AI tạo sinh: Việt Nam nên 'đứng trên vai người khổng lồ' hay tự chủ?

TheLEADER

Thứ năm, 28/9/2023 - 14:43 (GMT+7)

Cho đến nay, câu hỏi Việt Nam nên "đứng trên vai người khổng lồ" hay tự đầu tư nền tảng AI tạo sinh, ngôn ngữ lớn vẫn là một trăn trở lớn.

Ông Đào Đức Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần VinBigdata, phát biểu tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (Ảnh: Thanh Tùng |VnExpress)

Mặc dù Việt Nam còn nhiều rào cản trong việc làm chủ công nghệ AI, tuy nhiên một số chuyên gia đầu ngành cho rằng nước ta nên xây dựng một hệ sinh thái AI thuần Việt, từ đó tăng tính chuyên biệt và hiệu quả của AI trong công việc và đời sống.

Cơ hội rút ngắn khoảng cách với thế giới

Trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, AI tạo sinh là một trong những nhánh hấp dẫn nhất hiện nay. Là thuật toán có khả năng tạo ra những nội dung mới như: văn bản, hình ảnh, âm thanh, video và thậm chí là những trò chơi điện tử, phim, AI tạo sinh có thể cho ra những sản phẩm tương tự cách con người tạo ra.

Trong vòng 10 năm qua, nhiều cường quốc đã không ngừng thúc đẩy sự phát triển của công nghệ này. Đặc biệt, sự xuất hiện của ChatGPT vào tháng 11 năm ngoái lại càng thúc đẩy làn sóng này diễn ra mạnh mẽ.

Vì đã phát triển công nghệ này từ lâu, trong thời gian vừa qua, các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ đã lần lượt cho ra đời những sản phẩm AI tạo sinh khác nhau: OpenAI với ChatGPT, Google với Bard...

Dù nghiên cứu muộn hơn, các tập đoàn Trung Quốc cũng cho ra đời những sản phẩm AI tạo sinh với nhiều tính năng nổi bật như sản phẩm Earn Bat của Baidu, Hunyuan của Tencent... Gần đây, các tập đoàn lớn của hật Bản và Hàn Quốc cũng đầu tư rất nhiều vào AI tạo sinh với những sản phẩm AI tổng quát như HyperCLOVAX của Naver...

Theo số liệu của McKinsey, ước tính AI tạo sinh có thể đóng góp 2.600 - 4.400 tỷ USD cho kinh tế toàn cầu hàng năm. Tại Việt Nam, việc làm chủ AI tạo sinh có khả năng tạo ra nhiều lợi ích cho chính phủ, kinh tế, xã hội.

Theo TS. Đào Đức Minh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VinBigdata, việc tự chủ phát triển AI tạo sinh có thể giúp Chính phủ chủ động kiểm soát nội dung, tránh thông tin sai lệch, đảm bảo an toàn cho dữ liệu quốc gia, đưa công nghệ Việt ra thế giới.

"Mặc dù Việt Nam đã bỏ lỡ những cuộc cách mạng khoa học công nghệ trước đây, tuy nhiên ngày nay, trong lĩnh vực AI, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội rút ngắn khoảng cách so với thế giới. Các chuyên gia AI hàng đầu Việt Nam hoàn toàn tương xứng với các chuyên gia hàng đầu thế giới", ông Minh nêu quan điểm.

Trên góc độ xã hội, tự chủ AI tạo sinh giúp Việt Nam cung cấp những thông tin đặc trưng và đặc thù của người Việt, giúp bảo tồn, làm phong phú văn hóa và đời sống xã hội của Việt Nam, đảm bảo tính chính xác và uy tín.

Trong lĩnh vực kinh tế, tự chủ AI tạo sinh giúp các doanh nghiệp tự chủ công nghệ lõi, thúc đẩy hoạt động kinh doanh và bảo vệ dữ liệu quan trọng.

Theo ông Minh, công nghệ này có thể ứng dụng rộng rãi đa ngành theo cả chiều rộng và chiều sâu. Trước khi có AI tạo sinh, các doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào các chatbot để trả lời theo các nghiệp vụ đã định trước, hoặc thực hiện các mệnh lệnh là chính.

Trong khi đó, các trợ lý ảo thế hệ mới với AI tạo sinh có thể tương tác tự nhiên và tư vấn cá nhân hóa cho khách hàng, đến việc hỗ trợ tư vấn bán hàng và đề xuất mô hình kinh doanh và sản phẩm mới.

Hơn hết, không giống như những loại AI truyền thống chỉ áp dụng được trong các tập đoàn, công ty lớn, AI tạo sinh có khả năng áp dụng trong doanh nghiệp ở tất cả các quy mô, bởi khả năng chuyển đổi dữ liệu thông tin từ thô sang có ích một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn.

'Sản phẩm dành cho người Việt nên do người Việt phát triển'

Đến thời điểm hiện tại, câu hỏi Việt Nam có nên "đứng trên vai người khổng lồ" hay tự phát triển nền tảng AI tạo sinh và ngôn ngữ lớn vẫn là một trăn trở lớn của các doanh nghiệp.

Mặc dù có nhiều tiềm năng và lợi ích, vẫn còn nhiều rào cản khiến AI tạo sinh chưa thể bùng nổ tại Việt Nam. Những rào cản này bao gồm vấn đề về tài chính, bảo mật, tính chính xác, sự phù hợp với văn hóa địa phương.

Trong đó, việc phát triển AI tạo sinh tại Việt Nam dự kiến sẽ đòi hỏi nhiều kinh phí hơn so với Mỹ và các quốc gia phát triển khác. Tuy nhiên, đại diện của VinBigdata vẫn đánh giá cao việc phát triển AI tạo sinh dành riêng cho người Việt, nhằm tạo ra một công cụ "thuần Việt" có khả năng hiểu rõ văn hóa Việt Nam.

Mới đây, VinBigdata đã thành công trong việc phát triển AI tạo sinh dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn, và dự kiến sẽ tích hợp nó vào các sản phẩm như Vivi, VinBase và ViGPT.

Trong Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2024 (AI4VN), điều này được thực chứng thông qua việc ông đặt ra cùng một câu hỏi cho cả hai nền tảng. Trong khi ChatGPT đưa ra một câu trả lời chung chung và khó hiểu, AI tạo sinh của VinBigdata thể hiện khả năng phân tích sâu và diễn giải bằng ngôn ngữ gần gũi, dễ hiểu hơn.

Đại diện VinBigdata nhấn mạnh: "Có những sản phẩm dành cho người Việt chỉ nên được phát triển bởi người Việt. Chúng tôi hy vọng có sự đồng lòng từ các bộ ngành, doanh nghiệp và cộng đồng để mang đến sản phẩm đột phá và hữu ích cho người dùng."

Tiến sĩ Lê Thái Hưng, Giám đốc chiến lược VNPT AI, nêu quan điểm người Việt nên tự làm chủ AI tạo sinh (Ảnh: Quỳnh Trần I VnExpress)

Tương tự, đối với một số vấn đề liên quan đến các sản phẩm AI trên thế giới như tính chính xác của đầu ra, bảo mật dữ liệu, cập nhật dữ liệu, và tính phụ thuộc khi sử dụng, Tiến sĩ Lê Thái Hưng, Giám đốc chiến lược VNPT AI, cũng nêu quan điểm rằng cần phát triển trợ lý AI chuyên biệt dành riêng cho người Việt.

Ông cho rằng trợ lý AI của người Việt nên được xây dựng sâu và chuyên sâu cho từng ngành, từng lĩnh vực hoặc từng nhiệm vụ cụ thể. Ông cũng nêu rõ rằng VNPT có niềm tin trong việc xây dựng trợ lý AI chuyên biệt nhờ vào bốn trụ cột quan trọng là con người, dữ liệu, hạ tầng và chiến lược.

Hệ sinh thái AI của VNPT đã tạo ra các trợ lý AI chuyên biệt như trợ lý AI định danh điện tử, trợ lý AI y tế cho bác sĩ, trợ lý AI giám sát giao thông, trợ lý AI lắng nghe mạng xã hội, trợ lý AI chăm sóc khách hàng và người dân, và được khách hàng đón nhận vì đáp ứng đúng nhu cầu sử dụng.