi số kinh tế xã hội đất nước.Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lựa chọn ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Năm 2023 là năm thứ hai Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức với chủ đề “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”.Đây là dịp để khơi dậy và lan tỏa tinh thần của phương thức phát triển mới, chuyển đổi số thổi bùng lên khát vọng đổi mới sáng tạo, cống hiến vì đất nước. Đây cũng là dịp để đánh giá và đẩy nhanh các hành động với tầm nhìn năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện các hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn rộng khắp, cùng chung tay hiện thực hóa khát vọng một Việt Nam hùng cường.
Tại Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm và kết quả đạt được của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Thủ tướng Chính phủ cũng tin tưởng rằng công cuộc chuyển đổi số quốc gia và phát triển dữ liệu số sẽ có nhiều chuyển biến toàn diện, tích cực, góp phần quan trọng hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đã đề ra. Ảnh TTXVN
Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị
Năm 2023 cũng được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là năm dữ liệu số quốc gia. Hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm nay, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung vào việc thúc đẩy phát triển, kết nối, khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới trong mọi hoạt động của các cơ quan nhà nước và trong xã hội. Đồng thời nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội về tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Phát biểu tại Ngày Chuyển đổi số quốc gia 2023, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chia sẻ: Quốc gia nào muốn thịnh vượng đều phải thịnh vượng trên không gian mạng. Việt Nam chúng ta muốn trở thành nước phát triển có thu nhập cao bắt buộc phải chuyển đổi số. Chuyển đổi số là phát triển nhanh vì tạo ra kinh tế số có tốc độ tăng trưởng cao gấp 3 – 4 lần tăng trưởng GDP. Chuyển đổi số là phát triển bền vững vì tiêu tốn ít tài nguyên hơn, lại sinh ra tài nguyên mới là dữ liệu. Chuyển đổi số nhằm tăng sức chống chịu của nền kinh tế vì môi trường số không khoảng cách không tiếp xúc, chuyển đổi số là phát triển bao trùm vì bất kì ai, ở bất kì đâu, nếu có sóng di động và điện thoại thông minh đều có thể tiếp cận được mọi dịch vụ số.Theo Bộ trưởng, chúng ta đã bước vào năm thứ tư chuyển đổi số. Năm 2020 là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia, là năm nhận thức về chuyển đổi số. Năm 2021 là năm tổng diễn tập chuyển đổi số quốc gia trong bối cảnh đại dịch. Năm 2022 là năm hành động, là năm mà chúng ta xác định chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới là năm đưa mọi hoạt động của người dân đến môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam. Năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia tạo ra giá trị mới từ dữ liệu, tạo ra các kết quả thiết thực, là năm sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao mà đặc biệt là trí tuệ nhân tạo để giải các bài toán cụ thể của Việt Nam.
Đầu tàu phải dẫn đến phổ cập
Theo Bộ trưởng, Việt Nam muốn chuyển đổi số nhanh và bền vững thì chúng ta phải đi đều hai chân. Một là, phổ phổ cập nhanh cái cơ bản thông qua các nền tảng số dùng chung toàn quốc. Hai là, đi nhanh về cái mới thông qua dữ liệu. Từ cái mới đã được cái đầu tàu triển khai thành công thì nhanh chóng biến thành cái cơ bản để phổ cập. Đầu tàu phải dẫn đến phổ cập, đầu tàu mà không dẫn đến phổ cập thì không tạo ra sự thay đổi, không tạo ra sự chuyển đổi và sẽ không có chuyển đổi số quốc gia.Năm 2023 cũng là năm bùng nổ các ứng dụng AI, ước mơ mỗi người dân, mỗi cán bộ, công chức, viên chức một trợ lý riêng, ước mơ trao thêm quyền năng, tri thức cho con người, cho gần 3.000.000 công viên chức cho hàng trăm triệu người dân Việt Nam đã trở thành hiện thực. Theo đó, Bộ trưởng cho biết, Ngành Thông tin và Truyền thông đang triển khai Bốn trợ lý ảo quan trọng.Một là, trợ lý ảo hỗ trợ cho lĩnh vực lập pháp.Hai là, trợ lý ảo hỗ trợ hành pháp xử lý này hỗ trợ cán bộ, công chức thực hiện công việc theo quy định.Ba là, trợ lý ảo ngành tư pháp, đó là trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán, cụ thể là hỗ trợ tra cứu lập pháp, pháp luật như tra cứu án lệ, bản án liên quan, giải đáp tình huống pháp lý, hỗ trợ công việc của thẩm phán. Trợ lý ảo này đã được đưa vào hoạt động và đã giúp giảm thời gian xử lý của thẩm phán tới 30 %.Bốn là, trợ lý ảo hỗ trợ pháp lý cho người dân. Trợ lý này sẽ trả lời các câu hỏi của người dân liên quan đến pháp luật, đến các quy định của Nhà nước.Đất nước muốn tăng trưởng nhanh hơn, cao hơn thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới và cần động lực mới. Không gian mới là kinh tế số, lực lượng sản xuất mới là công nghệ số, nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số, yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số và động lực mới là đổi mới sáng tạo số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.