Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số

Trần Thị Thảo Linh

Thứ hai, 4/9/2023 - 8:40 (GMT+7)

Để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% vào năm 2025, ước tính kinh tế số của Việt Nam phải đạt gấp 3 – 4 lần tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20 – 25%/năm.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì phiên họp

Chiều 30/8, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) tổ chức Phiên họp chuyên đề lần thứ 2, với chủ đề “Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực”.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, kinh tế số là một trong ba trụ cột của CĐS. Đây là công cụ giúp bình ổn và tăng trưởng nhanh, bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng, để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% vào năm 2025, ước tính kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3 – 4 lần tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20 – 25%/năm. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, thách thức, cần có giải pháp đột phá mới có thể đạt được.

Phiên họp đã chỉ ra các tồn tại, vướng mắc mà các bộ, ngành, địa phương gặp phải trong quá trình phát triển kinh tế số. Từ đó đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ cần tập trung triển khai để thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực đi vào thực chất, hiệu quả.

Nhiều giải pháp được các bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận tại phiên họp. Trong đó, nội dung về không gian phát triển kinh tế số trong một số ngành, lĩnh vực được coi là mũi nhọn của kinh tế Việt Nam, đó là: công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch; nông nghiệp; logistics và dệt may.

Các đại biểu cho rằng, kinh tế số là vấn đề mới. Do đó, cần có cách tiếp cận mới để quản lý, thúc đẩy, trong đó, nền tảng số là cách tiếp cận đột phá để thúc đẩy nhanh quá trình CĐS, phát triển kinh tế số.

Dùng chung thì triển khai nhanh. Dùng chung thì chi phí thấp. Dùng chung sẽ không gặp vấn đề kết nối, liên thông. Dùng chung thì dữ liệu tập trung. Chỉ có dữ liệu tập trung mới hình thành dữ liệu lớn, tối ưu hóa hoạt động và phát triển các mô hình kinh doanh mới.

Cách tiếp cận 04 bên hợp tác chặt chẽ để phát triển và thúc đẩy sử dụng các nền tảng số dùng chung quốc gia gồm:

• Bộ chủ quản xây dựng tính năng, đặt hàng DN công nghệ nòng cốt phát triển nền tảng;

• Bộ TT&TT là cầu nối chia sẻ để DN tiếp cận được tới các bài toán;

• DN nền tảng (DN nòng cốt) tìm ra bài toán của Việt Nam, giải bài toán Việt Nam bằng công nghệ và sự thấu hiểu bối cảnh và văn hóa Việt Nam.

• Địa phương trở thành nơi tiên phong triển khai thí điểm các mô hình mới, sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới, tạo thị trường cho DN phát triển dựa trên định hướng, chiến lược phát triển, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh để phát huy thế mạnh của địa phương, giải quyết các vấn đề nan giải của địa phương nhờ công nghệ số.

Cách tiếp cận hệ sinh thái, Bộ TT&TT đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương và các DN thúc đẩy hệ sinh thái các nền tảng tốt cùng tham gia để quá trình CĐS thực sự diễn ra một cách toàn diện, tổng thể và toàn trình trong từng lĩnh vực.

Ngoài ra, các nội dung về: cách tiếp cận hệ sinh thái, quản trị số, thể chế… được phiên họp tập trung đưa ra các giải pháp triển khai hiệu quả.

(Theo Vnautomate.net)