Áp lực đè nặng khách sạn ven biển

Theo Theleader.vn

Thứ bảy, 4/11/2023 - 8:28 (GMT+7)

Nguồn cung phòng lớn trong khi lượng khách du lịch sụt giảm mạnh sau đại dịch khiến kinh doanh khách sạn nghỉ dưỡng biển vẫn chìm trong khó khăn.

Nguồn cung phòng khách sạn ven biển tăng nhanh. Ảnh: Hoàng Anh

Kinh doanh khách sạn ở Việt Nam chỉ đang ở "cuối đường hầm" và nếu muốn thấy "ánh sáng" vào đầu năm sau, các doanh nghiệp cần nỗ lực rất lớn mới tạo được sức mạnh giúp thị trường hồi phục.

Nhận định được Giám đốc Savills Hotels châu Á – Thái Bình Dương Mauro Gasparrotti đưa ra tại hội nghị “Tái tạo năng lượng thị trường” tổ chức hôm qua, dựa trên khảo sát của công ty tư vấn này cho thấy năm nay vẫn là một năm đầy khó khăn đối với ngành du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng.

Từ đầu năm đến nay, thị trường khá im ắng và đây cũng là bài toán khó nếu "cứu vớt" thị trường. Thị trường khách sạn ở các nước Đông Nam Á đều đã vượt mốc 50% nhưng tốc độ hồi phục ở Việt Nam rất chậm khi công suất cho thuê chỉ trung bình 40% trong tám tháng đầu năm, thấp hơn nhiều so với trước đại dịch Covid-19.

Đà hồi phục cũng có sự phân hoá rõ nét khi các thị trường ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM ghi nhận tín hiệu tích cực với công suất cho thuê khoảng 60%, trong khi các thị trường nghỉ dưỡng như Nha Trang – Cam Ranh, Đà Nẵng và Phú Quốc vẫn đang gặp nhiều thách thức trong việc cải thiện công suất phòng.

Áp lực dư cung khách sạn

Nguyên nhân của sự phân hoá này là sự bùng nổ bất động sản nghỉ dưỡng biển trong những năm qua, khiến nguồn cung tăng vọt.

Bên cạnh các khách sạn được xây dựng theo mô hình truyền thống là chủ đầu tư tự xây dựng để vận hành, trong những năm qua, các thị trường ven biển chứng kiến sự bùng nổ của mô hình mới là các dự án căn hộ du lịch, biệt thự và nhà phố biển, thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân và bổ sung thêm nguồn cung phòng khách sạn khổng lồ.

Ông Mauro cho biết, nguồn cung phòng chủ yếu tập trung tại các thành phố Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, Hạ Long và Hội An – Quảng Nam, tương đương khoảng 54% tổng nguồn cung mới trên cả nước.

Tính trung bình, nguồn cung phòng khách sạn tại các điểm đến ven biển tăng 16%/năm, cao gần gấp ba so với mức 6% của TP. HCM và Hà Nội. Đây chính là lý do khiến một số thành phố biển đang dư thừa nguồn cung phòng lưu trú phục vụ du lịch.

Đáng chú ý, vị chuyên gia này cho rằng, một số lượng không nhỏ các bất động sản nghỉ dưỡng đang trong giai đoạn phát triển, chưa đi vào hoạt động. Nếu tất cả các bất động sản này đưa vào vận hành thì tổng lượng phòng lưu trú thực tế trên thị trường sẽ lớn hơn rất nhiều, khó có thể lấp đầy.

Nghiêm trọng hơn, theo ông Mauro, vấn đề không chỉ là dư cung mà không ít dự án đang chú trọng số lượng hơn chất lượng, thiếu cân nhắc đến đặc điểm thị trường, xu hướng trong ngành, dẫn đến không đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách.

Thực tế cho thấy, phân khúc khách sạn cao cấp có sự phục hồi nhanh nhất sau đại dịch mặc dù có giá phòng cao, nhưng lại được nhiều khách hàng lựa chọn do yếu tố chất lượng, tính bền vững, thân thiện với thiên nhiên và sự hấp dẫn của điểm đến.

Tuy nhiên, cả nước không có nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng sang trọng, 5 sao. Theo Cục Du lịch quốc gia, tính đến giữa năm 2023, cả nước 235 cơ sở lưu trú du lịch hạng 5 sao với 77.895 buồng và 354 cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao với 47.502 buồng, chiếm tỷ lệ rất thấp so với tổng nguồn cung phòng khách sạn.

Tại một số điểm đến như Mũi Né, Nha Trang và Hạ Long, hơn 80% nguồn cung thuộc phân khúc tầm trung trong khiđây là phân khúc có sự cạnh tranh cao về mặt bằng giá, không chỉ từ nguồn cung khách sạn mà còn gặp sự cạnh tranh từ những dự án căn hộ nghỉ dưỡng do chủ sở hữu tự kinh doanh, cho thuê với chính sách giá bán linh động để thu hút nguồn cầu.

Khách du lịch quốc tế chưa hồi phục

Tình trạng lượng cung phòng quá lớn tại một số điểm đến trong bối cảnh khách du lịch chưa thể phục hồi chính là nguyên nhân khiến hoạt động kinh doanh ngành du lịch nghỉ dưỡng tiếp tục ảm đạm.

Theo số liệu từ Savills Hotels, từ mức tăng trưởng khách du lịch quốc tế rất cao, đại dịch Covid-19 xuất hiện đã khiến mọi thứ sụt giảm.

Từ năm 2021 sau khi mở cửa các điểm đến, sự phục hồi của du lịch chủ yếu đến từ khách nội địa. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, lượng khách nội địa đã giảm đáng kể do suy thoái kinh tế. Nhiều người dân trong nước cũng chọn đi du lịch nước ngoài với chi phí hấp dẫn và đa dạng các điểm đến hơn.

Trong khi đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa phục hồi như mức trước đại dịch. Theo bà Velancia Teo, Quản lý kinh doanh Costar Group, trong chín tháng đầu năm 2023, thị trường khách châu Á vẫn thấp hơn mức trước Covid-19 khoảng 33%.

Hàn Quốc hiện là thị trường khách quốc tế lớn nhất đến Việt Nam với 2,6 triệu lượt, tuy nhiên tổng lượt khách vẫn thấp hơn mức năm 2019 khoảng 18%.

Thị trường Trung Quốc hiện chỉ tương đương 28% so với cùng kỳ 2019 trong khi thị trường khách châu Mỹ và châu Úc thấp hơn so với cùng kỳ 2019 khoảng 7%, đạt tổng 1,1 triệu lượt khách.

Trước đại dịch, năm 2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt và đến hết tháng 9 năm 2023 mới chỉ phục hồi hơn 50%.

Tuy nhiên, theo ông Mauro, với lượng cung phòng lưu trú lớn như hiện nay, những nỗ lực của ngành du lịch đối với việc tăng lượng khách như vậy là chưa đủ.

Với lượng phòng tăng mạnh, ngành du lịch cần "nỗ lực gấp đôi" để có đủ lượng khách lấp đầy, ông Mauro nhận định và cho rằng các doanh nghiệp còn cả chặng đường rất dài phía trước với tổng hoà các giải pháp, từ phát triển sản phẩm phù hợp, tăng trải nghiệm cho du khách đến thu hút thêm các thị trường khách du lịch mới, giảm giá vé máy bay.