Chính sách năng lượng nguyên tử quốc gia

Theo Vnautomate.net

Thứ năm, 24/8/2023 - 19:30 (GMT+7)

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã được Chính phủ giao soạn thảo 4 luật trong nhiệm kỳ này, trong đó có Luật Năng lượng nguyên tử (NLNT) sửa đổi. Để xây dựng các quy định của Luật NLNT thì cần phải có các tuyên bố về chính sách năng lượng nguyên tử quốc gia làm cơ sở để xây dựng Luật NLNT và Nghị định hướng dẫn thi hành.

Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) được Bộ giao chủ trì soạn thảo Luật NLNT sửa đổi. Vấn đề đầu tiên mà Cục ATBXHN đang chuẩn bị là soạn thảo các chính sách NLNT quốc gia làm cơ sở để biên soạn Luật NLNT sửa đổi. Nếu theo ngôn ngữ tiếng Việt thì mọi quy định trong Luật đều có thể xem là chính sách mà các tổ chức, cá nhân có liên quan phải tuân thủ. Nếu tổ chức, cá nhân có liên quan mà vi phạm các quy định tức là vi phạm các chính sách của Nhà nước thì phải bị xử lý tùy theo mức độ vi phạm. Chính sách nếu hiểu như vậy thì sẽ là toàn bộ các quy định trong Luật và Nghị định của Chính phủ.

Tuy nhiên, dựa trên hướng dẫn xây dựng Luật NLNT mẫu của Cơ quan NLNT quốc tế (IAEA) thì chính sách ở đây phải được hiểu là các nguyên tắc an toàn và an ninh cơ bản làm cơ sở để xây dựng Luật NLNT mẫu. Luật NLNT mẫu của IAEA chỉ quy định về các yêu cầu và giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh, không phổ biến và bổi thường thiệt hại hạt nhân, không quy định về thúc đẩy phát triển, ứng dụng NLNT. Quy định về thúc đẩy phát triển, ứng dụng NLNT là nhu cầu riêng của từng quốc gia, còn an toàn và an ninh hạt nhân là yêu cầu chung bắt buộc bất cứ quốc gia thành viên nào của IAEA có các hoạt động sử dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ đều phải cam kết tuân thủ. Nhưng cũng không có nhiều nước có luật về thúc đẩy phát triển, ứng dụng NLNT. Luật NLNT năm 2008 của chúng ta có riêng một chương quy định về thúc đẩy phát triển, ứng dụng NLNT (chương II), trong đó chủ yếu nêu về trách nhiệm lập các quy hoạch liên quan đến phát triển ứng dụng NLNT. Quốc hội cũng đã ban hành Luật quy hoạch rồi, do đó cần cân nhắc tránh trùng lặp hoặc mâu thuẫn với Luật Quy hoạch và các luật chuyên ngành có quy định liên quan đến các ứng dụng NLNT trong y tế, nông nghiệp và các ngành kinh tế – kỹ thuật. Ngoài ra, trong chương II còn có thêm hai điều liên quan đến công tác đào tạo và nghiên cứu. Tuy nhiên, các quy định cũng chỉ là các tuyên ngôn về chính sách về đào tạo và nghiên cứu phục vụ phát triển, ứng dụng NLNT.

Mục đích của nguyên tắc an toàn hạt nhân cơ bản của IAEA là để bảo vệ con người và môi trường khỏi các ảnh hưởng có hại của bức xạ ion hóa trong các hoạt động sử dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ (hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả vận chuyển, lưu giữ chất phóng xạ,…). Còn mục đích của nguyên tắc an ninh hạt nhân cơ bản của IAEA là để bảo vệ con người, tài sản, xã hội và môi trường khỏi các tác động có hại của bức xạ do các sự cố mất an ninh hạt nhân gây nên. Căc cứ trên các nguyên tắc an toàn và an ninh hạt nhân cơ bản, IAEA đã xây dựng các yêu cầu và hướng dẫn về bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân để đạt được mục đích của các nguyên tắc an toàn và an ninh hạt nhân cơ bản.

Hãy xem sơ đồ dưới đây của hệ thống các tiêu chuẩn về an toàn và an ninh hạt nhân của IAEA. Đầu tiên là các nguyên tắc an toàn và an ninh hạt nhân cơ bản (trong tiếng Anh là Safety Fundamentals và Security Fundamentals). Dựa trên các nguyên tắc an toàn và an ninh hạt nhân cơ bản này, IAEA đã xây dựng các yêu cầu về an toàn và các khuyến cáo về bảo đảm an ninh hạt nhân. Trên cơ sở các yêu cầu về an toàn và các khuyến cáo về an ninh hạt nhân, IAEA đã ban hành các hướng dẫn về bảo đảm an toàn và các hướng dẫn thực thi các khuyến cáo về bảo đảm an ninh hạt nhân.

Các quốc gia thành viên của IAEA sẽ căn cứ theo hướng dẫn nêu trên để xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân trong các hoạt động sử dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ. Các nguyên tắc an toàn và an ninh hạt nhân cơ bản sẽ được nội luật hóa thành các chính sách quốc gia về bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân, cũng có thể sử dụng thuật ngữ như Luật NLNT của chúng ta gọi là các chính sách NLNT quốc gia (tuy còn thiếu chính sách về phát triển, ứng dụng NLNT vì Luật hiện hành của chúng ta có phạm vi điều chỉnh cả về phát triển, ứng dụng NLNT ở Chương II). Còn các yêu cầu về an toàn và khuyến cáo về an ninh hạt nhân sẽ được đưa vào trong các quy định của Luật NLNT hoặc Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật NLNT. Các hướng dẫn an toàn và hướng dẫn thực hiện an ninh hạt nhân có thể đưa vào trong các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân và tiêu chuẩn an ninh hạt nhân hoặc các quy chuẩn an toàn hạt nhân và quy chuẩn an ninh hạt nhân tùy theo từng loại hướng dẫn cụ thể xem cái nào là khuyến cáo nên thực hiện và cái nào là bắt buộc phải thực hiện.

Do đó, khi xây dựng chính sách NLNT quốc gia, chúng ta phải biến 10 nguyên tắc an toàn hạt nhân cơ bản và 12 nguyên tắc an ninh hạt nhân cơ bản của IAEA thành ra các chính sách của Nhà nước được tuyên ngôn ngay trong Luật NLNT để làm căn cứ xây dựng các yêu cầu và biện pháp bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân được thể hiện trong Luật NLNT sửa đổi hoặc sau này trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật NLNT sửa đổi.

Sau đây xin được tóm tắt 10 nguyên tắc an toàn hạt nhân cơ bản và 12 nguyên tắc an ninh hạt nhân cơ bản để làm căn cứ xây dựng Luật NLNT.

Mười nguyên tắc an toàn hạt nhân cơ bản

Nguyên tắc 1: Trách nhiệm đối với an toàn

Trách nhiệm đối với an toàn trước hết là của cá nhân hoặc tổ chức chịu trách nhiệm đối với cơ sở và hoạt động làm tăng nguy cơ bức xạ

Nguyên tắc 2: Vai trò của Chính phủ

Khuôn khổ pháp luật và điều hành hiệu quả phải được thiết lập và duy trì, bao gồm cả việc thành lập một cơ quan pháp quy độc lập.

Nguyên tắc 3: Lãnh đạo và quản lý an toàn

Bộ máy lãnh đạo và quản lý hiệu quả đối với an toàn phải được thiết lập và duy trì trong các tổ chức có liên quan, và trong các cơ sở và hoạt động làm tăng nguy cơ bức xạ

Nguyên tắc 4: Luận chứng các cơ sở và hoạt động

Cơ sở và hoạt động làm tăng nguy cơ bức xạ phải đem lại lợi ích chung

Nguyên tắc 5: Tối ưu hóa việc bảo vệ

Việc bảo vệ phải được tối ưu hóa để bảo đảm mức độ an toàn cao nhất có thể đạt được một cách hợp lý

Nguyên tắc 6: Giảm thiểu nguy cơ đối với con người

Các biện pháp kiểm soát bức xạ phải bảo đảm không cá nhân nào phải chịu nguy cơ tổn thương không thể chấp nhận được.

Nguyên tắc 7: Bảo vệ các thế hệ hiện tại và tương lai

Con người và môi trường, cả hiện tại và tương lai, phải được bảo vệ trước các nguy cơ bức xạ

Nguyên tắc 8: Phòng ngừa tai nạn

Phải thực hiện mọi nỗ lực để phòng ngừa và giảm thiểu các tai nạn hạt nhân hoặc bức xạ

Nguyên tắc 9: Sẵn sàng ứng phó sự cố

Phải thực hiện các biện pháp để sẵn sàng ứng phó các sự cố bức xạ hoặc hạt nhân

Nguyên tắc 10: Hành động bảo vệ để giảm nguy cơ bức xạ hiện hữu hoặc mất kiểm soát

Các hành động bảo vệ để giảm các nguy cơ bức xạ đang tồn tại hoặc mất kiểm soát phải được luận chứng và tối ưu hóa

Mười hai nguyên tắc an ninh hạt nhân cơ bản

Nguyên tắc 1: Trách nhiệm của quốc gia

Quốc gia phải thiết lập, thực hiện, duy trì và bảo đảm tính bền vững của một chế độ bảo đảm an ninh hạt nhân cho các vật liệu hạt nhân, vật liệu phóng xạ khác, các cơ sở hạt nhân và các hoạt động liên quan thuộc quyền tài phán của quốc gia.

Nguyên tắc 2: Nhận diện và xác định các trách nhiệm an ninh hạt nhân

Các trách nhiệm an ninh hạt nhân phải được Quốc gia xác định rõ cho các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan pháp quy, cơ quan kiểm soát biên giới và các cơ quan thực thi pháp luật liên quan cũng như các chủ thể được cấp phép sử dụng nguồn phóng xạ và vật liệu hạt nhân theo nghĩa rộng (bao gồm cả vận chuyển, lưu giữ,…).

Nguyên tắc 3: Khuôn khổ luật pháp và pháp quy hạt nhân

Khuôn khổ luật pháp và pháp quy hạt nhân cùng các biện pháp hành chính liên quan cần được thiết lập để bảo đảm thực hiện được chế độ bảo đảm an ninh hạt nhân của quốc gia, trong đó có cả việc thiết lập cơ quan pháp quy với việc bảo đảm đầy đủ nguồn lực về an ninh hạt nhân, có cơ chế thông tin với các cơ quan có thẩm quyền liên quan và các chủ thể được cấp phép sử dụng nguồn phóng xạ và vật liệu hạt nhân.

Nguyên tắc 4: Vận chuyển quốc tế vật liệu hạt nhân và các vật liệu phóng xạ khác

Quốc gia phải bảo đảm an ninh cho các vật liệu hạt nhân và các vật liệu phóng xạ khác được vận chuyển quốc tế trong vùng tài phán của quốc gia cho đến khi chuyển giao trách nhiệm bảo đảm an ninh cho quốc gia khác trong lộ trình vận chuyển quốc tế.

Nguyên tắc 5: Vi phạm và xử phạt bao gồm cả tội hình sự

Cần xác định rõ đâu là vi phạm các quy định của pháp luật quốc gia liên quan đến các hành vi được gọi là phạm tội hoặc tội cố ý không được phép liên quan đến vật liệu hạt nhân, các vật liệu phóng xạ khác, các thiết bị và hoạt động liên quan cũng như các hành động khác ảnh hưởng đến an ninh hạt nhân. Cần thiết lập các mức xử phạt tương ứng với các hình vi vi phạm, quyền tài phán của quốc gia đối với các vi phạm đó và quy định về khởi tố các vi phạm liên quan đến an ninh hạt nhân.

Nguyên tắc 6: Hợp tác và trợ giúp quốc tế

Chế độ an ninh hạt nhân phải tạo điều kiện cho hợp tác và trợ giúp quốc tế trực tiếp giữa các nước hoặc thông qua IAEA hoặc các tổ chức quốc tế khác bằng các biện pháp khác nhau như chỉ định đầu mối quốc gia, các thức trao đổi thông tin, cung cấp các ứng phó kịp thời,…

Nguyên tắc 7: Nhận diện và đánh giá các mối đe dọa về an ninh hạt nhân

Các mối đe dọa về an ninh hạt nhân cả trong nước và từ nước ngoài cần được nhận diện và đánh giá, cập nhật thường xuyên để sử dụng trong việc thực thi chế độ an ninh hạt nhân quốc gia.

Nguyên tắc 8: Nhận diện và đánh giá các cơ sở hạt nhân quan trọng phải bảo đảm an ninh hạt nhân và hậu quả nếu bị phá hoại

Cần nhận diện và đánh giá các địa điểm cơ sở hạt nhân quan trọng phải bảo đảm an ninh hạt nhân trong vùng tài phán của quốc gia và đánh giá hậu quả nếu nó bị phá hoại, đồng thời cập nhật dữ liệu thường xuyên.

Nguyên tắc 9: Sử dụng các cách thức thông tin rủi ro

Các cách thức thông tin rủi ro được sử dụng trong phân cấp các nguồn phóng xạ trong hệ thống an ninh hạt nhân và biện pháp bảo đảm an ninh hạt nhân cũng như trong viêc thực hiện các hoạt động liên quan đến an ninh hạt nhân dựa trên quan điểm phân lớp và bảo vệ theo chiều sâu.

Nguyên tắc 10: Ghi nhận các sự kiện về an ninh hạt nhân

Hệ thống an ninh hạt nhân và các biện pháp bảo đảm an ninh hạt nhân phải sẵn sàng ở các cấp độ tại tất cả các tổ chức tương ứng có thể ghi nhận và đánh giá các sự cố an ninh hạt nhân và thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền để làm sao cho các hành động ứng phó phù hợp được khởi động ngay.

Nguyên tắc 11: Lập kế hoạch, chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó các sự cố an ninh hạt nhân

Các tổ chức có thẩm quyền phù hợp và các chủ thể được cấp phép phải được chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó và ứng phó phù hợp ở các cấp độ địa phương, quốc gia và quốc tế cho các sự cố mất an ninh hạt nhân.

Nguyên tắc 12: Tính bền vững của chế độ an ninh hạt nhân

Các cơ quan có thẩm quyền và các chủ thể được cấp phép cùng các tổ chức có liên quan đến trách nhiệm bảo đảm an ninh hạt nhân khác phải có trách nhiệm bảo đảm tính bền vững của chế độ an ninh hạt nhân.

Như vậy, việc xây dựng các chính sách NLNT quốc gia (chỉ về bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân) thực chất là Việt hóa 10 nguyên tắc an toàn hạt nhân cơ bản và 12 nguyên tắc an ninh hạt nhân cơ bản nêu trên của IAEA thành các tuyên ngôn chính sách NLNT quốc gia của Việt Nam trong Luật NLNT sửa đổi. Vì Luật NLNT của chúng ta còn có các quy định liên quan đến không phổ biến hạt nhân và bồi thường hạt nhân chiểu theo các điều ước quốc tế liên quan về không phổ biến hạt nhân và bồi thường hạt nhân mà Nhà nước ta đã tham gia. Do đó sẽ cần có một chính sách được tuyên bố trong Luật NLNT sửa đổi là chúng ta tuân thủ các điều ước quốc tế mà Nhà nước Việt Nam đã ký với các tổ chức quốc tế về không phổ biến hạt nhân và bồi thường hạt nhân. Vì Luật NLNT của chúng ta có cả quy định về thúc đẩy phát triển, ứng dụng NLNT nên cũng cần có một số tuyên bố chính sách về lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân thì không nên đưa quy định về thúc đẩy, phát triển ứng dụng NLNT vào trong Luật NLNT sửa đổi để phù hợp với hướng dẫn của IAEA đối với Luật NLNT mẫu. Các quy định về thúc đẩy, ứng dụng NLNT đã được đưa vào các luật chuyên ngành như điện hạt nhân thì đã phải có trong Luật Điện lực, các ứng dụng bức xạ trong y tế đã có hoặc phải có trong Luật Khám chưa bệnh, các ứng dụng bức xạ trong các ngành kinh tế – kỹ thuật đã có hoặc phải có trong các Luật chuyên ngành. Cùng một nội dung về phát triển ứng dụng bức xạ trong các ngành kinh tế – xã hội mà đưa cả vào luật chuyên ngành và Luật NLNT thì sẽ gây chồng chéo, vướng mặc khi tổ chức thực hiện. Luật NLNT chỉ nên điều tiết về bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân trong các hoạt động sử dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ theo nghĩa rộng và thực thi các điều ước quốc tế về không phổ biến hạt nhân và bồi thường hạt nhân. Còn đào tạo và nghiên cứu phục vụ phát triển, ứng dụng NLNT trong các ngành kinh tế – xã hội sẽ được điều tiết trong Luật Giáo dục và Luật KH&CN.

Thay lời kết

Chúng ta đã bắt đầu tái khởi động việc sửa đổi Luật NLNT hiện hành để đáp ứng như cầu thực tế hiện nay, trước hết là dự án xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân với lò phản ứng nghiên cứu mới công suất lớn hơn nhiều lần lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Việc xây dựng Luật NLNT sửa đổi cần quan triệt ngay từ đầu quan điểm phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc an toàn hạt nhân cơ bản và các nguyên tắc an ninh hạt nhân cơ bản của IAEA để tránh đưa ra các quy định lại vi phạm các quy định này của IAEA như đã từng xảy ra với Luật NLNT năm 2008. Do đó, trách nhiệm đầu tiên của Ban soạn thảo Luật NLNT sửa đổi là phải Việt hóa được đầy đủ các tinh thần của 10 nguyên tắc an toàn hạt nhân cơ bản và 12 nguyên tắc an ninh hạt nhân cơ bản của IAEA thành các chính sách NLNT quốc gia của Việt Nam để đưa vào trong Luật NLNT sửa đổi làm cơ sở để xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và quy định pháp quy trong Luật NLNT sửa đổi và Nghị định hướng dẫn Luật NLNT sửa đổi. Trong quá trình soạn thảo Luật NLNT sửa đổi cũng cần phải cập nhật bổ sung các thuật ngữ tiếng Việt mới phù hợp với các quy định của quốc tế và đơn giản trong sử dụng về sau khi biên soạn các quy định trong luật NLNT sửa đổi và Nghị định hướng dẫn thi hành.

(Theo Vnautomate.net)