Kỳ vọng tín dụng tăng tốc cuối năm

TheLEADER

Thứ sáu, 27/10/2023 - 10:27 (GMT+7)

Yếu tố mùa vụ, xuất khẩu khởi sắc và chi phí lãi vay giảm là những động lực giúp tín dụng bật tăng mạnh thời gian tới.

Tín dụng sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ trong 3 tháng cuối năm. Ảnh: Hoàng Anh

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9 đạt 6,92%. Dù vẫn còn khá thấp so với mục tiêu 12 – 14%, tốc độ tăng trưởng tín dụng đang có những tín hiệu tăng tốc khá rõ nét.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng đang nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế.

Đến nay, lãi suất cho vay VND đã giảm bình quân khoảng 1,5 - 2%/năm so với cuối năm 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới do tác động của độ trễ chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành của NHNN.

Theo dự báo của NHNN, với sự điều hành, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong xúc tiến thương mại, tăng khả năng xuất khẩu cũng như tháo gỡ những vấn đề pháp lý của các dự án, đồng thời với đó là tăng cường khả năng khai thác thị trường trong nước…

Các yếu tố này có thể là động lực giúp tín dụng cũng sẽ có khả năng tăng lên do tăng trưởng tín dụng thường lệ thuộc khá lớn vào hoạt động kinh tế, kinh tế phục hồi sẽ là yếu tố làm tăng nhu cầu vốn qua đó làm tín dụng tăng lên.

Các chuyên gia cũng đưa ra kỳ vọng khá lạc quan cho tăng trưởng tín dụng cuối năm 2023.

Bà Nguyễn Thị Bảo Trân, Trưởng phòng phân tích vĩ mô và chiến lược Công ty chứng khoán Mirae Assets Việt Nam (MAS) kỳ vọng, tín dụng có thể tăng tới 4,8% trong quý 4 và tăng trưởng 12% trong cả năm 2023.

“Yếu tố mùa vụ sẽ đóng vai trò quan trọng. Theo thống kê của chúng tôi, số liệu tín dụng có yếu tố mùa vụ cao, trong đó đặc biệt giải ngân lớn vào tháng 3, 6, và 12 hàng năm. Chúng tôi kỳ vọng tín dụng sẽ tăng tốc trong quý 4 trong bối cảnh tiêu dùng và đầu tư công cũng thường tăng tốc trong quý 4”, bà Trân chia sẻ.

Thống kê của MAS cho thấy tín dụng thường có sự tăng trưởng vượt bậc trong các tháng cuối năm

Bên cạnh đó, xuất khẩu đã có dấu hiệu khởi sắc, đi kèm sản xuất trong nước đang dần sôi động hơn và kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn nữa trong quý 4. Theo số liệu PMI sản xuất Việt Nam, mặc dù PMI tháng 9 dưới mốc 50 điểm 1 chút (đạt 49,7 điểm), số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng tháng thứ hai liên tiếp, và tốc độ tăng gần như ngang bằng với kỳ khảo sát trước. Khảo sát của PMI S&P Global cũng ghi nhận tăng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới.

Một yếu tố nữa đó là lãi suất cho vay có thể giảm hơn nữa, với độ trễ nhất định sau khi lãi suất huy động đã giảm thêm đáng kể trong tháng 10.

Việc giảm lãi suất huy động là tiền đề quan trọng để giảm lãi suất cho vay sau đó. Theo thống kê của MAS, bình quân lãi suất suất tiền gửi kỳ hạn 6 và 12 tháng giảm đáng kể trong tháng 10, lần lượt giảm 0,4 và 0,8% so với cuối tháng 9.

Như vậy, sau quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN, các ngân hàng đã cắt giảm lãi suất huy động trung bình các kì hạn 6 và 12 tháng lần lượt là 2,6 và 2,9% so với đầu năm.

Đồng tình với quan điểm của MAS, ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng tín dụng quý 4 sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ khi các hoạt động kinh tế thường được đẩy mạnh trong quý cuối năm.

Mặt khác, các ngân hàng cũng có động lực đẩy mạnh tín dụng trong quý cuối năm, dù là tín dụng thật hay các con số mang tính kỹ thuật, nhằm tạo cơ sở để được NHNN cấp room tín dụng cho năm sau.

Dự báo cả năm 2023, ông Đức Anh thận trọng hơn khi cho rằng tín dụng tăng khoảng 10% là mức hợp lý. Con số này tăng đáng kể so với mức 6,92% của quý 3, song vẫn thấp hơn so với mục tiêu đề ra hồi đầu năm.

Điều này phản ánh nền kinh tế vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu dùng và đầu tư vẫn yếu cũng như sự thận trọng của các ngân hàng trong việc cấp tín dụng.

Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam thì nhận định, tăng trưởng tín dụng quý 4/2023 có thể tăng nhanh hơn so với các quý trước do nhu cầu thường tăng cuối năm và môi trường kinh doanh tốt hơn, nhưng vẫn thấp hơn so với các năm trước.

“Nhu cầu về tín dụng trong năm 2024 có thể cải thiện trong bối cảnh kinh tế dần hồi phục và điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn”, báoo cáo của KIS Việt Nam viết.