Theo một chuyên gia đến từ VCCI, đa số doanh nghiệp chưa thực sự bắt tay vào chuyển đổi số, mà chỉ thử nghiệm áp dụng một vài sản phẩm giúp cải thiện phương thức sản xuất hiện có.
Các doanh nghiệp chưa chuẩn bị chu đáo cho chuyển đổi số
Bà Bùi Thị Hải Yến, Ủy viên BCH Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), mới đây đánh giá, cho tới thời điểm hiện tại, sau nhiều hội nghị, hội thảo về chuyển đổi số, một điều cần nghiêm túc nhìn nhận là đại đa số doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự bắt tay vào chuyển đổi số.
Có hiện tượng khá phổ biến là không ít doanh nghiệp nhận thấy có những ứng dụng trước kia chưa làm, như làm việc trực tuyến, sử dụng hệ thống phần mềm tổng hợp, thì nay thử áp dụng.
Kết quả là có doanh nghiệp thấy hiệu quả, hài lòng, nhưng cũng có doanh nghiệp không thấy hiệu quả và ngừng lại, bà Yến cho biết tại tại diễn đàn Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số mới đây.
Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp trong nước đã ngừng áp dụng
chuyển đổi số lên tới gần 50%, theo báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp mới nhất.
Ngoài lý do giải pháp chưa phù hợp hay không còn nhu cầu, một lý do đáng chú ý khác cho thực trạng này là các doanh nghiệp chưa xác định được mục tiêu và chiến lược chuyển đổi số đúng đắn, cũng như thiếu nhân sự phục vụ chuyển đổi số cả về lượng và chất.
Điều này thể hiện rõ khi chỉ có một phần nhỏ doanh nghiệp được hỏi đã hoàn thành xác định mục tiêu chuyển đổi số và đã từng bước xây dựng kế hoạch trong ngắn, dài hạn.
Ngân sách để đầu tư cho chuyển đổi số. Nguồn: Khảo sát của Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và đầu tư năm 2022
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, chưa đến 40% doanh nghiệp có ngân sách để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số từ mức trung bình đến đầy đủ để tiếp nhận các tư vấn và giải pháp.
Trong khi đó, có đến gần 45% doanh nghiệp được hỏi có dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số, nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế.
Thậm chí, có tới 20% doanh nghiệp hoàn toàn không có dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số.
Trên thực tế, việc thiếu ngân sách dành cho chuyển đổi số cũng là thách thức phổ biến tại các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tại diễn đàn, bà Yến nhận định: “Không ít doanh nghiệp đang nhầm lẫn giữa tự động hóa – kết quả của ứng dụng công nghệ thông tin với thông minh hóa – kết quả ứng dụng công nghệ số”.
Theo đó, nhiều sản phẩm được doanh nghiệp sử dụng không làm thay đổi phương thức sản xuất của doanh nghiệp, mà chỉ cải thiện thêm cho phương thức sản xuất hiện có.
Cái khó bó cái khôn
Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, nhận định, bên cạnh các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội phát triển từ kinh tế số, nhiều doanh nghiệp khác lại vướng phải không ít khó khăn, thách thức, như thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm quản lý, thiếu công nghệ và nhân lực công nghệ thông tin có trình độ cao.
Cùng với đó, năng lực tổ chức, triển khai công nghệ số là những nút thắt cản trở doanh nghiệp Việt Nam trong chuyển đổi phương thức sản xuất mới, bao gồm cả khu vực kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân.
Trong khi đó, khung khổ, môi trường pháp lý, cũng như kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin đang tiếp tục hoàn thiện.
Đại diện cho lĩnh vực xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), cho biết, chuyển đổi số góp phần quản lý tài chính, thiết kế, quy hoạch và nhiều vấn đề khác chặt chẽ hơn.
Đơn cử, ngành này hiện đã có công nghệ, mô hình quản lý hiện đại hiệu quả - công nghệ BIM (Building Information Modeling) – quá trình tạo lập và sử dụng mô hình thông tin trong các giai đoạn thiết kế, thi công và vận hành công trình.
Với công nghệ này, các đơn vị có thể quản lý thiết kế giữa chủ đầu tư với nhà thầu và các thay đổi trong quá trình thực hiện dự án, tiết kiệm được rất nhiều về vật tư, tiết kiệm rất nhiều nhân lực.
Tuy nhiên, việc thực hiện cần kinh phí rất lớn, cũng như đòi hỏi sự đồng bộ giữa chủ đầu tư và nhà thầu trong dữ liệu – điều khó có thể thực hiện được dễ dàng.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam
“Có thể nói, trong ngành xây dựng hiện nay chỉ một số công ty lớn, có tên tuổi có thể thực hiện được. Với các doanh nghiệp quy mô dưới 100 tỷ thì mặc dù biết công nghệ này rất lợi hại, nhưng đều chưa áp dụng. Doanh nghiệp hiểu rõ về chuyển đổi số, nhưng việc áp dụng lại không phải là vấn đề dễ dàng”, ông Hiệp cho biết thêm.
Một trong những nguyên nhân là vấn đề quản lý hồ sơ cần có những quy định rõ ràng hơn về tính pháp lý.
Đơn cử, với quản lý dữ liệu về nhà thầu, hiện nay chưa có thể chế, quy chế nào quy định cụ thể những dữ liệu doanh nghiệp nhà thầu phải công bố lên mạng để các cơ quan quản lý nhà nước nắm được.
Giải pháp cho các bên
Theo ông Anh, về phía chính phủ, cần quán triệt quan điểm “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo” và thực hiện có kết quả các chủ trương, nhiệm vụ về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.
Đây chính là điều kiện thiết yếu để tạo ra một môi trường thuận lợi, giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào nền kinh tế số.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, phát huy tính tiên phong của doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nghiên cứu, phát triển, làm chủ kỹ thuật số là nội dung quan trọng.
Ngoài ra, cần phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng số; đẩy mạnh nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, quản lý chặt chẽ và kiểm soát những hình thức thanh toán trực tuyến, nhất là những giao dịch xuyên quốc gia.
Đối với các doanh nghiệp, ông Anh cho rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế số, điều tiên quyết là phải chủ động đổi mới, sáng tạo, nắm bắt kịp thời các công nghệ mới; chủ động đầu tư cải tiến công nghệ, nghiên cứu.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần học hỏi và ứng dụng những mô hình, phương thức kinh doanh mới, loại bỏ những yếu tố lạc hậu, không còn phù hợp, ứng dụng cách thức mới để phát triển nhanh hơn.
Bà Yến nhấn mạnh, giải pháp trước tiên và quan trọng nhất là nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về bản chất thực sự của chuyển đổi số. Chỉ khi hiểu đúng thì doanh nghiệp mới làm đúng.
Thứ hai là giúp doanh nghiệp hiểu rõ chuyển đổi số là quá trình tự thân, doanh nghiệp phải tự làm.
Theo đó, các chuyên gia công nghệ số chỉ cung cấp phương pháp và công cụ thực hiện, còn doanh nghiệp tự lựa chọn con đường chuyển đổi hướng tới thông minh hóa sản xuất kinh doanh và quản lý doanh nghiệp.
Đây là quá trình dài và không có điểm dừng, doanh nghiệp chuyển dần từ thấp lên cao tùy thuộc vào mức độ trưởng thành số của mình.
Ngoài ra, về phía chính phủ, cần luôn song hành cùng doanh nghiệp để từ thực tiễn triển khai xây dựng doanh nghiệp số, kinh tế số, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về chính sách, vì chuyển đổi phương thức sản xuất chắc chắn đụng chạm tới những vấn đề chưa có luật điều phối.