Đánh thuế bất động sản thứ hai sẽ hiệu quả và minh bạch, vì hướng tới những đối tượng tích lũy, đầu cơ thay vì những đối tượng mua bất động sản phục vụ mục đích sinh sống, tổ chức sản xuất kinh doanh vừa giúp tăng nguồn thu ngân sách vừa giúp điều tiết thị trường.
Hành lang pháp lý mới đã có cơ chế, quy định xử phạt đối với các doanh nghiệp phát triển dự án để hoang đất, "găm" giữ chờ bán dự án.Xu hướng chung trên thế giớiCụ thể, các dự án đầu tư mà không được sử dụng 12 tháng liên tục kể từ khi nhận bàn giao hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong quyết định đầu tư sẽ bị thu hồi. Trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ, chủ đầu tư được gia hạn không quá 24 tháng và phải nộp bổ sung cho Nhà nước khoản tiền tương ứng. Hết thời gian gia hạn, chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất và chi phí đầu tư vào đất.Tuy nhiên, với các nhà đầu tư cá nhân, hệ thống pháp luật hiện vẫn chưa có cơ chế chính sách xác định và kiểm soát, ngăn chặn hoạt động đầu cơ, găm đất thổi giá. Cùng với đó, khái niệm đầu cơ và đầu tư tại Việt Nam vẫn chưa được phân định rõ ràng. Chính điều này đã khiến hoạt động đầu cơ bất động sản vẫn đang diễn ra ngày càng phổ biến tại các địa phương. Hoạt động này là nguyên nhân chính dẫn đến các cơn sốt đất. Do đó, để điều tiết thị trường phát triển theo hướng an toàn, bền vững, để giá bất động sản tăng giảm theo đúng thị trường, cần ban hành chính sách thuế bất động sản áp dụng với ngôi nhà thứ 2 trở lên. Đây cũng là xu hướng chung trên thế giới.Tại Singapore, bất cứ người dân nào mua nhà đều phải trả phí 20% giá trị bất động sản cho căn nhà thứ 2, 30% cho căn nhà thứ 3. Mức thuế có thể nâng cao dần với giao dịch bất động sản mà người bán có thời gian nắm giữ ngắn. Bán ngay trong năm đầu sẽ phải đóng thuế 6% giá trị bất động sản, bán vào năm thứ 2 đóng thuế 8%, năm thứ 3 là 4% và sau năm thứ 4 không bị áp thuế, phí này. Còn tại Hàn Quốc, nếu chủ sở hữu không đưa bất động sản tham gia hoạt động kinh doanh, không triển khai xây dựng sau khi nhận đất... đất bị bỏ hoang hoặc đang trong quá trình cải tạo đất quá 2 năm thì bị đánh thuế 5%, 5 năm thì đánh thuế 8%, bỏ hoang 7 năm thì đánh thuế 9%, bỏ hoang hơn 10 năm thì đánh thuế 10%. Tại Mỹ, đất bỏ hoang bị đánh thuế 3%. Tại Pháp, theo dự thảo kế hoạch ngân sách năm 2023, đối với những ngôi nhà bỏ trống thuế suất dự kiến sẽ tăng từ 12,5% lên 17% trong năm đầu tiên, và các năm tiếp theo lần lượt là 25% và 34%.Công cụ điều tiết thị trườngNhững chính sách thuế này sẽ khiến người dân hạn chế hoặc không còn nhiều động lực đầu cơ, kiềm chế đà tăng giá nhà đất, bởi cùng với chi phí lãi vay và các chi phí cơ hội khác, việc sở hữu bất động sản đầu cơ sẽ trở nên rủi ro hơn. Mua đi bán lại bất động sản để ăn chênh lệch, hay tạo cung cầu ảo để thổi giá bất động sản cũng dần trở nên vô nghĩa. Đồng thời, chính sách đánh thuế còn khuyến khích các chủ sở hữu đưa bất động sản bỏ hoang cho thuê hoặc bán đi, thông qua đó tăng khả năng tiếp cận nhà ở cho người dân có nhu cầu ở thực. Trường hợp nếu đánh thuế rồi mà người dân vẫn có nhu cầu đầu cơ, thì ngân sách thu được từ thuế sẽ phục vụ cho đầu tư công, xây dựng bệnh viện, đường sá...Dẫu rằng, việc sử dụng công cụ thuế để điều tiết thị trường là không dễ, sẽ gặp không ít thách thức, tuy nhiên không phải thấy khó mà không làm. Để sử dụng hiệu quả và minh bạch công cụ thuế, cơ quan quản lý Nhà nước cần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản Việt Nam. Công tác này có tác dụng làm căn cứ xác định đâu là ngôi nhà thứ 2, thứ 3... và giá trị của bất động sản áp thuế. Điều này đòi hỏi đầu tư lớn về công nghệ và nguồn nhân lực. Đồng thời, cũng phải cân nhắc tác động tiêu cực có thể có, như việc đánh thuế có thể khiến người dân bị "kiệt quệ" sức mua, dẫn đến các hệ lụy khác về lâu dài với nền kinh tế hoặc tạo ra các lỗ hổng pháp lý khi người giàu vẫn có thể lách thuế bằng cách chuyển quyền sở hữu tài sản thứ 2, thứ 3... cho người thân; giá thuê nhà tăng để bù đắp chi phí cấu thành từ việc đóng thuế...Bất cứ một chính sách nào khi mới đưa ra luôn có vướng mắc, vấn đề là phải cân nhắc "được - mất". Nếu được nhiều hơn mất thì nên làm và mọi thứ vướng đều có thể tháo gỡ. Và rõ ràng, việc đánh thuế bất động sản là được nhiều hơn mất.