Để thu hút vốn tư nhân vào lĩnh vực hạ tầng, cần hoàn thiện chính sách liên quan tới cơ chế tài chính đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư và xây dựng thị trường mua bán quyền khai thác các dự án PPP. Nhu cầu vốn cho các dự án hạ tầng giao thông rất lớn. Ảnh: Hoàng Anh
Từ khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) có hiệu lực năm 2021, số lượng dự án được triển khai theo PPP còn khá khiêm tốn, với 10 dự án mới được phê duyệt và 14 dự án đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư.
Tuy vậy, các dự án PPP mới đều là các dự án trọng điểm của quốc gia và địa phương, với tổng mức đầu tư khoảng 235.000 tỷ đồng, tương ứng với dự kiến huy động được gần 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư tư nhân cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.
Các chuyên gia từ công ty kiểm toán và tư vấn Deloitte Việt Nam đã chỉ ra một số nút thắt hạn chế hiệu quả của hợp tác công tư ở Việt Nam.
Thứ nhất, cơ chế tài chính chưa đủ cân bằng để đảm bảo tốt hơn quyền lợi của khu vực tư nhân khi tham gia hợp tác công tư.
Các chuyên gia đánh giá quy định về mức vốn nhà nước tham gia dự án PPP tối đa 50% và cơ chế chia sẻ doanh thu giảm là chưa phù hợp với các quy định về ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, cam kết của nhà nước về bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư cần phải được làm rõ và thực hiện một cách đáng tin cậy hơn trong thực tế.
Ví dụ, điều 82 Luật PPP quy định, khi doanh thu tăng, nhà đầu tư phải chia sẻ với nhà nước.
Tuy nhiên, nhưng khi doanh thu giảm, nhà nước chỉ chia sẻ với các điều kiện ràng buộc như quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi làm giảm doanh thu; đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công… nhưng chưa bảo đảm mức doanh thu tối thiểu là 75%.
Trong khi đó, việc chia sẻ rủi ro cần được thực hiện ngay để đảm bảo các phương án tài chính và sức khỏe tài chính tối thiểu của doanh nghiệp. Việc chứng minh được các điều kiện này cần rất nhiều thời gian và thường làm giảm đi tính kịp thời và hiệu quả của việc hỗ trợ.
Ngoài ra, các chuyên gia Deloitte Việt Nam cũng chỉ ra thực tế thiếu một khuôn khổ để đánh giá và quản lý các nghĩa vụ dự phòng phát sinh từ cơ chế bảo đảm, bảo lãnh của Nhà nước cho các nghĩa vụ với khu vực tư nhân.
Theo nhiều chuyên gia quốc tế, phạm vi bảo lãnh cho một dự án PPP cụ thể nên được nhìn nhận là biện pháp thay thế cho đầu tư công. Đây cũng là tiền đề rất quan trọng cho việc ghi nhận và phản ánh tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia PPP.
Vướng mắc thứ hai là chính sách kế toán về PPP và BOT chưa tương thích với thông lệ quốc tế.
Thứ ba là nợ xấu trong các dự án BOT tương đối cao do dòng tiền từ dự án hụt so với phương án tài chính ban đầu đến từ việc đội vốn kéo dài thời gian xây dựng, lưu lượng giao thông thực tế thấp hơn nhiều so với dự kiến, hạ tầng giao thông không đồng bộ khiến cho cao tốc không khai thác được công suất hoàn vốn.
Thứ tư, tín dụng ngân hàng hoặc trái phiếu là các kênh huy động vốn được sử dụng chủ yếu để tài trợ cho các doanh nghiệp BOT.
Với thực tế cơ chế tài chính ở trên và một phần từ việc kết quả kinh doanh phản ánh chưa theo thông lệ quốc tế, các doanh nghiệp BOT rất khó huy động vốn thêm từ các nguồn khác như cổ đông hay nhà đầu tư quan tâm, bởi kết quả kinh doanh trong những năm đầu tiên của dự án không khả quan.
Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu cao tại ngân hàng cũng khiến cho dòng vốn đầu tư thêm từ các tổ chức tín dụng cho các dự án BOT bị hạn chế để kiểm soát rủi ro tài chính chung của hệ thống ngân hàng.
Thứ năm là thiếu thị trường mua bán quyền khai thác các dự án PPP. Hiện chưa thực sự hình thành thị trường thứ cấp để mua bán quyền khai thác các dự án này, khiến các nhà đầu tư ngần ngại vì thiếu đi một kênh để thu hồi vốn đầu tư sớm và quay vòng cho các dự án mới.
Dựa trên kinh nghiệm quốc tế, các chuyên gia đề xuất ba nhóm giải pháp để gỡ các nút thắt trên là huy động vốn và tạo thanh khoản; tăng quy mô và danh mục dự án; và nâng cao năng lực quản trị, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Các chuyên gia của Deloitte Việt Nam khuyến nghị, trước hết, Việt Nam cần hoàn thiện chính sách liên quan tới cơ chế tài chính đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, cơ chế chia sẻ rủi ro linh hoạt.
Cùng với đó, cần đạt được sự đồng thuận cao trong nhận thức và thực hiện của các đối tượng có liên quan, bao gồm nhà đầu tư và cơ quan nhà nước khu vực công.
Thông qua chính sách về cơ chế tài chính minh bạch và ổn định, nguồn lực đầu tư cho PPP sẽ không chỉ tập trung trong lĩnh vực giao thông mà dần dần, nguồn vốn ngân sách sẽ thực sự phát huy vai trò dẫn dắt trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác.
Đồng thời, cơ chế tài chính rõ ràng giúp phân loại các dự án đầu tư theo phương thức PPP hay BOT để có thể kế toán ghi nhận theo bản chất kinh tế. Việc kiểm toán cũng sẽ thuận lợi hơn trên nền tảng các quy tắc và ghi nhận kế toán rõ ràng hơn.
Quan điểm này được bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó tổng giám đốc thường trực Deloitte Việt Nam đưa ra mới đây tại diễn đàn về phục hồi kinh tế do Kiểm toán Nhà nước tổ chức.
Bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó tổng giám đốc thường trực Deloitte Việt Nam
Ngoài các chính sách về đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, bà Ngọc kiến nghị Việt Nam cần sớm ban hành chế độ kế toán doanh nghiệp hướng dẫn việc áp dụng thông lệ quốc tế về kế toán báo cáo tài chính cho các doanh nghiệp PPP.
Xa hơn, cần có cơ chế khuyến khích việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực PPP.
Không chỉ vậy, Việt Nam cần xây dựng thị trường mua bán quyền khai thác các dự án PPP.
Cụ thể, khi các dự án PPP đã hoạt động và thu hồi lợi nhuận, nhà đầu tư có thể bán quyền khai thác dự án cho các bên thứ ba.
Điều này giúp họ thu hồi vốn đầu tư ban đầu và sử dụng tiền này để đầu tư vào các dự án khác, giúp dòng vốn được luân chuyển nhanh hơn; đồng thời, tạo ra các chuỗi giá trị trong lĩnh vực PPP mà mỗi mắt xích phân khúc sẽ tìm được nhiều nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro phù hợp hơn.
Không chỉ vậy, thị trường mua bán quyền khai thác có thể giúp thu hút nhiều nguồn tài trợ khác nhau, bao gồm cả các nhà đầu tư quốc tế, từ đó, có thể giúp giảm áp lực lên nguồn vốn trong nước và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển cơ sở hạ tầng.
Một kinh nghiệm quan trọng khác cho Việt Nam là cần tăng cường giáo dục và truyền thông với công chúng.
Theo đó, cần có sự nỗ lực trong giáo dục và truyền thông để tạo sự hiểu biết và ủng hộ từ cộng đồng xã hội đối với các dự án PPP và doanh nghiệp PPP.
Điều này đặc biệt quan trọng khi có những thay đổi phương án tài chính ảnh hưởng đến giá dịch vụ công cung cấp cho người dân, từ đó tạo ra sự đồng thuận cao khi triển khai, tránh kéo dài thời gian hoàn vốn.
Cuối cùng, bà Ngọc khuyến nghị Chính phủ và doanh nghiệp nên có sự tư vấn chiến lược và đánh giá ảnh hưởng của các dự án PPP khi áp dụng các thông lệ quốc tế để có sự điều chỉnh kịp thời, nhất quán và đồng bộ cho cả cơ chế tài chính, kế toán và cơ chế huy động vốn.