Doanh nghiệp chuyển lỗ thành lãi nhờ tái cơ cấu nợ

Theo DŨNG PHẠM

Chủ nhật, 14/7/2024 - 11:27 (GMT+7)

Bên cạnh nhu cầu thị trường cải thiện và nỗ lực tái cơ cấu bộ máy, cải thiện kết quả kinh doanh, việc nhận được sự hỗ trợ trực tiếp về tài chính – tái cơ cấu nợ giúp cho các doanh nghiệp hồi phục.

Công ty CP Phân đạm và hoá chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc) - thành viên của Tập đoàn Vinachem đã chuyển lỗ thành lãi nhờ được xóa lãi vay ngân hàng.

Báo cáo tài chính quý I của công ty ghi nhận doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ và lỗ thuần 104 tỷ đồng, là quý lỗ thứ 5 liên tiếp kể từ đầu năm 2023.

Tuy nhiên, nhờ lợi nhuận khác lên tới 142 tỷ đồng, tăng đột biến so với năm ngoái, Đạm Hà Bắc đã “ngược dòng” lãi ròng hơn 38 tỷ đồng trong quý đầu năm so với mức lỗ sau thuế gần 130 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Đạm Hà Bắc thoát lỗ nhờ đề án tái cơ cấu các khoản nợ đầu tư của công ty tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) được Chính phủ phê duyệt.

Cụ thể, khoản vay của Đạm Hà Bắc tại VDB được ký từ ngày 11/9/2008 có thời hạn tới năm 2031, với hạn mức 4.125 tỷ đồng. Mục đích vay nhằm đầu tư dự án cải tạo, mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc. Đây là một trong 12 dự án bị Chính phủ đánh giá là chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương.

Sau khi được phê duyệt đề án tái cơ cấu, công ty đã được xóa nợ phần lãi vay và hạch toán gần 142 tỷ đồng nợ này vào lợi nhuận khác trong quý đầu năm.

Trên thực tế, đề án tái cơ cấu nợ được phê duyệt đã “cứu” lợi nhuận của Đạm Hà Bắc ngay từ năm ngoái. Cụ thể, công ty báo lãi sau thuế 858 tỷ đồng dù đã lỗ ba quý đầu năm 2023.

Một trường hợp khác cũng được hưởng lợi từ việc được xóa nợ là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Hãng bay này đã công bố kết quả kinh doanh quý I năm nay với doanh thu gần 28.270 tỷ đồng, tăng trên 25% so với cùng kỳ.

Đây là mức doanh thu một quý cao nhất kể từ khi Vietnam Airlines chuyển mô hình thành công ty cổ phần từ năm 2015. Nhờ đó, Vietnam Airlines đã ghi nhận mức lãi thuần lên tới 900 tỷ đồng sau chuỗi kết quả “tồi tệ” khi liên tục báo lỗ hàng nghìn tỷ đồng mỗi quý.

Đáng chú ý, Vietnam Airlines có thu nhập khác đột biến trong quý I do Pacific Airlines phát sinh thu nhập từ việc xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay lên tới hơn 3.670 tỷ đồng.

Nhờ đó, Vietnam Airlines đã báo lãi ròng kỷ lục, đạt hơn 4.330 tỷ đồng và giúp kế hoạch thoát lỗ trong năm nay trở nên khả thi.

Có thể thấy, bên cạnh sự phục hồi của nhu cầu thị trường và nỗ lực tái cơ cấu bộ máy, cải thiện kết quả kinh doanh, việc nhận được sự hỗ trợ trực tiếp về tài chính – tái cơ cấu nợ giúp cho các doanh nghiệp hồi phục.

Trước đó, Công ty CP Chăn nuôi Gia Lai – công ty con của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã thanh toán 750 tỷ đồng, bao gồm toàn bộ nợ gốc và một phần lãi, cho Eximbank để tất toán các khoản vay từ năm 2014.

Bên cạnh đó, theo thông báo miễn giảm nợ lãi từ Eximbank AMC, tổng số tiền lãi của các khoản vay được miễn giảm là gần 1.425 tỷ đồng.

Theo đó, công ty được hoàn nhập gần 1.000 tỷ đồng chi phí tài chính. Khoản lợi nhuận đột biến này góp phần lớn giúp tập đoàn báo lãi sau thuế hơn 1.780 tỷ đồng trong năm ngoái, cao nhất trong 12 năm qua.

Đây là thông tin tích cực về quá trình giảm nợ của Hoàng Anh Gia Lai. Hồi giữa năm ngoái, bầu Đức tuyên bố đến năm 2026, tập đoàn này sẽ trả hết nợ bằng việc bán tài sản, thu hồi nợ phải đòi, phát hành thêm cổ phiếu, lợi nhuận kinh doanh để lại.

Tại đại hội đồng cổ đông trước đó, bầu Đức cho biết Hoàng Anh Gia Lai hướng tới việc xóa lỗ lũy kế trong năm nay. Bên cạnh kết quả kinh doanh kỳ vọng tích cực, có thể tập đoàn sẽ tiếp tục được ngân hàng hỗ trợ xóa nợ tương tự như Eximbank năm ngoái.

Theo The Leader, 

https://theleader.vn/doanh-nghiep-chuyen-lo-thanh-lai-nho-tai-co-cau-no-1720760088861.htm