Du lịch Việt Nam vươn mình trong Kỷ nguyên mới

TS.LS. Đoàn Văn Bình

Thứ sáu, 3/1/2025 - 9:44 (GMT+7)

Để du lịch vươn mình trong Kỷ nguyên mới, ngành du lịch rất cần nhìn lại mình để đề ra kế hoạch hành động với các mục tiêu mới, cách làm mới nhằm đạt được các kết quả đột phá.

Tổng Bí thư Tô Lâm khởi xướng Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc rất đúng thời điểm, rất trúng ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Trong đó, ngành du lịch phải hiểu nội hàm định hướng đột phá này của Nhà lãnh đạo Đảng ta làm nền tảng cho khát vọng, đặt ra tầm nhìn chiến lược, mục tiêu chiến lược, kế hoạch hành động để Việt Nam trở thành cường quốc du lịch, đóng góp xứng tầm trong Kỷ nguyên mới.

TS.LS. Đoàn Văn Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Nhà sáng lập & Chủ tịch Tập đoàn CEO (CEO Group), Thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB)

Vai trò của ngành du lịch: hơn cả cỗ máy kiếm tiền

Thời gian qua ngành du lịch có đóng góp rất quan trọng cho nền kinh tế với kết quả cao nhất của ngành đạt được năm 2019: Đón được 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 755.000 tỷ đồng, đóng góp của du lịch chiếm 9,2% GDP cả nước; quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới; tạo nhiều việc làm; tác động lan tỏa đến 40 ngành kinh tế, sử dụng 2.000 sản phẩm và dịch vụ; đóng góp ngân sách thông qua các loại thuế, phí…

Du lịch trở thành ngành xuất khẩu tại chỗ mang lại nguồn thu ngoại tệ ròng lớn hơn cả dòng kiều hối hay tổng giải ngân nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, chi tiêu rò rỉ của du lịch Việt Nam chỉ khoảng 0,27 USD, nghĩa là cứ mỗi USD kiếm được thì có 0,73USD được giữ lại. Xét trên tổng doanh thu ước tính cho năm 2024 đạt 84.000 tỷ đồng (33,6 tỷ USD), du lịch sẽ mang lại thu nhập ròng trên 25,2 tỷ USD, vượt xa con số 14,4 tỷ USD kiều hối hay 21,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài thực giải ngân. Du lịch còn mang lại thu nhập ngoại tệ ròng lớn hơn so với thặng dư xuất khẩu của 11 tháng năm 2024 dù tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 750 tỷ USD, GDP đạt khoảng 460 tỷ USD.

Không chỉ là động lực cho tăng trưởng kinh tế, du lịch còn tạo việc làm và thịnh vượng chung. Nếu như nông nghiệp cơ bản chỉ phát triển ở nông thôn, công nghiệp ở những nơi có hạ tầng kỹ thuật tốt và dân số đông, thì du lịch có thể phát triển ở mọi vùng miền, dùng nhiều lao động trẻ và tay nghề không cao. Đặc biệt, du lịch có thể phát triển ở những vùng sâu vùng xa, những vùng miền bị tụt hậu, từ đó trở thành công cụ phân bổ thu nhập từ nơi giàu đến nơi nghèo, qua đó góp phần phát triển một ngành kinh tế bao trùm để không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thực trạng ngành du lịch: đứng “giữa hàng quân”

Theo Chỉ số Phát triển Du lịch & Lữ hành 2024 (Travel & Tourism Development Index) của Diễn Đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum – WEF), du lịch Việt Nam đứng ở vị trí 59 trong 119 quốc gia thống kê. Trong khi Singapore có vị trí số 13, Indonesia số 22, Thái Lan số 47.
Bộ chỉ số tập trung vào 5 nhóm là:

Môi trường (môi trường kinh doanh, an toàn & an ninh, sức khỏe & vệ sinh, nguồn nhân lực & thị trường lao động (chất lượng nguồn nhân lực, tính năng động của thị trường lao động, sức chống chịu của thị trường lao động và công bằng), sự sẵn sàng của Công nghệ thông tin & truyền thông (Information & Communications Technologies – ICT)).

Chính sách và điều kiện thực hiện (Ưu tiên hóa Du lịch & Lữ hành, sự cởi mở với Du lịch & Lữ hành, cạnh tranh về giá cả).

Hạ tầng và dịch vụ (hạ tầng hàng không, hạ tầng mặt đất, dịch vụ du lịch và hạ tầng).

Nguồn lực Du lịch & Lữ hành (nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn tài nguyên văn hóa.

Tính bền vững của Du lịch & Lữ hành (bền vững về môi trường (bền vững về năng lượng, các điều kiện môi trường và ô nhiễm, bảo tồn thiên nhiên), tác động kinh tế, xã hội, bền vững về nhu cầu Du lịch & Lữ hành).
Với những tiêu chí đánh giá trên, du lịch Việt Nam vẫn đang đứng “giữa hàng quân”. Xác định vị trí hiện tại của du lịch Việt Nam trên trường quốc tế rất quan trọng làm căn cứ cho xây dựng Chiến lược mới.

Các chỉ tiêu chính trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 theo Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22 tháng 1 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ:

Đến năm 2025: đứng thứ 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch thế giới; tổng thu từ khách du lịch đạt 1.700-1.800 nghìn tỷ đồng (77-80 tỷ USD); đóng góp vào GDP 12-14%; tạo ra 5,5-6 triệu việc làm; đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 12-14%/năm và khách nội địa từ 6-7%/năm.

Đến năm 2030: du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đứng thứ 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch thế giới; tổng thu từ khách du lịch đạt 3.100- 3.200 nghìn tỷ đồng (130-135 tỷ USD); đóng góp vào GDP 15-17%; tạo ra 8,5 triệu việc làm; đón ít nhất 50 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 8-10%/năm và khách nội địa từ 5-6%/năm.

Có thể nói, Chiến lược du lịch ra đời trên đà kết quả của năm 2019, khá ấn tượng. Tuy thế, Chiến lược vừa ban hành thì Covid-19 ập đến, kéo tụt các mục tiêu của ngành du lịch mà đến nay, sau 5 năm, vẫn chưa lấy lại được hầu hết các kết quả hoàng kim của năm 2019 trong đó có chỉ tiêu về khách quốc tế, đóng góp GDP… thể hiện ở kết quả dưới đây:

Kế hoạch năm 2024: đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế và 110 triệu lượt khách nội địa. Kết quả đạt được của năm 2024: khoảng 17,5 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu 84.000 tỷ đồng (33,6 tỷ USD), đóng góp chỉ 7,3% GDP, trong khi năm 2019 đóng góp 9,2% GDP. Như vậy, chỉ tiêu về khách quốc tế chỉ trung bình, đóng góp vào GDP tụt 1,9% so với năm 2019. Còn khá xa mới trở lại được kết quả năm 2019.

Tập trung thu hút khách du lịch xa xỉ từ châu Âu, Trung Đông, Ấn Độ, Trung Quốc, Canada, Mỹ, Úc đến Việt Nam nghỉ dưỡng kết hợp mua sắm.
Kế hoạch 2025: đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế và 120-130 triệu lượt khách nội địa, tổng nguồn thu đạt khoảng 980 -1.050 nghìn tỷ đồng. Nhìn vào kế hoạch này, dễ thấy kế hoạch đặt ra với số lượng khách nội địa còn thấp, chưa đề cập đến chỉ tiêu đóng góp GDP. Chỉ tiêu khách nội địa nên đặt cao hơn để phấn đấu, chỉ tiêu đóng góp GDP phải rõ ràng và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Nhìn lại thực tiễn của giai đoạn 2004-2019 ngành du lịch đã có 10 năm tăng trưởng khách quốc tế 2 con số, thấp là 10,5% năm (2013) và cao nhất là 34% năm 2010.

Trước hết, cần phải khẳng định rằng, nguồn lực tăng trưởng chính của quốc gia trong Kỷ nguyên mới sẽ đến từ ba ngành kinh tế mũi nhọn là công nghệ thông tin, nông nghiệp và du lịch. Ngành công nghệ thông tin đang có những bước phát triển đột phá, với những chiến lược quốc gia đầy tham vọng về chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thu hút các đại bàng công nghệ đến đầu tư. Ngành nông nghiệp cũng đạt được những thành tựu nổi bật với kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 62,5 tỷ USD và xuất siêu tới 17,9 tỷ USD trong năm 2024.

Trong khi đó, du lịch không chỉ mang lại nguồn thu ngoại tệ ròng lớn hơn cả kiều hối hay vốn FDI thực giải ngân mà còn là ngành xuất khẩu tại chỗ với tỷ lệ giữ lại giá trị cao. Theo Ngân hàng Thế giới, chi tiêu rò rỉ của du lịch Việt Nam chỉ ở mức 0,27 USD, nghĩa là mỗi USD kiếm được từ ngành này sẽ giữ lại 0,73 USD trong nước. Năm 2024, ngành dự kiến mang về thu nhập ròng hơn 25,2 tỷ USD, vượt xa con số khoảng 16 tỷ USD từ kiều hối, 21,6 tỷ USD vốn FDI giải ngân, 17,9 tỷ USD từ thặng dư ngành nông nghiệp, vốn chiếm 72% thặng dư thương mại của cả nước.

Trong khi, đất nước đang đứng trước “ngưỡng cửa lịch sử” để “cả dân tộc vươn mình” như chỉ đạo của Tổng bí thư Tô Lâm, trong đó GDP phải tăng trưởng liên tục 2 con số. Chính Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2020-2030 đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng về khách du lịch quốc tế bình quân từ 12-14%/năm. Vậy, ngành du lịch mũi nhọn sẽ ở đâu trong dòng chảy lịch sử của Kỷ nguyên vươn mình nếu không đặt ra kế hoạch cao hơn, táo bạo hơn để bù lại 5 năm hậu Covid-19 và bứt phá, đạt được các chỉ tiêu của Chiến lược vào năm 2030?

Hướng đi trong Kỷ nguyên mới

Thứ nhất, đặt ra tầm nhìn Việt Nam trở thành cường quốc du lịch thế giới, nằm trong nhóm 10 nước đứng đầu Chỉ số Phát triển Du lịch & Lữ hành toàn cầu. Nỗ lực cải thiện Bộ chỉ số Phát triển Du lịch và Lữ hành của WEF. Khai thác tối ưu không gian bầu trời, mặt đất, mặt biển, dưới ngầm (hang động, đáy biển) nhằm đa dạng hóa sản phẩm, phát triển du lịch bền vững.

Thứ hai, phải thay đổi tư duy thật nhanh theo hướng “kinh tế mũi nhọn” thực sự– tức là ngành kinh tế mang lại nguồn thu lớn, là cỗ máy kiếm tiền cho đất nước. Hoàn thiện thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.

Thứ ba, tập trung thu hút du khách quốc tế song song với phát triển du lịch nội địa, nắm lấy cơ hội có được miếng bánh du lịch lớn nhất có thể trong tổng thể chiếc bánh du lịch thế giới.

Thứ tư, tiến hành làm du lịch nhân dân, mỗi người dân là một đại sứ du lịch của đất nước mình.

Thứ năm, hành động quyết liệt để phải đạt được các mục tiêu của Chiến lược du lịch đã ban hành tới năm 2030, làm tiền đề cho các mục tiêu mới đến năm 2045: Việt Nam trở thành cường quốc du lịch thế giới.

Kế hoạch hành động để đạt được Tầm nhìn

Về hợp tác quốc tế: Việt Nam cần thúc đẩy hợp tác khu vực về du lịch trong khuôn khổ Trụ cột kinh tế ASEAN để nhân sức mạnh “bó đũa”: Cần có tầm nhìn Asean về du lịch với mục tiêu đưa khu vực trở thành điểm đến của cả thế giới, cạnh tranh với 2 khu vực du lịch nổi tiếng Caribe và Địa Trung Hải; xây dựng tiêu chuẩn du lịch chung để tăng sức cạnh tranh; ban hành thị thực (visa) du lịch chung của khu vực: một visa nhiều điểm đến; tổ chức các tour, tuyến du lịch khám phá Asean chung trong đó ưu tiên tour, tuyến kết nối Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam; đồng tổ chức các sự kiện quốc tế lớn…

Về thể chế: Rà soát sửa đổi Luật Du lịch để cập nhật, kiến tạo hơn cho phát triển, tương thích với các luật sửa đổi trong thời gian qua như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư… Cần có chính sách ưu tiên phát triển du lịch về thuế, phí, tiền thuê đất; ban hành chính sách mới cởi mở để thu hút du khách giàu, có kỹ năng, kinh tế bạc, du mục kỹ thuật số, ngôi nhà thứ 2; khuyến khích phát triển căn hộ du lịch…

Các dự án nghỉ dưỡng đẳng cấp góp phần nâng tầm chất lượng du lịch Việt. Ảnh: Khu nghỉ dưỡng Novotel Phu Quoc Resort
Rà soát, sửa đổi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam theo hướng kiến tạo phát triển hơn. Chính sách thị thực du lịch cần thông thoáng hơn nữa. Cần đơn phương miễn thị thực du lịch với các quốc gia còn lại trong 8 quốc gia Đối tác Chiến lược Toàn diện, 33 quốc gia Đối tác Chiến lược, các nước thuộc nhóm G7, G20, các nước EU chi tiêu cao; cấp visa on arrival, quá cảnh với thủ tục đơn giản cho tất cả các quốc gia khác; cấp thị thực đặc biệt để thu hút chuyên gia, nhà quản lý quốc tế có trình độ cao đến đóng góp cho Kỷ nguyên mới; thông thoáng miễn thị thực cho các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài, người giàu, du mục kỹ thuật số, khách hàng chi tiêu cao; cho phép áp dụng cơ chế miễn visa cho du khách quốc tế đến Vân Đồn giống như cơ chế đang áp dụng cho Phú Quốc. Cho phép du khách quốc tế đến Vân Đồn có thể thăm quan Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà bằng đường biển mà không cần phải làm thủ tục xin visa nhập cảnh; cho phép du khách Trung Quốc có thể tự lái xe qua biên giới đến Vân Đồn.

Tiếp tục xem xét thành lập các Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt theo Hiến pháp 2013 tại các địa phương có đủ điều kiện để đóng vai trò đầu tàu kéo nền kinh tế nói chung và phát triển du lịch nói riêng. Trước mắt, xem xét thí điểm thành lập các Đặc khu kinh tế, khu kinh tế mở, khu mậu dịch tự do (SEZ, FEZ), thành phố kinh tế (economic city) để thử nghiệm thể chế kinh tế, đào tạo nguồn nhân lực trên cơ sở tham khảo các mô hình thành công của Trung Quốc (đặc khu), Ả rập Xê-út (thành phố kinh tế), Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (FEZ của Dubai).

Ban hành cơ chế để phát triển kinh tế ban đêm, kinh tế di sản nhằm phát triển du lịch, biến di sản thành tài sản. Tham khảo mô hình Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Ban Nha (Ibiza, Majorca); Cho phép người nước ngoài mua và sở hữu bất động sản du lịch (biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, nhà phố du lịch) tương tự như nhà ở, hướng đến Việt Nam trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng toàn cầu. Tham khảo mô hình Thái Lan (Phuket), Indonesia (Bali), Malaysia…

Cần trao quyền mạnh mẽ, tối đa cho Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam. Tham khảo mô hình các nước thành công trong du lịch như: Tổng Cục du lịch Thái Lan (Tourism Authority of Thailand - TAT), Tổng Cục du lịch Singapore (Singapore Tourism Board - STB); Thành lập cảnh sát du lịch riêng (tourist police) như một số nước trên thế giới như Thổ Nhĩ Kỳ, Kyrgystan, Malaysia, Thái Lan.

Nghiên cứu định vị Việt Nam thành Trung tâm Du lịch và Sự kiện Quốc tế (Hub for Global Tourism and Events) và hoặc điểm đến "Du lịch bền vững và văn hóa": Hướng đi này không chỉ phát triển ngành du lịch mà còn nâng cao vị thế Việt Nam trên bản đồ thế giới bằng cách biến đất nước thành một trung tâm toàn cầu cho các sự kiện lớn, kết hợp với du lịch trải nghiệm văn hóa độc đáo như áo dài, phở, di sản thiên nhiên…

Chuyển đổi số, xây dựng nền tảng dữ liệu số về du lịch Việt Nam để quản lý hiệu quả lượng khách du lịch, dự báo xu hướng và hỗ trợ quyết định; Phát triển các ứng dụng di động cung cấp thông tin toàn diện về điểm đến, hướng dẫn viên ảo dựa vào AI, và thanh toán không tiền mặt…

Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp